Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

16 thông điệp truyền thông phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế

Thứ Hai, 18/12/2023 14:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Bộ Y tế cho biết Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2023 có chủ đề “Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh”. Theo đó, Bộ Y tế đã xây dựng 16 thông điệp truyền thông phòng, chống dịch bệnh để hưởng ứng ngày này.

Theo Bộ Y tế, trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện. Quán triệt quan điểm phòng bệnh từ sớm, từ xa, chủ động hạn chế dịch bệnh bùng phát, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 10844/VPCP-QHQT ngày 25/12/2020, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch số 1446/KH-BYT ngày 20/11/2023 triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023 nhằm nâng cao ý thức của người dân; tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh...

Ảnh minh họa. Ảnh: TL 

Theo đó, các thông điệp truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2023 với chủ đề "Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh", được Bộ Y tế đã xây dựng bao gồm:

• Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh;

• Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác;

• Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở;

• Phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng;

• Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh;

• Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh;

• Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển;

• Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng, chống dịch bệnh;

• Quan hệ tình dục an toàn để phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục;

• Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng;

• Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn;

• Phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân: giữ ấm cơ thể; thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng;

• Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời;

• Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh;

• Thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;

• Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.

Bộ Y tế cho biết, ngày 07/12/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (International Day of Epidemic Preparedness). Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này và là nghị quyết do Việt Nam đề xuất.

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ động tổ chức và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh hang năm theo Công văn số 10844/VPCP-QHQT ngày 25/12/2020.

Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh được thông qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới; tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hậu quả của COVID-19.

Với sự nỗ lực của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, thế giới đã có những bước tiến lớn trong việc tìm hiểu về virus gây bệnh; sản xuất, sử dụng vaccine phòng COVID-19 và thuốc kháng virus điều trị bệnh nhân… đã góp phần làm giảm số mắc bệnh, số tử vong; dịch bệnh COVID-19 đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu.

Ngày 05/5/2023, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế.

Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, phù hợp các giải pháp chống dịch; dịch bệnh đã được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Từ ngày 20/10/2023, COVID-19 được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và ngày 29/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã bãi bỏ Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 về việc công bố dịch COVID-19.../.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN