5 điều cần biết về tình hình kinh tế toàn cầu
(ĐCSVN) – Đây có phải là năm mà chúng ta sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra? Công việc của chúng ta có rủi ro không? Ai là người mất mát nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng và có thể làm gì để thoát khỏi nó? Dưới đây là một số đánh giá của Liên hợp quốc về tình hình kinh tế thế giới.
Vận chuyển hàng hoá tại Lima, Peru. (Ảnh minh họa. Nguồn: UN) |
Mỹ và Trung Quốc phục hồi, nhưng các nước đang phát triển phục hồi chậm
Trong khi sản lượng kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, song nhiều nền kinh tế đang phát triển lại dự kiến sẽ không sớm trở lại mức sản xuất trước đại dịch. Đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa đến hồi kết đối với hầu hết các nước đang phát triển, nơi việc tiêm chủng tiến triển chậm và áp lực ngân sách ngày càng gia tăng.
Tình trạng của những người dễ bị tổn thương nhất đã trở nên bấp bênh hơn
Các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội đã dẫn đến mất việc làm đáng kể trong các lĩnh vực dịch vụ tiếp xúc và sử dụng nhiều lao động, vốn chủ yếu là phụ nữ.
Đại dịch COVID-19 cũng đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của khu vực việc làm phi chính thức, vốn là nguồn việc làm chính ở nhiều quốc gia và ít mang lại an ninh việc làm, bảo vệ xã hội và khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe.
Thương mại toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là ở châu Á
Thương mại hàng hóa đã vượt qua mức trước đại dịch, do nhu cầu mạnh mẽ đối với thiết bị điện và điện tử, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và các hàng hóa sản xuất khác.
Tuy nhiên, thương mại dịch vụ vẫn bị hạn chế bởi các hạn chế đối với việc đi lại quốc tế. Trong khi xuất khẩu từ các nền kinh tế châu Á bùng nổ, thì xuất khẩu từ châu Phi, Tây Á và Cộng đồng các quốc gia độc lập lại đình trệ.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 gây thêm thiệt hại cho phụ nữ và trẻ em gái
Cuộc khủng hoảng do đại dịch này đã ảnh hưởng đáng kể đến phụ nữ, những người bị mất việc làm và thu nhập, do đó góp phần làm gia tăng khoảng cách nghèo đói giữa hai giới.
Thêm và đó, phải chịu nhiều áp lực trước sự gia tăng của các công việc gia đình, nhiều trẻ em gái và phụ nữ đã bỏ học và bỏ công việc. Trở lại trường học và đi làm có thể mất nhiều thời gian hơn hoặc hoàn toàn không xảy ra đối với nhiều người trong số họ, càng làm gia tăng khoảng cách giới về trình độ học vấn, thu nhập và sự giàu có.
Các quốc gia phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19
Các quốc gia có nhu cầu cấp thiết phải xây dựng các chính sách nhạy cảm về giới, có mục tiêu tốt hơn để thúc đẩy quá trình phục hồi sau khủng hoảng bền vững và toàn diện hơn.
Mặc dù đang ở tuyến đầu của đại dịch song phụ nữ vẫn chưa được đại diện trong các phản ứng ra quyết định và chính sách kinh tế liên quan đến đại dịch.
Tác động nghiêm trọng và không cân xứng của đại dịch đối với phụ nữ và trẻ em gái đòi hỏi phải có chính sách mục tiêu và các biện pháp hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái, không chỉ để đẩy nhanh quá trình phục hồi mà còn đảm bảo rằng quá trình phục hồi là toàn diện và bền vững./.