Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“24 giờ trên phố”

Thứ Năm, 03/12/2020 16:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - “24 giờ trên phố” phản ánh câu chuyện mưu sinh của những em nhỏ trên đường phố Thủ đô giúp người xem thấy được vai trò của mỗi công dân trong việc nuôi dạy trẻ, để mỗi đứa trẻ an toàn trong chính gia đình của mình và trong cộng đồng.

“Cây ATM gần hồ Hoàn Kiếm là em hay trú mưa, tránh rét, có lần buồn ngủ quá, em còn vào đây ngủ. Chiếc ghế đá này là chỗ em hay nghỉ, nằm chơi một mình gần Bờ Hồ. Mạnh, Bông và em là ba bạn hay chơi, học bài và ăn cùng nhau. Em rất vui khi chơi với 2 bạn”.

“Sau một thời gian lang thang qua nhiều tỉnh thành, em về đến Hà Nội. Ghế đá ở cổng đền Ngọc Sơn là nơi em ngủ hằng đêm. Sau cuộc gặp gỡ với anh Tính - nhân viên xã hội, cuộc đời em đã thay đổi và tìm lại được niềm tin. Em đang học biểu diễn xiếc và sau này muốn làm công tác xã hội giúp đỡ được nhiều người. Vì mơ ước đó em sẽ chăm chỉ tập luyện”. 


Câu chuyện của những đứa trẻ đường phố được kể lại trong triển lãm “24 giờ trên phố”

 

 Đó là hai trong số những câu chuyện của em Thức, sinh năm 2009, quê Hưng Yên và em Sơn, sinh năm 2005, quê Đắk Nông cùng hình ảnh của hai em được tái hiện trong triển lãm “24 giờ trên phố” khai mạc ngày 02/12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Một triển lãm phản ánh câu chuyện mưu sinh và những khó khăn mà trẻ em đường phố phải đối mặt.

 

Dù đứa trẻ nào sinh ra đều có quyền được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn thế nhưng các em - những nhân vật chính trong triển lãm “24 giờ trên phố” lại không được may mắn như vậy. Những đứa trẻ ấy thay vì được đi học, được vui chơi với bạn bè thì phần lớn thời gian lại dành cho công cuộc mưu sinh trên những vỉa hè huyên náo ở thành thị. Các em thường xuyên phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội như: bạo lực gia đình, xâm hại, bóc lột sức lao động, thiếu thốn vật chất và tinh thần… 

Chị Như Hoa, nhân viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, với 3 chủ đề: Ngày ấy đã từng, 24 giờ trên phố, và Tìm về chốn bình yên, triển lãm như thước phim ghi lại hành trình cuộc sống xen lẫn với những nỗi niềm, tiếng lòng của những đứa trẻ đường phố qua các câu chuyện chân thực, dung dị nhất mà có lẽ các em ít chia sẻ cùng ai. 

"Những hình ảnh và câu chuyện trong triển lãm trở nên gần gũi hơn nhờ một phần nội dung sử dụng phương pháp photovoice, khi chính các em là người ghi lại và chia sẻ những khoảnh khắc trong cuộc sống đường phố của mình. Bên cạnh việc nghiên cứu các tài liệu, xin ý kiến các chuyên gia, nắm bắt dư luận xã hội qua các kênh truyền thông; nhóm nghiên cứu tiếp xúc trực tiếp với hàng chục ca trẻ em lao động trên đường phố, nhưng chỉ được 9 em đồng ý tham gia kể câu chuyện của mình. Để nội dung triển lãm chân thực, các cán bộ bảo tàng đã dành rất nhiều thời gian gặp gỡ, trò chuyện, khơi gợi lòng tin, tình cảm để các em có thể chia sẻ những góc khuất trong cuộc sống", chị Hoa nói.


Tìm về chốn bình yên - là hình ảnh của những đứa trẻ đường phố khi gặp được những người tốt, tìm thấy niềm vui giữa Thủ đô

 

Cũng có con tầm tuổi như các nhân vật trong triển lãm, chị Nguyệt Thu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội không khỏi xót xa trước hình ảnh chiếc chòi bảo vệ đã cũ hỏng trên phố Thụy Khuê là nơi nương thân của những đứa trẻ đường phố hay một mình nuốt từng miếng cơm dưới gầm cầu, gặm bánh mì trên ghế đá..."Hà Nội là nơi những đứa trẻ trải qua những ngày tháng đầy gian khó lúc đầu đời mà có lẽ không phải người lớn nào cũng dám đối mặt và ngay chính các em cũng không dễ gì quên được. Nhưng cũng chính ở nơi này, các em tìm thấy bình yên, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống khi gặp được những người tôt chở che, giúp đỡ, gặp được những người bạn biết sẻ chia hay tìm được những công việc yêu thích như nấu ăn, chụp ảnh...".

Tâm đắc với thông điệp của triển lãm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm chung của toàn xã hội”, chị Kiều Cúc, quận Tây Hồ cho rằng, triển lãm “24 giờ trên phố” giúp người xem thấy được vai trò của mỗi công dân trong việc nuôi dạy trẻ, để mỗi đứa trẻ  an toàn trong chính gia đình của mình và trong cộng đồng.

Ấn tượng với bức ảnh Phương, V.A và Trang là 3 bạn đã nhận được học bổng từ Quỹ Langports. Các em sẽ dành cả năm học tiếng Anh ở Brisbane, Gold Coast và Sydney, bác Nghiêm Quốc Thắng, quận Ba Đình chia sẻ: "Đây là những bạn đã được giúp đỡ để thay đổi và giờ đồng hành giúp đỡ những trẻ khác. Tôi tin các cháu không chỉ là động lực cho những bạn cùng cảnh ngộ biết nỗ lực vượt qua khó khăn, chiến thắng nghịch cảnh mà còn truyền cảm hứng cho tất cả mọi người để viết tiếp những ước mơ".

Cùng với trưng bày tại 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, triển lãm 24 giờ trên phố sẽ được tthực hiện phiên bản triển lãm online. Đây là kết quả của quá trình chuyển đổi hoạt động số cho các công tác chuyên môn của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm tới nay. 





 

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN