Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

NSND Trần Bảng và hành trình thực hiện lời hứa với Bác Hồ

Thứ Ba, 23/05/2017 17:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ về việc khôi phục và lan tỏa giá trị của bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống, hơn 60 năm làm nghề Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân (GS,NSND) Trần Bảng đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo đưa nghệ thuật chèo bay cao, bay xa.

Tôi có dịp được gặp và trò chuyện cùng Giáo sư, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng vào những ngày tháng năm lịch sử, khi cả nước hướng về ngày sinh nhật Bác. 
Hơn 60 năm gắn bó với sân khấu chèo ông cảm thấy hạnh phúc khi vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. NSND Trần Bảng chia sẻ, “vậy là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và yên tâm báo cáo thành tích của mình với Bác Hồ”.

Hành trình trở thành “ông trùm chèo”

NSND Trần Bảng 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn chương, cha của ông là nhà văn Trần Tiêu, bác ruột là nhà văn Khái Hưng, từ nhỏ cậu bé Trần Bảng đã sớm được tiếp cận với những tác phẩm văn chương trong và ngoài nước và có một vốn ngoại ngữ phong phú.  Hai mươi tuổi, chàng thanh niên Trần Bảng đã đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và học thêm nhiều thứ tiếng như Anh, Nga, Đức. Góp mặt trong hàng ngũ kháng chiến ngay từ buổi ban đầu, chàng thanh niên Trần Bảng hoạt động tích cực trong phong trào Việt Minh. Vốn là người ham học hỏi nên ông đã tự mình góp nhặt, trau dồi kiến thức sân khấu phương Tây. Ông tham gia viết và diễn kịch trong đội tuyên truyền kháng chiến chống Pháp của xã rồi được đưa lên đoàn văn công Nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc.

“Tôi là thế hệ bị nhồi vào trong đầu văn hóa phương Tây, học trường Tây… thế mà đến cuối cùng tôi lại trở thành người của bộ môn nghệ thuật thuần chất dân tộc như chèo, đó có lẽ là duyên nghiệp”. Ông kể, những năm đầu thập niên 50 thế kỷ trước, chèo đang mai một trước sự lấn át của phong trào Âu hóa. Ngay trong bối cảnh bộn bề gian khó, Đảng đã có Nghị quyết năm 1950 về khai thác vốn cổ. Đoàn văn công Nhân dân khi đó được chia làm ba tổ, hội tụ nhiều tên tuổi lão làng trong làng nghệ thuật Việt Nam như Thế Lữ, Song Kim (tổ kịch), Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Doãn Mẫn, Thái Ly (tổ ca múa nhạc), Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam (tổ chèo), Trần Bảng giữ vai trò tổ phó tổ kịch.

Nhân lực mỏng, mà Đoàn văn công lại cần những tác phẩm đặc sắc phục vụ Hội nghị quan trọng của Trung ương, bởi thế nên mùa xuân năm 1953, tại Tân Trào (Tuyên Quang), chàng thanh niên Trần Bảng đã lần đầu tiên chắp bút, phối hợp với các nghệ sỹ Năm Ngũ, Dịu Hương dựng lên vở “Chị Trầm”, vở chèo hiện đại đầu tiên của sân khấu chèo cách mạng.

Đêm công diễn “Chị Trầm”, trên hàng ghế khán giả có Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng. Khi vở diễn kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp bước lên sân khấu khen ngợi tổ biểu diễn và khen ngợi nghệ sỹ Trần Bảng khi ấy đang là một nghệ sỹ trẻ tuổi. 

Bữa cơm trưa ngày hôm sau, Trần Bảng được gọi đến ăn cơm cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã khen nghệ sỹ Trần Bảng tuổi còn trẻ nhưng đã biết yêu nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Người ân cần căn dặn, chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học, đặc biệt phải học chèo cổ của các nghệ nhân để hiểu sâu, nắm vững và phát triển nghề chèo. 

Từ một nghệ sỹ kịch chưa tiếp xúc với chèo, ông cùng các nghệ sỹ trong tổ chèo đã lập ban nghiên cứu, đi tìm những nghệ nhân trong dân gian về diễn lại các vở chèo cổ, từ đó tập hợp, nghiên cứu sâu về chèo.

Với tư duy Tây học, sau khi xem và khảo sát trò diễn Quan Âm Thị Kính, ông đã quyết định dựng lại trò diễn này lần thứ nhất vào năm 1956 - 1957. Những vấn đề đặt ra đều do Trần Bảng và các nghệ nhân cùng nhau phối hợp, giải quyết như: xử lý không gian sân khấu chèo sân đình thành sân khấu hộp; việc sắp trò sao cho phù hợp với tuyến phát triển nhân vật theo nhãn quan tuyến tính phương Tây; trang trí mỹ thuật cho vở diễn để tạo hiệu ứng sân khấu; xử lý các trường đoạn diễn, giúp diễn viên nhận diện phương pháp kỹ thuật diễn của nghệ thuật truyền thống mà không sa đà vào phương pháp diễn ngoại lai...

Với vở chèo Quan Âm Thị Kính, Trần Bảng luôn có một tình cảm đặc biệt. Đó là vở chèo đầu tiên ông dựng sau khi miền Bắc được giải phóng, là vở chèo ghi dấu ấn mạnh mẽ cho tên tuổi Trần Bảng và cũng là một phần công việc mà Trần Bảng thực hiện theo lời căn dặn của Bác Hồ. Đến nay, vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính do Nhà hát Chèo Việt Nam trình diễn vẫn giữ nguyên theo cấu trúc mà Trần Bảng xây dựng vào những năm cuối của thế kỷ XX.

Năm 1985, “Quan Âm Thị Kính” được dựng lại lần thứ 3 để tham dự Liên hoan ca kịch quốc tế tại Đức. Vở diễn đã nhận được sự ủng hộ và yêu mến của bạn bè quốc tế. Hình ảnh hàng nghìn khán giả đồng loạt đứng lên vỗ tay không ngớt, họ tung hoa tặng cho các nghệ sĩ tham gia vở diễn khiến Trần Bảng vô cùng xúc động. Mong muốn đưa được môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc ra quốc tế với ông như vậy đã thành công bước đầu. Đến nay, vở chèo đã được dựng lại rất nhiều lần, tham dự hàng trăm Liên hoan sân khấu ca kịch lớn nhỏ trong nước và quốc tế, nhưng hồn cốt và những giá trị nghệ thuật của nó vẫn được giữ nguyên vẹn.

Sau Quan Âm Thị Kính, Trần Bảng tiếp tục cho ra đời hàng chục vở chèo gây tiếng vang lớn như: Súy Vân, Lưu Bình Dương Lễ, Trinh Nguyên, Từ Thức, Nàng Thiệt Thê (chèo cổ), Lọ nước thần, Đôi ngọc truyền kỳ, Tống Trân Cúc Hoa (chèo dân gian), Tô Hiến Thành (chèo lịch sử), Cô giải phóng, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng (chèo hiện đại)… Từ một loại hình nghệ thuật tưởng như sắp chìm vào quên lãng, chèo trở lại và phát triển mạnh mẽ.
 Nhớ lại những năm tháng ấy, ánh mắt ông ánh lên niềm tự hào xen lẫn niềm xúc động khó tả. “Đầu những năm 60, ngoài những đoàn chèo chuyên nghiệp thì mỗi tỉnh, thậm chí mỗi xã nông thôn miền Bắc đều có một đoàn chèo. Họ diễn đi diễn lại các vở chèo cổ mà lần nào diễn cùng nườm nượp người xem”. Chính điều đó làm cho ông lại càng say mê, chìm đắm hơn với chèo. 

92 tuổi đời, GS Trần Bảng đã có hơn 60 năm tuổi nghề. Dù là soạn giả, đạo diện hay nhà lý luận ông đều làm tròn vai, để lại những dấu ấn trong lòng đồng nghiệp và công chúng. Ông là tác giả của hơn 10 vở chèo, là đạo diễn thành công nhất của sân khấu chèo với trên 30 vở diễn, trong đó nhiều vở được coi là các mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của sân khấu chèo cách mạng ở cả hai phương diện phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới.

Với tư cách nhà lý luận, ông đã công bố 4 cuốn sách, 2 công trình tổng kết học thuật công phu mà ngày nay được sử dụng làm giáo trình chính thức tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Những tác phẩm của Trần Bảng thể hiện sự cống hiến trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông, đúng như biệt danh mà nhà thơ Huy Cận đã đặt cho Trần Bảng – “ông trùm chèo”.

Cảnh trong vở chèo Quan âm Thị Kính

Không ngừng học hỏi, tìm cái mới…

Đó là lời khuyên của “ông trùm chèo” dành cho những người trẻ. Không chỉ những người theo lĩnh vực nghệ thuật mà trong tất cả các kĩnh vực, muốn giỏi, thành công thì các bạn trẻ phải học. Đặc biệt, với những người làm chèo thì việc hiểu chèo, nắm vững chèo sẽ dễ dàng nhận thấy trong chèo không chỉ có tư tưởng nhân văn mà chèo còn có lối tư duy, phương pháp sáng tạo riêng, nếu đi sâu vào nghiên cứu sẽ thấy chèo "tuyệt vời" đến thế nào, GS. NSND Trần Bảng chia sẻ. 

Xã hội ngày càng phát triển, sự hiện diện của chèo trong đời sống văn hóa Việt tuy không mạnh mẽ như thời kỳ của NSND Trần Bảng nhưng đổi lại chèo đã có chỗ đứng vững chắc trong nghệ thuật Việt, thế giới cũng nhiều nơi biết và yêu thích bộ môn nghệ thuật này. “Cho đến bây giờ tôi đã cảm thấy yên tâm vì ngày nay có nhiều người trẻ quan tâm và tìm đến với chèo. Các vở chèo của các nghệ sỹ trẻ đậm tâm hồn Việt, hứa hẹn sẽ giữ gìn và lưu truyền được bộ môn nghệ thuật này” – GS Trần Bảng cho hay.

Theo ông, lớp trẻ hiện nay còn có nhiều sáng tạo trong việc kết hợp các loại hình nghệ thuật với nhau khiến khản giả thích thú hơn khi xem các bộ môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Ông nhìn nhận từ những thế hệ học trò của mình và từ chính những người con của ông, những người trẻ có lối tư duy mới, phù hợp với xu thế của sự phát triển nhưng lại không làm mất đi những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Ông cười bảo "như thằng Lực, con trai tôi đấy, nó đã mang phương thức chèo vào sân khấy kịch. Khi Lực cho tôi xem hai vở "Quẫn", "Cơn ghen của Lọ Lem" tôi cảm thấy rất “khoái”, tôi thấy trong những vở kịch đó chứa đầy chất chèo, lúc đó tôi mới nghĩ đúng là chúng nó hơn mình thật rồi"... 

Một đời cống hiến cho nghệ thuật, nhưng NSND Trần Bảng không nghĩ nhiều tới các danh hiệu hay giải thưởng. Với ông, mỗi tác phẩm nghệ thuật dù ở loại hình nào, thời đại nào cũng có giá trị riêng, những người nghệ sỹ mang lại các tác phẩm gây tiếng vang trong xã hội tất cả đều đáng được tôn vinh. Khi Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam hỏi ý ông về việc đề nghị Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ông không từ chối, bởi đó là giải thưởng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đã cho ông niềm tin và động lực làm cho chèo bay cao, bay xa… Ông mỉm cười bảo “Vậy là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và yên tâm báo cáo với Bác Hồ”.../.

Lê Tân

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN