3 nhóm đối tượng dễ bị lừa đảo trên không gian mạng
(ĐCSVN) - Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đã và đang diễn biến phức tạp, gây hậu quả lớn. Bộ Công an và Công an các địa phương thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, tin nhắn SMS... để cảnh báo những phương thức, thủ đoạn.
Mới đây, Công an thành phố Hồ Chí Minh đưa ra cảnh báo 10 hình thức lừa đảo trên không gian mạng, trong đó tập trung chủ yếu vào 3 nhóm đối tượng là người cao tuổi, trẻ em, và sinh viên/thanh niên, công nhân.
1. Du lịch giá rẻ
Tội phạm đăng bài viết bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30 - 50% giá trị), từ đó chiếm đoạt.
Quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ…, rồi lấy lý do khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.
Làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.
Làm giả hoặc chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.
Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…
2. Cho số đánh lô, đề
Chúng tiếp cận thông qua điện thoại, email, tin nhắn hoặc mạng xã hội, quảng cáo về việc cung cấp số lô, số đề may mắn có khả năng trúng thưởng lớn.
Để tạo niềm tin, chúng sử dụng các câu chuyện thành công, chứng cứ giả và những lời tán tụng để tạo niềm tin và thuyết phục người khác rằng họ có khả năng đưa ra các số chính xác. Sau đó, yêu cầu đóng trước một khoản phí để nhận được các số may mắn với lý do như phí dịch vụ, phí tiên tri hoặc phí đăng ký. Khi người khác đã đóng phí, kẻ lừa đảo cung cấp các số lô, đề cho người đó đánh. Họ tạo ra cảm giác rằng những số này sẽ mang lại kết quả trúng thưởng lớn.
Trong trường hợp không trúng thưởng, kẻ lừa đảo không trả lại số tiền phí mà người khác đã đóng trước đó. Họ sử dụng lý do rằng đó là một khoản phí không hoàn lại hoặc chi phí liên quan đến việc cung cấp các số lô, số đề. Tuy nhiên, nếu trúng thưởng, kẻ lừa đảo yêu cầu người đó chia hoa hồng hoặc trả một phần tiền thưởng cho mình dưới danh nghĩa đã cung cấp các số lô, số đề may mắn.
Tuyệt đối không tin vào lời hứa dễ dàng kiếm tiền từ việc đánh số lô, đề trên mạng xã hội, có thể dẫn tới hệ quả pháp lý nghiêm trọng. Việc yêu cầu đóng phí trước là dấu hiệu đáng ngờ.
3. Lừa đảo tình cảm
Lợi dụng việc nhiều người đang tìm kiếm bạn, người yêu qua mạng xã hội, trang web hẹn hò hoặc diễn đàn, chúng tạo một hồ sơ giả mạo, sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình đẹp và lôi cuốn, sau đó tạo một mối quan hệ tình cảm giả với nạn nhân bằng cách sử dụng các chiêu trò như tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra lời hứa. Dẫn dụ nạn nhân gửi hình ảnh video nhạy cảm, sau đó dùng để đe dọa, tống tiền.
Do đó, không chia sẻ hình ảnh hoặc video nhạy cảm của bạn với người không quen biết hoặc không tin tưởng, cẩn thận với việc cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng...
4. Tuyển người mẫu "nhí"
Thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram…, chúng sẽ kết bạn với phụ huynh và mời tham gia ứng tuyển người mẫu "nhí" cho hãng thời trang. Sau khi nạn nhân “cắn câu”, các đối tượng sẽ đưa vào một group chat để mời tham gia thử thách, yêu cầu chuyển khoản để mua sản phẩm hàng hiệu, sau đó cho con em mình làm mẫu chụp ảnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Thông thường ban đầu, chúng trả hoa hồng và tiền để “kích thích” phụ huynh tham gia. Nhưng khi số tiền chuyển vào tài khoản tăng cao, chúng xóa tung tích nhằm chiếm đoạt.
Tuy cách thức hoạt động không mới nhưng những chiêu trò lừa đảo này vẫn ngang nhiên xuất hiện trên mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet |
5. Tuyển dụng cộng tác viên online
Hiện nay, hình thức phổ biến nhất vẫn là tuyển cộng tác viên (CTV) "việc nhẹ lương cao" - giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada… Khoản tiền chiếm đoạt thường từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.
Chúng thường hứa hẹn công việc có thu nhập cao và dễ dàng mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm, yêu cầu tạm ứng tiền trước khi bắt đầu công việc. Hãy cẩn thận với những đề nghị quá mức hấp dẫn và đánh giá kỹ trình độ của bạn trước khi tham gia.
Ngoài ra, kiểm tra thông tin về công ty hoặc người tuyển dụng. Nếu không có thông tin rõ ràng hoặc không có thông tin liên hệ, đó có thể là dấu hiệu của một hoạt động lừa đảo.
Không cung cấp thông tin tài khoản cá nhân (số thẻ tín dụng, thông tin ngân hàng…), kiểm tra trang thanh toán đơn hàng có đủ các biểu tượng bảo mật như khóa SSL hay "https://" trước URL không. Nếu không có, đây là dấu hiệu của một trang web giả mạo và thông tin của bạn có thể bị đánh cắp.
6. Đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo
Việc nhận diện sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, tiền ảo, bất động sản, kinh doanh đa cấp có mục tiêu quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư và có nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất quan trọng.
Cụ thể, sàn đầu tư lừa đảo thường hứa lợi nhuận vượt trội, không cung cấp đầy đủ thông tin về công ty, giấy phép hoạt động, lịch sử giao dịch và nhân sự quản lý, yêu cầu người tham gia chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch thường là phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ…
Để phòng tránh, người dân nên tìm hiểu về hệ thống bảo mật và cơ chế bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản của người dung; tìm hiểu và đánh giá từ người dùng khác về trải nghiệm của họ với sàn giao dịch hoặc công ty mà bạn quan tâm; hãy cẩn trọng với các khoản phí và chi phí không rõ ràng hoặc quá cao so với thị trường thông thường.
7. Tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI
Người dân nên cảnh giác và tránh tiếp nhận các cuộc gọi không mong muốn từ các số điện thoại lạ, đặc biệt là từ các số không rõ nguồn gốc. Có một số hình thức lừa đảo như "cướp cuộc gọi" (call spoofing) hay "vishing", trong đó kẻ gian sẽ giả mạo số điện thoại hoặc sử dụng các công nghệ để hiển thị số điện thoại khác khi gọi đến.
Mục đích của chúng là lừa đảo người dùng bằng cách thuyết phục họ thao tác theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo để tiết lộ thông tin cá nhân, mật khẩu hoặc thực hiện các giao dịch tài chính.
8. Cuộc gọi video Deepfake
Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến, thường liên quan đến tài chính.
Khi đó, cần bình tĩnh và xác minh thông tin, liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua một kênh khác xem có đúng là họ cần tiền không, kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền.
Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận.
9. “khóa SIM” do chưa chuẩn hóa thuê bao
Các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên của cơ quan quản lý nhà nước hoặc nhà mạng gọi điện và thông báo số điện thoại của người sử dụng sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 tiếng với các lý do như “chưa nộp phạt”, “thuê bao sai thông tin”.
Sau khi yêu cầu cung cấp thông tin, chúng sẽ tiếp tục hướng dẫn một số bước như: thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi...
Khi đã chiếm được quyền nhận cuộc gọi, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.
Để phòng tránh, người dùng nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng. Chỉ thực hiện theo thông báo cập nhật, chuẩn hóa thông tin từ các kênh chính thức của các doanh nghiệp viễn thông.
10. “chuyển nhầm tiền” vào tài khoản
Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng và giả danh người thu hồi nợ để yêu cầu trả lại số tiền là một hình thức nguy hiểm. Không chuyển tiền ngay mà cần kiểm tra nguồn gốc và mục đích của giao dịch; thông tin liên quan đến người nhận và số tài khoản trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền. So sánh với nguồn tin chính thức hoặc thông qua ngân hàng chủ quản để đảm bảo tính xác thực.
Nếu nhận được yêu cầu chuyển tiền hoặc trả lại số tiền từ một người hoặc tổ chức, không sử dụng số tiền đó mà phải xác minh thông qua kênh liên lạc độc lập khác như số điện thoại được công bố chính thức hoặc email chính thức của họ, đồng thời nhanh chóng báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng như công an hoặc ngân hàng./.