Người dân Khoái Châu vất vả vì đường giao thông xuống cấp
(ĐCSVN) - Thời gian qua, nhiều tuyến đường giao thông chính nối các xã trên địa bàn huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân địa phương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông khiến dư luận bức xúc...
Nhiều trục đường giao thông nông thôn ở Khoái Châu (Hưng Yên)
đang bị xuống cấp nghiêm trọng. (Video: HH)
Cuộc sống đảo lộn
Đó là phản ánh của nhiều người dân sinh sống dọc theo trục đường DH56, nối bến đò Đông Ninh (xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu) với dốc Bái thuộc xã Đông Kết. Đây vốn là trục giao thông chính kết nối huyện Khoái Châu (Hưng Yên) qua sông Hồng với các huyện Phú Xuyên, Thường Tín của thành phố Hà Nội. Trục đường này lâu nay đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Theo ghi nhận của phóng viên, trục đường này đang bị “băm nát” với hàng loạt những “ổ trâu”, “ổ voi”..., nhiều vị trí đã tạo thành những cái “bẫy” nguy hiểm đối với người đi đường.
Theo người dân địa phương, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên đó là do hoạt động của các xe chuyên chở nguyên, vật liệu phục vụ cho các lò gạch nằm rải rác dọc theo trục đường này. Hiện con đường này ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng thì bụi mù mịt. Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là khi tham gia giao thông.
Chị Nguyễn Thị Hường ở đội 3, thôn Nhân Lý, xã Đông Ninh bức xúc cho biết: “Trục đường này trước đây bê tông được đổ dày tới cả chục cm. Nhưng do quá nhiều xe quá tải chuyên chở đất, than phục vụ lò gạch nên giờ mới hư hỏng như vậy. Đã có nhiều người bị tai nạn do đường xuống cấp. Nhẹ thì xây xước, hỏng xe; nặng thì phải nhập viện điều trị. Tiếp xúc cử tri năm nào chúng tôi cũng ý kiến nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết. Không hiểu vì sao không thể ngăn chặn được các xe quá tải lưu thông trên đường”.
Xác nhận phản ánh của người dân, ông Lê Văn Lượng, Phó Chủ tịch HĐND xã Đông Ninh cho biết: “Đúng là có tình trạng đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã đang bị xuống cấp. Ngoài việc trục đường này đã được thi công từ lâu thì còn có nguyên nhân là do hoạt động của các xe chở gạch, nguyên liệu làm gạch. Thực tế thì trên địa bàn xã Đông Ninh không có lò gạch nhưng xã lại nằm giữa các lò gạch của xã Đại Tập và xã Đông Kết. Do đó người dân cũng chỉ là “nạn nhân” của các cơ sở này thôi”.
Cùng chung “số phận” với đường DH56, trục đường dẫn từ đê sông Hồng vào các thôn thuộc xã Đại Tập cũng đang xuống cấp nặng nề. Theo ông Phạm Khắc Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tập, đường liên xã được thiết kế phục vụ xe có tải trọng khoảng 8 - 10 tấn, nhưng thực tế nhiều phương tiện có tải trọng lên tới 20 - 30 tấn chuyên chở nguyên liệu phục vụ sản xuất của các lò gạch vẫn cố tình chạy qua nên đã khiến cho nhiều đoạn đường hư hỏng. Địa phương cũng đã tuyên truyền, tổ chức cho các chủ cơ sở sản xuất gạch ký cam kết nhưng việc thu giữ, xử lý các phương tiện vi phạm lại không thuộc thẩm quyền của cấp xã.
Mong sớm được cải tạo, sửa chữa
Tình trạng xuống cấp của các trục đường giao thông tại một số xã trên địa bàn huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân địa phương. Giao thông đi lại khó khăn, nguy cơ mất an toàn luôn đe dọa người tham gia giao thông. Do đường hư hỏng nên các em nhỏ không thể tự đến trường; nhiều gia đình bố mẹ phải thay phiên nhau đưa đón con đi học do lo sợ các cháu bị tai nạn.
Người dân xã Đông Ninh (Khoái Châu) vất vả tham gia giao thông
do đường xá hư hỏng nặng nề. (Ảnh: TL)
Ông Phạm Văn Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ninh cho biết: “Vừa qua huyện cũng đã cử người về làm việc với xã về nội dung giải toả hành lang an toàn giao thông dọc theo trục đường DH56 đoạn qua xã để chuẩn bị triển khai làm lại đường. Tuy nhiên, thời gian triển khai cụ thể thì chúng tôi cũng chưa có thông tin”.
Thiết nghĩ, nguyện vọng của người dân huyện Khoái Châu (Hưng Yên) về việc sớm được tu sửa, cải tạo các tuyến giao thông đang bị xuống cấp là hoàn toàn chính đáng. Trong khi chờ nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, các cấp chính quyền cùng cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Khoái Châu cần có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm phương tiện quá tải lưu thông gây hư hỏng đường giao thông. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong tham gia giao thông; nhất là chủ các cơ sở sản xuất gạch đang hoạt động trên địa bàn cần chấp hành các quy định về tải trọng phương tiện chuyên chở nguyên, vật liệu, tránh tình trạng chở quá tải gây hư hỏng đường giao thông, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân./.