Bộ công cụ 27 biểu hiện suy thoái ở Hà Giang-"thước đo" tư tưởng và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên
(ĐCSVN) – Nhằm tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, Hà Giang là địa phương đầu tiên thực hiện đánh giá cán bộ, đảng viên thông qua Bộ công cụ 27 biểu hiện suy thoái. Từ sự quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức đánh giá cán bộ, đảng viên đã nâng cao nhận thức về mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Năm 2017, một đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi diễn ra trong toàn Ðảng bộ tỉnh Hà Giang sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Quyết định số 791-QÐ/TU ban hành Bộ công cụ đánh giá cán bộ, đảng viên thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)I về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng (viết tắt là Bộ công cụ). Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Trung Tài cho biết: Bộ công cụ nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên trong trong Đảng bộ về nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện tốt phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”; khắc phục sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm trong đánh giá và quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cấp ủy viên, người đứng đầu các cấp, các ngành và cơ sở trong toàn tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phương pháp công tác tốt, có trách nhiệm tiên phong, gương mẫu gắn bó mật thiết với nhân dân, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Trong Bộ công cụ, 27 biểu hiện suy thoái đã được cụ thể thành 3 phần, gồm: Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có 9 biểu hiện; Biểu hiện về đạo đức, lối sống có 9 biểu hiện; Biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có 9 biểu hiện, tương ứng với các phần là sự lượng hóa thành các thang điểm từ thấp đến cao. Các mức đánh giá trong Bộ công cụ là việc đảng viên tự đánh giá, sửa chữa, khắc phục và để các cấp ủy, tổ chức đảng xác định mức độ biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và áp dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái và xem xét xử lý theo kỷ luật.
Đồng chí Nguyễn Trung Tài khẳng định: Hà Giang là địa phương đầu tiên thực hiện đánh giá cán bộ, đảng viên thông qua Bộ công cụ. Đây là cuộc sinh hoạt chính trị lớn của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.
Ngay sau khi Bộ công cụ được ban hành, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch tổ chức đánh giá theo Bộ công cụ ở cấp mình; phân công cấp ủy viên phụ trách các tổ chức đảng trực thuộc chỉ đạo, hướng dẫn các đảng bộ, chi bộ tổ chức đánh giá cán bộ, đảng viên theo Bộ công cụ. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình được thực hiện đúng theo phương châm: Nói thẳng, nói hết, trên tinh thần đồng chí, tất cả vì nhiệm vụ chung. Kiên quyết khắc phục tình trạng lợi dụng kiểm điểm tự phê bình và phê bình để hạ thấp uy tín cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Bộ công cụ, theo đánh giá của tỉnh Hà Giang: việc triển khai đánh giá cán bộ theo 27 biểu hiện nêu tại Bộ công cụ với tinh thần "trên trước, dưới sau" cho thấysố đồng chí có biểu hiện suy thoái chiếm tỷ lệ cao hơn so với số đồng chí đã tự đánh giá. Trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì vẫn quá 2/3 đồng chí tự đánh giá là có biểu hiện suy thoái. Từ kết quả trên có thể thấy trong bối cảnh nhiều nơi sau kiểm điểm không tìm thấy các biểu hiện suy thoái thì cách làm ở Hà Giang là một kinh nghiệm tốt khi cán bộ, đảng viên tự soi và tự sửa chữa khi thấy mình mắc khuyết điểm. Theo đồng chí Nguyễn Trung Tài, ở đây không đánh giá vi phạm (đảng viên có dấu hiệu vi phạm phải tiến hành kiểm tra) mà là để chỉ ra những biểu hiện cần chấn chỉnh về tư tưởng, tư cách, tác phong của cán bộ, đảng viên, giúp ngăn chặn sớm những vi phạm. Tuy nhiên, kết quả đánh giá là tài liệu quan trọng phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Ðảng.
Ngay sau hội nghị đánh giá, ban thường vụ cấp ủy các cấp, tổ chức đã thông báo bằng văn bản tới các đồng chí được đánh giá biết về mức độ suy thoái liên quan để cá nhân đảng viên xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm; làm cơ sở cho cơ quan tham mưu cấp ủy, chi bộ theo dõi, giám sát.
Đánh giá về mức độ quyết liệt của việc thực hiện, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ Hoàng Đình Phới cho biết khi thực hiện Bộ công cụ trong thời gian đầu triển khai còn có một số vướng mắc. Đa số các đồng chí đảng viên khi đọc Bộ công cụ trong 27 biểu hiện đều cho rằng bản thân không có những khuyết điểm biểu hiện trong Bộ công cụ, nhiều đồng chí cho rằng nếu mắc vào một trong những biểu hiện đó thì không còn là đảng viên. Nhưng sau các hội nghị triển khai, quán triệt việc phân tích nội hàm những biểu hiện để gợi ý đánh giá đã giải tỏa tâm lý e ngại. Huyện ủy khuyến khích các đảng viên thẳng thắn, trung thực trong việc tự đánh giá bản thân thông qua Bộ công cụ với mong muốn nâng cao công tác phê và tự phê, góp sức xây dựng Đảng ngày một trong sạch, vững mạnh.
“Thông qua việc thực hiện Bộ công cụ, nhận thức của các đồng chí cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng được nâng lên, dân chủ được mở rộng và phát huy, tăng cường tính đoàn kết thống nhất trong nội bộ; tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được nâng lên”. Đồng chí Hoàng Đình Phới khẳng định.
Quyết tâm đẩy mạnh thực hiện Bộ công cụ
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang thì việc thực hiện đánh giá theo Bộ công cụ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm như: Một số tổ chức đảng, nhất là đảng bộ, chi bộ cơ sở có nơi chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc đánh giá theo Bộ công cụ; tiến độ thực hiện và việc tổng hợp báo cáo lên Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên còn lúng túng; có đảng bộ tổng hợp, báo cáo số liệu.
Một bộ phận đảng viên ở cơ sở chưa nghiên cứu kỹ về Bộ công cụ nên khi tự đánh giá còn gặp khó khăn, lúng túng, cá nhân tự đánh giá có đồng chí chưa thẳng thắn thừa nhận hạn chế của bản thân. Việc tham gia của tập thể cho từng cá nhân ở một số chi bộ, tổ chức đảng có nơi còn hình thức, chưa thực sự thẳng thắn, còn nể nang.
Để triển khai thực hiện Bộ công cụ đạt hiệu quả cao, thời gian tới, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, ban thường vụ các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong việc chỉ đạo nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ về nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng; và việc thực hiện đánh giá theo Bộ công cụ là một trong những biện pháp quan trọng nhằm cụ thể hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bên cạnh đó, thông qua việc đánh giá kết quả sau khi triển khai thực hiện Bộ công cụ trong năm 2017, các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức rút kinh nghiệm; kịp thời bổ sung vào chương trình trọng tâm năm 2018 của Ban Thường vụ cấp ủy, chi ủy chi bộ, tổ chức đảng, đảng viên về kế hoạch sửa chữa, khắc phục những biểu hiện suy thoái qua việc đánh giá theo Bộ công cụ; chủ động trong việc chỉ đạo, tổ chức đánh giá theo Bộ công cụ vào dịp cuối năm, gắn với xếp loại tổ chức đảng, đảng viên hàng năm./.