An toàn mạng trong học online của trẻ
(ĐCSVN) – Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phần lớn trẻ em, nhất là các cháu khối tiểu học phải học online. Vấn đề an toàn mạng từ đó càng được dư luận xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm. Nhiều phụ huynh đang thực sự cảm thấy bất an, lo lắng với việc kiểm soát được quá trình học online của trẻ.
Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến các cháu nhỏ phải học online, dẫn đến việc kiểm soát an toàn mạng đang khiến không ít bậc phu huynh lo lắng, hoang mang. (Ảnh minh hoạ: Nhất Phong). |
Trước ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chúng ta không thể phủ nhận những thuận lợi của việc học trực tuyến, bởi hình thức học này là giải pháp phù hợp, hiệu quả tương tác giữa giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, thiết thực thì môi trường mạng ngày nay tiềm ẩn không ít cạm bẫy, rủi ro. Có thể nói, đây chính là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng xấu lợi dụng truyền bá những thông tin độc hại, có nội dung tiêu cực, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ em và có thể dẫn đến tình trạng trẻ em bị dụ dỗ và xâm hại.
Những nội dung truyền bá hấp dẫn có thể khiến các em thu mình vào thế giới ảo, sống xa rời thực tế. Bởi hiện nay, hầu hết các phụ huynh bận đi làm, không có nhiều thời gian quản lý, theo dõi con em mình học online ở nhà thế nào và tiếp cận kiến thức trên mạng xã hội ra sao. Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội với vô số những ứng dụng đầy “cám dỗ” là những nguy cơ được lường trước nhưng lại không dễ vượt qua.
Cha mẹ cần hướng dẫn con một cách tỉ mỉ về việc sử dụng mạng xã hội sao cho đúng cách, hợp lý và mang lại lợi ích cho việc học của trẻ - (Ảnh: Nhất Phong). |
Đáng chú ý, nhóm các cháu học sinh khối tiểu học, về cơ bản, đa số các em chưa đủ nhận thức về những mối nguy hiểm gặp phải nên đôi khi gặp rồi mà không biết mình gặp và coi đó là chuyện bình thường. Cũng có trường hợp quá sợ hãi, ngại ngùng khiến các em gặp khó khăn trong việc chia sẻ với người khác, trong đó có một số vấn đề thực sự báo động như lừa đảo mạng, xâm hại tình dục mạng, bạo lực mạng. Đây là thực trạng khiến nhiều phụ huynh lo lắng và cảm thấy bất an khi mà thời lượng các con phải học online quá nhiều, thời gian tiếp cận internet theo đó cũng tăng lên.
Theo anh Hoàng Trọng Quyết (quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết, gia đình chị có hai con đều đang học tiểu học, dù bận công việc cơ quan, nhưng chị vẫn luôn cố gắng giành tối đa thời gian để cùng con học online. Sau thời gian đầu còn bỡ ngỡ, thì đến thời điểm này, các cháu đều thuần thục các thao tác trong quá trình học bài, ôn bài qua giải pháp học trực tuyến của nhà trường. “Tuy nhiên, đã có lần tôi vô tình quan sát được cháu ngồi chăm chú xem mạng xã hội Facebook với những đoạn chát không mấy văn minh, thô tục, thậm chí là mang tính bạo lực. Tìm kiếm lịch sử truy cập mạng, tôi thật sự bất ngờ, hoảng hốt khi thấy con còn hay vào các trang youtube có nội dung bạo lực, những trang mạng có hình ảnh và lời bình tục tĩu…” – anh Quyết chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Phương Nhung, (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, thời gian học online của các con quá nhiều, trong khi bố mẹ thì vẫn phải đi làm, rất khó có thể kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội của con. Một lần tình cờ cầm điện thoại mà con gái (học lớp 4) hay sử dụng để học trực tuyến, chị thấy rất nhiều tin nhắn chat gửi đến. Tò mò vào đọc và kéo lên các phần tin nhắn cũ thì thấy nhiều tin có nội dung rủ rê, lôi kéo con tham gia tìm kiếm các kênh youtube, clip có nội dung không lành mạnh (trẻ dưới 18 tuổi không được phép xem).
“Mặc dù khi biết sự việc, gia đình tôi đã cùng ngồi với con để tâm sự, chia sẻ, phân tích cho cháu hiểu. Tuy nhiên, với lứa tuổi này, chúng tôi cũng không biết cháu có để tâm hay không. Chỉ lo lắng khi gia đình bận rộn, lơ là thiếu cảnh giác, cháu lại bị cuốn vào những hành vi thực sự đáng lo lắng này” – chị Nhung chia sẻ lo lắng, băn khoăn của mình.
Trao đổi về những nội dung xung quanh chủ đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN) cho rằng, trong bối cảnh thông tin phát triển như hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các con phải học online nhiều, các bậc cha mẹ hay người lớn phải sát sao với con trẻ và hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội, sử dụng internet hay thưởng thức các sản phẩm từ trò chơi, youtube cho phù hợp, đúng hướng.
Bởi trên mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều vấn đề mà chúng ta không thể lường hết được, trong đó tiềm ẩn nhiều nội dung không lành mạnh có thể gây tổn hại đến tâm lý cũng như sự phát triển trí tuệ của trẻ. Các em đều trong độ tuổi tò mò, muốn tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, cộng với đó là sự thiếu hiểu biết về các vấn đề xã hội nên rất dễ sa đà vào các cạm bẫy, những lời rủ rê, mời gọi của những đối tượng xấu.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Thị Tâm, để các con tránh sa vào những hành vi không lành mạnh trên, yếu tố quyết định là gia đình. Do đó, cha mẹ cần hướng dẫn con một cách tỉ mỉ về việc sử dụng mạng xã hội sao cho đúng cách, hợp lý và mang lại lợi ích cho việc học của trẻ. Các bậc cha mẹ cũng cần lắng nghe trẻ nói, chuyện trò với trẻ và định hướng trẻ đi đúng hướng, tránh sa ngã vào cạm bẫy của các đối tượng xấu./.