Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

35 năm khôi phục và phát triển Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn

Thứ Năm, 22/08/2024 20:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Từ bao đời nay, dân gian lưu truyền câu ca về Lễ hội chọi trâu truyền thống của người dân vạn chài vùng biển Đồ Sơn: “Dù ai buôn đâu bán đâu - Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về". Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hay còn gọi là đấu ngưu diễn ra ngày 9/8 âm lịch hàng năm.

Lễ hội truyền thống có lịch sử lâu đời

Từ bao đời nay, dân gian lưu truyền câu ca về Lễ hội chọi trâu truyền thống của người dân vạn chài vùng biển Đồ Sơn: “Dù ai buôn đâu bán đâu - Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về". Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hay còn gọi là đấu ngưu diễn ra ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Chọi trâu không chỉ là một màn đấu tranh giữa các trâu mà còn biểu tượng cho sự can đảm, lòng trung thành và ý chí vượt qua thử thách của người dân. Lễ hội này là sự kiện văn hoá quan trọng, mang đậm nét văn hóa, lịch sử độc đáo và hấp dẫn nhất của cư dân đồng bằng Bắc Bộ.

Theo TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Lễ hội còn là dịp để cộng đồng tụ họp, thể hiện sự đoàn kết và giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống. Những trâu tham gia lễ hội được chọn lựa và huấn luyện kỹ lưỡng, thể hiện sức mạnh và sự dũng mãnh. Trâu thi đấu là trâu đực, khỏe mạnh, có khả năng chịu đòn tốt. Trâu tốt sẽ có da đồng, lông móc, hàm đen, khoang bốn khoáy, lông cứng và dày để tránh nắng. Sừng trâu đen như mun, sừng trâu vênh lên như hai cánh cung. Đặc biệt là những con trâu lưng càng dày, càng phẳng, ức rộng, cổ tròn dài thì càng được đánh giá là trâu tốt...

 Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có sự giao thoa giữa yếu tố văn hóa nông nghiệp vùng đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển, tưởng nhớ công ơn các vị thần, cầu cho “nhân khang vật thịnh”. Sau lễ chọi trâu là tục “hiến sinh” trâu với mong muốn mưa thuận gió hòa để dễ mưu sinh ra biển. Lễ hội vừa tưởng nhớ công ơn các vị thần linh, thể hiện tinh thần đoàn kết, duy trì kỷ cương làng xã, trở thành một biểu tượng văn hoá, góp phần quảng bá hình ảnh Đồ Sơn, nơi truyền thống và hiện đại hoà quyện. Với sự phong phú và đa dạng của các hoạt động từ chọi trâu đến các nghi lễ, văn hóa, và giải trí, lễ hội thu hút và gắn kết du khách trong và ngoài nước. Việc bảo tồn và phát triển lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đảm bảo sự tiếp tục của di sản văn hóa, mở ra nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch. Việc áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại sẽ đảm bảo an toàn, tính bền vững và sự hấp dẫn của lễ hội. 

Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn gồm hai phần: phần lễ và phần hội đan xen. Từ ngày mùng một đầu tháng 8 âm lịch, các vị cao niên trong làng ra làm lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng của các làng có trâu. Tiếp đó là lễ Rước nước với nghi thức thay lọ nước thần được từng làng mang về đình riêng. Lễ rước nước trong Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn diễn ra trang trọng, với các nghi lễ: diễn văn khai lễ, khởi trống, trình lễ của Ban tổ chức và dâng lễ của nhân dân và chủ trâu. Sau lễ khai mạc là nghi thức rước nước, đoàn rước nước của 6 phường tại quận Đồ Sơn với long đình, bát biểu, trống chiêng cờ hội xin nước từ nguồn nước linh thiêng, tinh khiết tại đền Nghè, nước đựng trong bình gốm, đặt lên kiệu và được trai tráng khiêng về làm lễ tại đình các phường. Trước khi diễn ra hội chọi trâu, lễ Trình trâu là nghi lễ quan trọng tại lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn. 

Phần hội diễn ra với các hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Điệu múa khai hội được 24 tráng niên trong những âm thanh sôi động của tiếng trống, thanh la. Phần hội là cuộc thi chọi trâu giữa 16 con trâu được chọn lựa kỹ lưỡng. Mỗi kháp đấu diễn ra quyết liệt,căng thẳng, hấp dẫn cho đến khi có một trâu bỏ chạy hoặc bị thua. Những "ông" trâu sẽ có người che lọng và múa cờ hai bên. Lễ hội chọi trâu diễn ra sôi động, tiếng trống, tiếng hò reo của nhiều khán giả. Trâu chiến thắng sẽ tiếp tục thi đấu với các trâu khác đến khi tìm ra trâu vô địch. Trâu vô địch sẽ được tôn vinh là "trâu hoàng" và được cúng dường cho các vị thần. 

Về giá trị văn hoá - lịch sử, Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013, ghi nhận và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ hội vừa là hoạt động giải trí và còn là một phần của đời sống văn hóa cộng đồng, phản ánh sự sáng tạo và phong phú của văn hóa dân gian. Qua đó, duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tạo điều kiện để thế hệ trẻ hiểu biết và tiếp nối những phong tục, tập quán của ông cha. Các nghệ nhân và người dân địa phương giới thiệu và quảng bá văn hóa đặc sắc của Đồ Sơn. Lễ hội là dịp để người dân địa phương và du khách cùng nhau tham gia vào các hoạt động tập thể, từ việc chuẩn bị đến tham gia trực tiếp vào lễ hội. 

Về giá trị tâm linh, Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn là một minh chứng sống động cho sự phong phú và đa dạng của văn hóa và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đây là dịp để người dân Đồ Sơn thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với các vị thần linh, tổ tiên. Đồng thời, gắn kết cộng đồng và bảo tồn những giá trị văn hóa. Lễ hội mang đậm giá trị tâm linh, phản ánh sâu sắc tín ngưỡng và niềm tin của người dân địa phương vào các vị thần bảo hộ, cầu cho một cuộc sống an lành và mùa màng bội thu. Trong nghi lễ, người dân dâng cúng các lễ vật như: gạo, ngô, nếp, và các sản phẩm nông nghiệp, mong muốn nhận được sự bảo hộ từ các vị thần, đặc biệt là thần Giao Long và thần Độc Cước. Ngoài ra, người dân địa phương còn cầu an lành và sức khoẻ Những nghi lễ cầu an và dâng hương trong lễ hội thể hiện lòng thành kính và sự biết ơn của người dân đối với các vị thần linh đã bảo vệ họ khỏi các tai họa thiên nhiên và giúp họ có một cuộc sống bình an.

Bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống

Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2024, sau 35 năm khôi phục và phát triển, công tác tổ chức Lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn ngày càng được hoàn thiện, nâng cao về quy mô, nâng tầm về chất lượng. Đồng thời, vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian, những giá trị văn hóa truyền thống của “tiền nhân” để lại. Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn 2024 gồm 2 phần, phần Lễ với những nghi lễ trang trọng, thấm đẫm văn hóa tâm linh của người Đồ Sơn như: Lễ dâng hương, thượng cờ khai Hội (ngày 3/9/2024 tại Đền Nghè và Đền Nam Hải Thần Vương); Lễ Rước nước (ngày 9/9/2024 tại Đền Nghè); Lễ Thần linh (ngày 10/9/2024 tại Đền Nghè và Sân vận động Trung tâm quận); Lễ hiến sinh, Lễ tế Thần (ngày 18/9/2024 tại các đình phường có trâu đạt giải); Lễ Tống Thần (ngày 24/9/2024 tại Đền Nghè).  

Phần Hội diễn ra từ 7h30, ngày 11/9/2024 tức 9/8 Âm lịch tại Sân vận động Trung tâm quận Đồ Sơn với những pha đấu gay cấn, quyết liệt, những miếng đánh đẹp, dũng mạnh của những trâu được chọn lựa, chăm sóc, huấn luyện kỳ công… mang đến cho du khách và Nhân dân những cảm xúc đặc biệt, những ấn tượng tốt đẹp, đồng thời góp phần tạo nên nét đẹp riêng trong đời sống văn hóa tinh thần của miền đất thân thiện, tràn đầy nắng và gió Đồ Sơn, Hải Phòng.

Đặc biệt, Lễ hội năm nay, quận Đồ Sơn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”; tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng 35 năm khôi phục và phát triển Lễ hội vào 20h, ngày 10/9/2024 tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận; tổ chức tuyên truyền lưu động và trưng bày ảnh, hiện vật gắn liền với 35 năm khôi phục và phát triển Lễ hội. Để tạo thêm sức thu hút, trong khuôn khổ Lễ hội sẽ có nhiều minigame và hoạt động tương tác hấp dẫn giúp người tham gia thêm hiểu về lịch sử và truyền thống của Lễ hội.

Lễ hội năm nay có 16 trâu, mỗi phường 2 trâu và 4 chủ trâu đạt giải Nhất, Nhì, đồng giải Ba năm 2023 mỗi người được đăng ký tham gia 1 trâu. Ban Tổ chức Lễ hội quận Đồ Sơn sẽ kiểm tra trâu trong 3 đợt để đánh giá chất lượng, mức độ an toàn của trâu chọi theo tiêu chí của Quy chế tổ chức Lễ hội. Phường có trâu không đủ tiêu chí tham gia phải có phương án thay thế nhằm đảm bảo đủ số lượng, chất lượng trâu tham gia Lễ hội. Hội nghị bốc thăm, ghép các cặp thi đấu, bốc thăm cửa Bắc - Nam, bốc thăm thứ tự các trận thi đấu dự kiến diễn ra ngày 29/8/2024. 

Trâu tham gia Lễ hội có cơ hội giành được giải Nhất (trị giá 100 triệu đồng), giải Nhì (trị giá 60 triệu đồng), 2 giải Ba (mỗi giải trị giá 30 triệu đồng) hoặc nhiều giải phụ khác. Do sức chứa của sân vận động có hạn, Ban Tổ chức tiếp tục bố trí màn hình Led to ở vị trí thuận lợi phía bên ngoài sân vận động đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách về với Lễ hội.

Lễ hội năm nay, Công ty CP VietPictures Hải Phòng phối hợp với quận Đồ Sơn khai thác vận động tài trợ và bảo trợ truyền thông cho Lễ hội. Để xây dựng thông tin nền tảng, từng bước đa dạng và nâng cao trải nghiệm của người dân và du khách, VietPictures Hải Phòng xây dựng website (www.choitraudoson.vn) và Fanpage Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, đặt hàng Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu Độc đáo Lễ hội Đấu Ngưu Đồ Sơn để quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa, du lịch của Lễ hội đến khán giả cả nước và quốc tế...

Ngô Quảng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN