Ấn Độ trước nguy cơ "vỡ trận" vì dịch COVID-19
(ĐCSVN) – Bức ảnh người mẹ ngồi thất thần trên xe điện, phía dưới chân bà là thi thể của cậu con trai tử vong vì COVID-19 đang được lan truyền chóng mặt trên các trang mạng xã hội ở Ấn Độ. Bức ảnh là một ví dụ về thảm cảnh mà người dân Ấn Độ đang phải trải qua. Họ bị mắc kẹt trước sự lây lan của đại dịch, trong khi hệ thống y tế lại đang trên bờ vực sụp đổ.
Bức ảnh về hai mẹ con bà Singh gây ám ảnh người xem (Ảnh: India Today) |
Trong bài viết với nhan đề “Con trai tử vong vì thiếu trợ giúp y tế, người mẹ chở xác con bằng xe điện” tờ India Today ngày 20/4 viết: “Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng y tế trên toàn quốc. Sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 không chỉ tạo ra tình trạng khan hiếm giường cho những bệnh nhân nhiễm virus corona mà còn đối với cả những bệnh nhân phải điều trị vì những bệnh khác”.
Bức ảnh kể về câu chuyện của hai mẹ con bà Singh ở Varanasi, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Sáng 19/4, bà Singh cùng con trai Vineet đi từ nhà riêng đến một bệnh viện thuộc Đại học Hindu Banaras (BHU), cách thành phố hơn một giờ lái xe. Vineet bị bệnh thận và đang phải thăm khám bác sĩ tại bệnh viện BHU thời gian qua. Tuy nhiên, khi hai mẹ con Vineet đến bệnh viện, họ được thông báo rằng bác sĩ đi vắng. Cả hai được khuyên nên đến trung tâm chấn thương chuyên tiếp nhận các trường hợp cấp cứu. Vineet ngã gục ở lối vào trung tâm chấn thương và các nhân viên tại đây từ chối tiếp nhận anh. "Họ nói con trai tôi đã nhiễm virus corona chủng mới. Họ yêu cầu đưa cháu đi khỏi đây. Con trai tội nghiệp của tôi lúc đó đang thở hổn hển. Chúng tôi cầu xin bình dưỡng khí và xe cấp cứu nhưng chúng tôi chẳng nhận được gì cả", bà Singh kể lại. Không có xe cứu thương, người mẹ đau khổ đặt con lên xe kéo điện và đưa anh đến một bệnh viện tư gần đó, nhưng họ cũng từ chối tiếp nhận điều trị. Trên đường tới bệnh viện thứ ba, Vineet tử vong. Thi thể anh nằm sõng soài dưới chân mẹ.
Bức ảnh gây ám ảnh cho người xem, đồng thời phản ánh thực tế khắc nghiệt ở Ấn Độ trong bối cảnh quốc gia đông dân thứ hai thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Những cảnh tượng đau lòng tương tự đang xảy ra khắp Ấn Độ, với những đám đông chờ đợi bên ngoài các bệnh viện quá tải và hàng dài xe cứu thương chở bệnh nhân đang chờ đến lượt được nhập viện. Nhiều người, giống như Vineet, đã qua đời ngay bên ngoài bệnh viện hoặc trên đường đến bệnh viện. Mạng xã hội Ấn Độ trong những ngày này tràn ngập những lời kêu gọi khẩn thiết về dưỡng khí, xe cấp cứu, các giường chăm sóc tích cực (ICU) và thuốc điều trị.
Tình hình ở đất nước hơn 1,3 tỷ dân được đánh giá là “nguy cấp”, với nguy cơ hiện hữu từ sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc y tế. Số liệu từ trang thống kê trực tuyến https://www.worldometers.info/ cho thấy, liên tiếp trong những ngày qua, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 ở mức cao kỷ lục. Chỉ trong ngày 22/4, nước này ghi nhận thêm 332.503 ca nhiễm mới, 2.256 ca tử vong; ngày 23/4, nước này ghi nhận thêm 345.147 ca nhiễm mới, 2.621 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 16.602.456 ca, tổng số ca tử vong là 189.549. Sau Mỹ, Ấn Độ trở thành nước chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới bởi đại dịch COVID-19.
Ấn Độ hiện là tâm dịch thứ hai trên thế giới, với hơn 16,5 triệu ca mắc và hơn 188 nghìn ca tử vong vì COVID-19 (Ảnh: Reuters) |
Trong khi số ca nhiễm mới không ngừng gia tăng thì nhiều bệnh viện ở khu vực phía tây và bắc Ấn Độ đã thông báo về việc nguồn ô xy sắp cạn kiệt. Ngoài ra, hơn 2/3 bệnh viện tại thủ đô New Delhi không còn giường trống. “COVID-19 đã trở thành cuộc khủng hoảng y tế công cộng ở Ấn Độ và đang dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc y tế”, Giáo sư Krutika Kuppalli tại Đại học Y khoa Nam Carolina (Mỹ) nhận định.
Giới chuyên gia y tế cho rằng, Ấn Độ đã mất cảnh giác khi dịch bệnh COVID-19 dường như đã được kiểm soát trong thời gian từ tháng 1 – 3/2021, khi số ca mắc trong ngày ở mức khoảng 10.000 ca, và nước này đã dỡ bớt các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch, cho phép tập trung đông người trở lại.
Đài CNBC nhận định, các sự kiện vận động chính trị đông người và những lễ hội thu hút các đám đông khổng lồ trên toàn Ấn Độ, như lễ hội Kumbh Mela bên bờ sông Hằng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Hầu hết những người tụ tập trong các sự kiện và lễ hội trên không đeo khẩu trang hay tuân thủ giãn cách xã hội. Giới chức Ấn Độ ngày 14/4 cho biết có hơn 1.000 người mắc COVID-19 chỉ trong 48 giờ tại thành phố Haridwar, bang Uttaranchal sau lễ hội Kumbh Mela.
Mặc dù vậy, cho đến nay Chính phủ Ấn Độ vẫn bác bỏ kế hoạch phong tỏa toàn quốc lần 2 sau khi đợt phong tỏa toàn quốc lần đầu từ cuối tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế. Hiện nay, nhiều bang của Ấn Độ đang tăng cường các biện pháp phòng dịch ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm biện pháp phong tỏa một phần.
Trong một nỗ lực ngằm đối phó với dịch bệnh, Chính phủ Ấn Độ đã phát động chương trình tiêm vắc-xin COVID-19, nhưng chỉ có một phần nhỏ trong số hơn 1,3 tỷ dân của nước này đã được tiêm. Ấn Độ là quốc gia sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì nguồn cung vắc-xin trong nước không đủ đáp ứng. Do vậy, Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vắc xin từ tháng 3 để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Cuộc chiến chống COVID-19 không phải là câu chuyện của riêng quốc gia nào. Và mỗi quốc gia lại có những cách khác nhau để ứng phó với dịch bệnh. Nhưng cho dù là thực hiện theo cách nào thì việc đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho người dân luôn cần được đặt lên hàng đầu.
Nhiều người lo ngại về nguy cơ "vỡ trận" trong công tác phòng chống dịch ở Ấn Độ. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc triển khai những biện pháp an toàn để phòng chống dịch, thách thức với giới chức Ấn Độ lúc này là làm sao để ngăn chặn hệ thống y tế không bị sụp đổ trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ chiến dịch tiêm chủng vắc-xin./.