70 năm vang mãi “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”
(ĐCSVN) – 70 năm đã trôi qua “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, luôn là lời hiệu triệu mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” chứa đựng những tưởng lớn về thi đua yêu nước có ý nghĩa chỉ dẫn công tác Thi đua – Khen thưởng trong tình hình hiện nay.
Vang mãi “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”- Ảnh: vov.vn
Tư tưởng lớn về thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên kêu gọi mọi lực lượng cho kháng chiến, kiến quốc. Ðể triển khai Chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân. Ngày 11-6 hằng năm đã trở thành Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc với cách viết ngắn gọn, rành mạch, xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, mộc mạc…hàm chứa nhiều tư tưởng lớn về thi đua ái quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một cách toàn diện, những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện từ một phong trào thi đua yêu nước, từ mục đích đến vai trò, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung, cách làm, lực lượng, kết quả và sức lan tỏa của phong trào thi đua ái quốc.
Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”[1].
Như vậy là chỉ với 10 từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi từ sự phân tích đánh giá sâu sắc về ba “nạn” – nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm – đang đe dọa sự sống còn của chính quyền cách mạng vừa mới ra đời còn non trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi cả ba “nạn” đó đều là “giặc” và đề xuất ba nhiệm vụ cấp bách phải tập trung giải quyết là: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cả ba loại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đều nguy hiểm, phải “diệt” để đảm bảo cho công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và xây dựng xã hội mới.
Bên cạnh chỉ ra mục đích của phong trào thi đua Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy thứ tự ưu tiên, đó là diệt giặc đói trước để lo cho cuộc sống của người dân, muốn làm được việc lớn cần “ấm cái bụng”. Diệt giặc dốt chính là làm cho “Toàn dân biết đọc, biết viết”, chỉ có như vậy mới lao động sản xuất và đánh giặc ngoại xâm được. Khi đã có ăn, có cái chữ rồi chúng ta có sức mạnh và nhanh chóng đánh được thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tập trung diệt cả ba loại giặc này, quá trình chăm lo cho cuộc sống của người dân cũng chính là quá trình diệt giặc dốt và đánh giặc ngoại xâm, ba nhiệm vụ này tác động biện chứng.
Về cách làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cụ thể: “dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”[2].
Với cách viết ngắn gọn, dễ hiểu chỉ với 8 từ chỉ cho chúng ta thấy cách làm và 4 từ cho mục đích đã đủ cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu và tin vào lực lượng vô tận của dân, hiểu tinh thần truyền thống yêu nước mạnh mẽ của nhân dân và tình yêu thương đồng bào như thế nào.
Về đối tượng của phong trào thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”[3]. Điều này cho thấy, ngoài nghệ thuật kêu gọi sự hưởng ứng của đồng bào, Lời kêu gọi dùng từ “bất kỳ” còn là ẩn chứa tinh thần đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp xã hội để cùng tham gia. Người yêu cầu thi đua với tinh thần khẩn trương và hiệu quả không phải làm cho mau mà không chú ý đến chất lượng, làm cho mau nhưng mà phải đảm bảo chất lượng tốt, đồng thời tạo ra nhiều của cải cho xã hội “làm cho nhiều”.
Về phương thức tập hợp lực lượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”[4]. Như vậy lực lượng thi đua là rất đông đảo không phân biệt thành phần, lứa tuổi ngành nghề “bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ”… đều có trách nhiệm tham gia vào phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực với tinh thần vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tất cả những việc làm trên để đạt mục đích cuối cùng là: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc”[5].
Đổi mới mạnh mẽ các phong trào thi đua
Quán triệt và thực hành “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm qua, trải qua các giai đoạn cách mạng với những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển nở rộ trên các lĩnh vực, trong dòng chảy liên tục phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta, càng khẳng định thi đua là động lực tinh thần quan trọng, qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và nhận thức được thi đua phải gắn chặt với công tác khen thưởng, nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị và ngày càng hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng.
Xác định phong trào thi đua yêu nước cần gắn với triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện những điển hình tiên tiến tiêu biểu, nhiều mô hình được nhân rộng, lan tỏa trong cả nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Những việc làm cao đẹp của những anh hùng chiến sỹ thi đua, những điển hình tiên tiến đã nhắc nhở mọi người, nhất là cán bộ, công chức, viên chức phải đề cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc, nâng cao hiệu quả công tác, hết lòng, hết sức phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời dân, vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
70 năm qua nhiều điển hình tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước đã truy tặng, phong tặng trong đó: 7.814 tập thể và trên 9.300 cá nhân nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1.332 tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, vinh danh gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng thưởng hàng trăm ngàn huân chương, huy chương, chiến sỹ thi đua toàn quốc và tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong cả nước.
Bên cạnh những kết quả to lớn đã được, phong trào thi đua và công tác khen thưởng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Ngày 3/6/2018, tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Phong trào thi đua phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, có hiện tượng chạy theo thành tích; khen thưởng đối với những người trực tiếp lao động sản xuất còn ít; việc nhân rộng các điển hình tiên tiến còn hiệu quả chưa cao…
Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên, trong thời gian tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; đưa công tác thi đua gắn với công việc hàng ngày của mỗi người như Bác Hồ đã dạy; tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá; tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, trọng tâm là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua…Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, đem lại lợi ích thiết thân cụ thể cho đất nước, xã hội, con người, khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của nhân dân, của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế. Đổi mới mạnh mẽ việc biểu dương khen thưởng; khen thưởng đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo.
[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5,tr 557.