Học sinh không đội mũ bảo hiểm: Cần sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội
(ĐCSVN) – Hiện nay, tình trạng học sinh cấp phổ thông cơ sở (PTCS), cấp trung học phổ thông (THPT) không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy điện, xe đạp điện tham gia giao thông đang diễn ra thường xuyên, trong khi Nhà nước đã có quy định về đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm. Đây là một thực trạng rất đáng quan tâm đối với các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội.
Hy vọng, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sẽ không còn tình trạng không đội mũ bảo hiểm
khi tham gia giao thông đối với các em học sinh. Ảnh: VH
Xe đạp điện, xe máy điện ngày càng phổ biến và cho đến hiện nay, phương tiện này đã trở thành loại phương tiện yêu thích trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh. Đáng lưu ý, loại phương tiện này có thể chạy tới vận tốc 50 – 60 km/giờ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn giao thông (ATGT). Điều đáng nói, không ít bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền mua cho con mình loại phương tiện này để sử dụng. Tuy nhiên, nhiều gia đình chưa chú ý tới việc nhắc nhở con phải sử dụng mũ bảo hiểm khi điều khiển loại phương tiện này trên đường.
Có mặt tại một số trường PTCS, THPT tại địa bàn Hà Nội vào giờ tan học, chúng tôi dễ dàng nhận thấy tình trạng khá nhiều các bạn học sinh điều khiển xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đi thành hàng hai, hàng ba trên đường. Có cả như những trường hợp điều khiển xe gắn máy cũng "vô tư" không chấp hành việc đội mũ bảo hiểm.
Bác Loan, người bán hàng tại khu vực hồ Giảng Võ cho biết: Có thời gian, nhà trường nhắc nhở thì chúng (các học sinh) có đội mũ bảo hiểm, thế nhưng chỉ được vài bữa lại đâu vào đấy. Đội mũ từ trong trường, ra đến ngoài đường là chúng lại bỏ mũ. Đến bây giờ thì vô tư, từ trong trường cứ đầu trần mà phóng ra.
Nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông (TTATGT), giảm thiểu tình trạng TNGT trên địa bàn thành phố, trong những ngày đầu tháng 3/2016, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành nhiều đợt ra quân, thực hiện việc nhắc nhở, xử lý các trường hợp học sinh không chấp hành luật lệ ATGT.
Trao đổi cùng phóng viên, Trung úy Nguyễn Văn Thắng - Đội CSGT số 4 cho biết: Chỉ trong vòng 30 phút, chúng tôi đã tiến hành xử lý, nhắc nhở tới gần 10 trường hợp các em học sinh vi phạm ATGT tại đây, các lỗi chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường. Đa số các trường hợp đều được chúng tôi nhắc nhở, tuyên truyền về việc cần thiết sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, các em này sẽ bị ghi tên lại và chuyển về nơi học tập để nhà trường có các biện pháp nhắc nhở, tuyên truyền. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp một số khó khăn trong việc xử lý tình trạng này là: Nhiều em học sinh không mang chứng minh nhân dân, hoặc chưa đủ độ tuổi cấp chứng minh. Thậm chí có một số em cố tình khai man tuổi đi học, hoặc khai không đúng họ tên và trường học của mình nhằm tránh tình trạng bị xử lý kỷ luật. Để xác minh được việc này cũng mất rất nhiều thời gian.
Với mục đích thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT cũng như xây dựng “Văn hóa giao thông” tại các trường học, ngày 8/3/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành văn bản số 932 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020.
Nội dung văn bản nêu rõ: 100% cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học được quán triệt quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định này. Phụ huynh học sinh cũng phải ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho con khi chưa đủ điều kiện, thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy và xe đạp điện.
Văn bản của Sở Giáo dục Hà Nội cũng nêu rõ hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm. Cụ thể, nhà trường để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên vi phạm pháp luật, không có biện pháp xử lý kịp thời, không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm. Các học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, phê bình trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.
Hy vọng, với sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành chức năng, việc sát sao giám sát từ phía nhà trường và đặc biệt là sự động viên, nhắc nhở từ phía các bậc cha mẹ đối với con em mình trong việc nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông, thời gian tới, sẽ không còn tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đối với các em học sinh./.