Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

17 năm tận hiến cho giáo dục miền núi

Chủ Nhật, 20/11/2022 17:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - 17 năm công tác trong ngành Giáo dục, cô Lê Na có tới 15 năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Nhọc nhằn, vất vả không kể xiết nhưng không vì thế mà làm vơi bớt trong cô tình yêu nghề, tình thương đối với học trò.

Trận lũ quét lịch sử 70 năm chưa từng thấy ở Kỳ Sơn đầu tháng 10 vừa qua đi nhưng hậu quả để lại vẫn dễ dàng trông thấy. Cơn lũ không chỉ cướp đi hàng trăm ngôi nhà của người dân trong đó có nhiều căn nhà của giáo viên và học sinh mà trường, lớp, trang thiết bị học tập ở nơi này cũng bị hư hỏng nặng.

Công việc của người giáo viên ở một huyện miền núi vốn đã lắm nhọc nhằn giờ đây càng thêm chồng chất. "Thời gian này, tôi cùng các đồng nghiệp phải tăng cường xuống bản tới từng nhà học sinh, động viên phụ huynh cho con em đến lớp đầy đủ", cô Na vừa chỉ vào chiếc xe máy còn dính đầy bùn đất vừa nói.

Cô Lê Na, giáo viên trường Phổ Thông DTNT THCS Kỳ Sơn

Năm 2005, tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Vinh, cô giáo trẻ mới ở tuổi 23 ngày đó phấn khởi nhận công tác tại huyện Kỳ Sơn. Mới đó đến nay đã 17 năm. Dù điều kiện đã khá hơn nhiều so với trước đây, nhưng người dân Kỳ Sơn vẫn rất nghèo, cộng thêm thiên tai quanh năm nên gia đình các em học sinh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhiều em vẫn phải đi bộ đến trường từ 5 đến 10km, có em phải nghỉ học để phụ giúp việc nhà cho bố mẹ… Vì vậy mà công tác giảng dạy và học tập ở đây lại càng lắm gian nan. Người giáo viên phải tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng học sinh để động viên, kèm cặp, giúp đỡ kịp thời", cô Lê Na, nay đã bước qua tuổi 40 chia sẻ.

Nhớ lại 2 năm dịch bệnh COVID – 19, cả huyện phải nghỉ học để phòng chống dịch mà nhà trường thì thiếu thốn về cơ sở vật chất, học trò thì không có mấy em nhà có máy tính, điện thoại thông minh nên việc dạy và học online là bất khả thi, cô Na cho biết, đây là quãng thời gian cô và các giáo viên trong trường phải mang sách và bài tập đến từng nhà học trò, hướng dẫn, động viên các em phải cố gắng học, không bỏ lớp, bỏ trường. 

Hết lòng vì học trò, bằng tình yêu nghề, cô Lê Na còn tích cực trau dồi chuyên môn để không tụt hậu, tiếp cận với những kiến thức mới. Cô cũng là người luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học... 

“Bản thân tôi luôn tự nhủ phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận với những đổi mới trong dạy học cũng như kiểm tra đánh giá theo chủ trương của ngành Giáo dục, khắc phục mọi khó khăn thực hiện mục tiêu chung của ngành Giáo dục Kỳ Sơn là từng bước nâng cao chất lượng học sinh miền núi và không để học sinh phải bỏ lại phía sau trên con đường chiếm lĩnh tri thức”, cô Na cho biết.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng (phải) và Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trao Bằng khen và biểu trưng của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 cho cô Lê Na.

Cũng theo cô Na, giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức ở một môn học, mà thông qua hoạt động giáo dục để trang bị kỹ năng, giá trị sống cho học sinh, giúp các em tự tin vào bản thân, mạnh dạn trong các hoạt động, vững vàng bước vào đời. Thông qua các hoạt động này, giáo viên cũng sẽ được "tiếp lửa", hạnh phúc với từng thành quả mà học sinh đạt được.

“Dù nghề giáo là một nghề vất vả trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là giáo viên công tác ở vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số nhưng đến giờ phút này, dạy học vẫn là sở thích và là ước mơ tôi đã thực hiện được. Tôi luôn cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn nữa với nghề, với học sinh để các em sau này có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn, có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho địa phương, đất nước”, người thầy đang "gieo chữ" ở trường Phổ Thông DTNT THCS Kỳ Sơn tâm niệm.

Nhiều năm liên tục có công đào tạo học sinh giỏi cấp huyện, đạt thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, 5 lần là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2010, 2011, 2017, 2018, 2021), mới đây, cô Lê Na là một trong 68 giáo viên tiêu biểu được tuyên dương  trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Đây là chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sự ghi nhận này không chỉ dành riêng cho cá nhân tôi mà là nguồn động viên lớn lao để giáo viên công tác ở những nơi khó khăn cùng nỗ lực để được sống với niềm đam mê, khát khao cống hiến cho “sự nghiệp trồng người”, cô Lê Na giản dị bày tỏ.

Minh Châu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN