Cộng đồng doanh nghiệp và ngày 1/7 !
(ĐCSVN) - Nhằm khắc phục tình trạng Luật "treo” vì chờ Nghị định, Chính phủ và Bộ, ngành đang dồn sức để hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014, theo hướng đặt sự chuẩn mực, hiệu quả lên hàng đầu.
Với “khung pháp lý” mở, rõ ràng, minh bạch, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 (đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015) hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển nhanh so với sự vận hành của cuộc sống và thách thức của hội nhập quốc tế.
Luật Đầu tư 2014 đã xác định danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, số lượng điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đang quy định tại các Thông tư, Quyết định của các Bộ đang chiếm quá nửa tổng số ĐKKD hiện hành. Cụ thể, có 2.833 điều kiện hiện quy định tại các Thông tư, Quyết định sẽ đương nhiên hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016 - ngày các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư có hiệu lực.
Khi các ĐKKD không cần thiết được gỡ bỏ theo Luật Đầu tư 2014, thì các thủ tục thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014 cũng đơn giản và nhanh hơn.
Luật đã mở theo hướng “Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ”, nhưng để Luật đi vào cuộc sống thì cần có Nghị định hướng dẫn thi hành. Hiện các Bộ, ngành đã trình Chính phủ 49 Nghị định trong tổng số 50 Nghị định cần hướng dẫn thi hành hai Luật.
Thời điểm có hiệu lực của các Nghị định hướng dẫn thi hành hai Luật sắp đến, nhưng một số dự thảo Nghị định do Bộ, ngành soạn thảo vẫn còn có những quan điểm khác nhau. Vẫn biết việc quản lý nhà nước với doanh nghiệp là việc cần thiết, nhưng không nên áp dụng tư duy “quyền anh, quyền tôi” để tạo ra các giấy phép con bất hợp lý và đặt ra các quy định mới làm tê liệt hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là ngoài sự thượng tôn Hiến pháp và Luật, thì không cản trở sự phát triển, không đặt ra các điều kiện “hiểu thế nào cũng được” ví như ...“luật ngầm”.
Không chỉ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, mà Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) cũng đã “mở” theo hướng vì sự phát triển của doanh nghiệp mà bỏ “Tội kinh doanh trái phép” và một số tội danh khác liên quan đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Giống như các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, trước “giờ G”, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) đang phải đề xuất lùi thời hạn có hiệu lực vì... phát hiện những nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung.
Dù việc lùi thời hạn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi) vẫn phải chờ Quốc hội quyết định, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn quan ngại khi Bộ luật Hình sự (cũ ) vẫn có điều, khoản không có lợi cho doanh nghiệp, mà dư luận quen gọi là “hình sự hóa” một số quyền kinh doanh của doanh nghiệp!
Để “pháp luật là tối thượng", thì “khung pháp luật” phải là “mực thước”, nếu không pháp luật khó “sống” với đời sống thật và an toàn với mỗi doanh nghiệp nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung./.