Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu: Thời cơ cho Việt Nam nâng cấp chiến lược thu hút FDI

Thứ Bảy, 04/03/2023 10:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Nếu từ 2024, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, theo các chuyên gia kinh tế sẽ có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp tại Việt Nam chịu ảnh hưởng. Do vậy, sẽ cần một kế hoạch triển khai cụ thể, thích hợp để đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam cũng như cần sớm có những chính sách ưu đãi đầu tư mới mới có thể cạnh tranh và và thu hút các nhà đầu tư đến với Việt Nam. Đây có thể coi là thách thức nhưng cũng là thời cơ vô giá cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI.

 Việt Nam hiện có 1.015 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có doanh thu 750 triệu Euro trở lên (Ảnh: M.P)

Năm 2017, Việt Nam bắt đầu tham gia chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Theo đó, BEPS là hiệp định đa phương nhằm giúp các quốc gia thu hẹp lỗ hổng quản lý thuế quốc tế, ngăn chặn tình trạng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến những vùng lãnh thổ có thuế suất thấp, miễn thuế trong khi thực tế những nơi này có ít hoặc không có các hoạt động kinh tế thực chất. Việc triển khai thực hiện nhanh chóng chương trình hành động BEPS của các nước sẽ đảm bảo môi trường quốc tế bền vững hơn vì lợi ích của tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

BEPS gồm 15 chương trình hành động lớn nhưng Việt Nam chỉ tham gia ở một số cam kết tối thiểu, phù hợp với các nước đang phát triển như: minh bạch hoá xử lý tranh chấp thuế; trao đổi, chia sẻ thông tin và trong thời gian tới có thể mở rộng đối với thuế giá trị gia tăng, thuế doanh thu, không chỉ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Một trụ cột khác của BEPS được các quốc gia quan tâm là "Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu" dự kiến cuối năm 2023 này được thực thi. Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu một thoả thuận đa phương với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới với mức thuế tối thiểu thống nhất là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên. Theo đó, nếu công ty con hưởng thuế suất “hiệu quả” thấp hơn mức 15% tại nước đầu tư thì nước nơi đặt trụ sở chính của công ty mẹ (nước đi đầu tư) sẽ được đánh thuế bổ sung trên phần chênh lệch giữa mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% và mức thuế suất hiệu quả tại nước đầu tư. Quy tắc ước tính sẽ tạo ra khoảng trên 150 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu hàng năm.

Về tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam, theo khẳng định của giới chuyên gia, là rất rõ ràng và cấp bách, thể hiện rõ nhất trong 2 lĩnh vực: thuế và thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện đang có hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, các đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á. Cụ thể, trong nhiều năm qua, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore luôn dẫn đầu danh sách các nguồn FDI vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư đăng ký của ba nước này chiếm tới gần một nửa tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu được lường trước sẽ ảnh hưởng tới thu hút đầu tư như Việt Nam.

Giới chuyên gia chỉ rõ, nếu từ 2024, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, những nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam thông qua việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ mất đi tác dụng và môi trường đầu tư Việt Nam sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn. Bởi xưa nay việc thu hút vốn ngoại của Việt Nam đều dựa vào thuế suất thấp và lao động nhân công giá rẻ. Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến dòng vốn FDI có những xáo trộn trong ngắn hạn.

Vậy nhưng xét về tương lâu dài thì sao?

Theo phân tích từ giới chuyên gia, thuế tối thiểu toàn cầu đưa ra trong bối cảnh các nước đang phát triển tìm cách hút đầu tư bằng mọi giá, tạo ra cuộc “cạnh tranh xuống đáy”. Thuế thu nhập doanh nghiệp danh nghĩa tại các nước trên thế giới liên tục giảm từ mức trung bình 40,11% năm 1980 xuống còn trung bình 23,37% (theo khảo sát của Tax foundation năm 2022, Thuế Thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là 20%). Như vậy, khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, cuộc cạnh tranh xuống đáy sẽ chấm dứt.

GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Singapore nhấn mạnh, Quy tắc Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào cuối năm 2023 là một thời cơ vô giá cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Nó không chỉ giúp Việt Nam có tư duy và tầm nhìn mới mà còn có nguồn lực dồi dào, khả năng gắn kết sâu sắc hơn với các nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn mới này.

Theo GS.TS Vũ Minh Khương nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam có quy mô rất lớn và được hưởng ưu đãi thuế thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 15% nên Việt Nam đứng trước khả năng có nguồn lực bổ sung rất lớn, có thể lên tới hàng tỷ USD mỗi năm để đầu tư phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, để giữ chân các nhà đầu tư và thu hút các nhà đầu tư chiến lược này, Việt nam cần xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tăng sự gắn kết và sức cộng hưởng của Việt Nam với các nhà đầu tư trong các thập kỷ tới.

Ông Khương khuyến nghị, Chính phủ có thể cân nhắc xác định các nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư lớn, có hoạt động R&D và công nghệ cao để đưa ra các phương án ưu đãi, hỗ trợ hiệu quả như hỗ trợ trực tiếp để các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực ở các địa phương mà các nhà đầu tư đó hoạt động, hỗ trợ nâng cấp các ngành công nghiệp bản địa phụ trợ ch các nhà đầu tư chiến lược đó, hỗ trợ nâng cao năng suất và khả năng sáng tạo quốc gia.

Chuyên gia kinh tế  TS Cấn Văn Lực khẳng định rằng việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng. Từ đó cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút FDI của Việt Nam theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực...

Cũng theo phân tích của TS Cấn Văn Lực, thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá... của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Việt Nam có thể tận dụng nguồn thu tăng thêm từ việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu (nếu có) để tăng cường đầu tư phát triển Kinh tế - Xã hội, cải thiện các yếu tố về môi trường đầu tư chi phối quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực...).

GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội  doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng Việt Nam không thể chậm trễ trong việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, càng chậm sẽ càng thiệt hại.

GS-TSKH. Nguyễn Mại phân tích, nếu một tập đoàn của Hàn Quốc đang nộp thuế thu nhập DN 7% tại Việt Nam, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng ở Hàn Quốc năm 2024 mà chưa áp dụng ở Việt Nam, tập đoàn đó sẽ phải nộp ít nhất 8% thuế chênh lệch cho Hàn Quốc, nước đặt trụ sở chính. Như vậy, Việt Nam không thu được phần chênh lệch 8%.

Nếu tính có khoảng hơn 100  doanh nghiệp phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Như vậy, ngân sách chúng ta sẽ mất vài tỷ USD/1 năm, trong khi tổng thu ngân sách hàng năm chỉ khoảng 100 tỷ USD.

GS-TSKH. Nguyễn Mại nhận định, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài muốn Việt Nam thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu càng sớm càng tốt. Vì bất kỳ nước nào thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu trong điều kiện đang áp dụng ưu đãi cho các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ phải đàm phán với các tập đoàn này để thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích, và như vậy  doanh nghiệp đó có lợi khi Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện cùng một thời điểm.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, tác động chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến nước ta là có. Hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam cho đầu tư phổ biến là: ưu đãi thời gian miễn, giảm thuế đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng; miễn 4 năm, giảm 9 năm; miễn 2 năm, giảm 4 năm. Một số tính toán cho thấy, trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp FDI trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%. Trong đó, một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %. “Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác nơi họ có trụ sở chính.

Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu lực chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm trong nhiều trường hợp”, ông Phan Đức Hiếu phân tích.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khẳng định, ngoài tác động tiêu cực, thì chính sách thuế này có cơ hội tăng thu ngân sách và hạn chế trốn tránh thuế, hạn chế tình trạng các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư theo cách “đưa nhau xuống đáy”.

Dưới góc độ quản lý thuế, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, năm 2022, Tổng cục Thuế kết hợp với Công ty Ernst & Young Việt Nam rà soát được 1.015 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có doanh thu trên 750 triệu Euro (theo báo cáo tài chính năm 2021). Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cục thuế địa phương rà soát chế độ đối với các doanh nghiệp đó như thế nào. Hiện tại, có 20 cục thuế báo cáo có 400 doanh nghiệp FDI đang hưởng chế độ ưu đãi và chỉ còn 1 năm hưởng ưu đãi giảm thuế. Do đó, ông Lưu Đức Huy cho rằng việc nghiên cứu cụ thể, tính toán tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối với các doanh nghiệp là rất khó do mỗi doanh nghiệp có chế độ ưu đãi, thời gian đầu tư khác nhau trong khi đó thời điểm thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là cuối năm 2023. 

Có thể thấy, với việc nhiều năm thu hút đầu tư bằng nhiều ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi thuế việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu nếu có hiệu lực thì sự hấp dẫn về chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm sẽ có những ảnh hưởng trước mắt. Nhưng nhìn rộng ra thì đó cũng là thời cơ để vô giá cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Khi đó, mô hình kinh tế truyền thống sẽ chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững. Môi trường kinh doanh ổn định, khu vực kinh tế FDI sẽ đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế./.

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN