Yếu tố quyết định trong hành trình gỡ “thẻ vàng” IUU
(ĐCSVN) - Uỷ ban châu Âu đã đồng ý kéo dài thời hạn cảnh báo về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với ngành thủy sản của Việt Nam đến hết tháng 4/2024. Như vậy, chỉ còn gần 2 tháng nữa để ta gỡ “thẻ vàng” IUU, nên hơn lúc nào hết các bộ, ngành, địa phương phải hành động quyết liệt cho chặng “nước rút”; nếu không, chúng ta phải mất thêm vài năm nữa.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho bà con ngư dân. (Ảnh: Minh Hà) |
Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) dùng “thẻ vàng” cảnh báo đối với nghề cá và xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10/2017, toàn bộ nghề cá Việt Nam đã chịu những tổn thất không nhỏ cả về xuất khẩu lẫn uy tín kinh doanh trên thị trường quốc tế.
Là một quốc gia ven biển có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu cá trên toàn thế giới, chiếm khoảng 5% sản lượng thủy sản toàn cầu.
Việc ngăn chặn, loại trừ, tiến tới xóa bỏ tình trạng IUU là nhiệm vụ bắt buộc để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” mà EC đã áp dụng để phát triển nghề cá có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Đây là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, điều này đã được thể chế hóa thông qua Luật Thủy sản năm 2017.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam, kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU sụt giảm bình quân từ 6-10%/năm (tùy từng năm). Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam là EU (chiếm từ 17-20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản) đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN). Cùng với đó, việc này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín, vị thế và quan hệ ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó cũng gây tổn thất về mặt kinh tế - xã hội đối với cộng đồng ngư dân ven biển và các doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra của EC vào tháng 10/2023, kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU có sự tiến bộ so với trước, nhưng chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế nên chưa thể gỡ được cảnh báo “thẻ vàng”.
Việc gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi một ngành đánh cá, từ mang tính chất đánh bắt tự nhiên trở thành một ngành đánh cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và việc thay đổi ý thức của ngư dân là một thách thức lớn, đòi hỏi quyết tâm cao của tất cả các bên liên quan. Trong khi đó, thời gian qua việc chỉ đạo và tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác IUU tại một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tập trung, quyết liệt, hiệu quả chưa cao.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, có một số việc lớn đối với “thẻ vàng” IUU. Một là quản lý và giám sát đội tàu, hai là là truy xuất nguồn gốc.
Liên quan đến vấn đề quản lý và giám sát đội tàu, đại diện Bộ NN-PTNT cho biết đang tích cực sửa Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT để giải quyết số lượng tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) vào khoảng 16.000 chiếc, bảo đảm được cấp phép, đăng kiểm theo đúng quy định.
Hơn nữa, khi Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản được triển khai, sẽ có thêm công cụ để xử lý vi phạm, có phần mềm để kết nối tất cả các thiết bị hành trình, qua đó quản lý và giám sát hiệu quả đội tàu.
Nêu thực trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS tiếp tục xảy ra phổ biến, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra hơn 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn biến phức tạp. Mặt khác, việc xác minh, xử phạt các trường hợp mất kết nối VMS theo quy định còn hạn chế; tính riêng đối với khối tàu từ 24 mét trở lên vi phạm mới đạt khoảng trên 10%; hầu như chưa xử phạt hành vi ngắt kết nối trên 6 tiếng không thông báo vị trí theo quy định.
Đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, theo ông Nguyễn Quang Hùng, trên cơ sở khuyến nghị của EC, thời gian qua chúng ta đã xử lý các tàu đánh cá vi phạm mà hồ sơ không bảo đảm. Ví dụ như Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải dừng một số cảng cá, rút Giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp vi phạm. Kiên Giang cũng là địa phương đi đầu, đã đưa ra xét xử một vụ môi giới tàu cá Việt Nam đánh bắt ở nước ngoài với mức 8 năm tù, vừa rồi lại chuẩn bị 2 vụ nữa vi phạm vùng biển ASEAN, 2 vụ chuẩn bị xử (Cà Mau, Quảng Ngãi)...
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nếu đã xét xử và có Nghị quyết của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về án lệ thì chúng ta có bước thực thi vụ án này, từ đó chúng ta có bước thực thi nghiêm túc hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Đây cũng là vấn đề rất gay gắt mà Đoàn thanh tra EC yêu cầu.
Mới đây, trong thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU nêu, đợt thanh tra lần thứ 5 (dự kiến vào tháng 4 năm 2024) là thời điểm quyết định để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC trong năm 2024. Vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan có liên quan và Chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay; trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ nay đến ngày 30/4/2024.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Ban, bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tập trung cao điểm, huy động các nguồn lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về IUU theo đúng chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4/11/2023), các kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các văn bản khác có liên quan; tuyệt đối không lơ là, chủ quan; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ “thẻ vàng” của cả nước; kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tấm gương điển hình trong thực thi IUU; tập trung thực hiện các giải pháp hiệu quả, quyết tâm thực hiện mục tiêu từ nay đến tháng 4/2024 không còn tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đồng loạt điều tra, đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tương tự như trường hợp đã xét xử tại tỉnh Kiên Giang để răn đe, tuyên truyền.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNN phối hợp với các địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp phù hợp nhằm quản lý, kiểm soát sản lượng thủy sản khai thác tại địa phương vừa bảo đảm truy xuất được nguồn gốc vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác của bà con ngư dân; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu việc hợp tác với các nước để tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN-PTNN, Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tiếp tục thực hiện toàn diện, đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tiếp tục thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực biển giáp ranh với Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Chỉ đạo các lực lượng công an, công an 28 địa phương ven biển bố trí lực lượng tập trung nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát, tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống IUU tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt tàu cá trong và ngoài địa phương hoạt động trên địa bàn; bảo đảm giám sát 100% sản lượng thuỷ sản đánh bắt, qua đó phát hiện các hành vi khai thác vi phạm quy định tại Luật Thuỷ sản và vi phạm quy định IUU.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lập danh sách các cảng cá, bến cá tư nhân, truyền thống; giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác tại địa phương vừa đảm bảo truy xuất được nguồn gốc vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác của bà con ngư dân; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cố tình không vào cảng bốc dỡ thủy sản khai thác để né tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Bảo đảm tàu cá khi tham gia khai thác thủy sản phải bật thiết bị VMS 24/24h theo quy định từ lúc rời cảng đến khi cập cảng, xác minh, xử lý 100% tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS (6 tiếng không báo cáo vị trí, không đưa tàu cá quay về bờ quá 10 ngày), vượt ranh giới cho phép trên biển.
Có thể thấy rõ sự quyết tâm của Chính phủ trong việc gỡ "thẻ vàng" IUU đang được hiện thực bằng hàng loạt các giải pháp cấp bách, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, khi các quy định đặt ra không được tuân thủ đầy đủ thì sẽ không gỡ được “thẻ vàng”. Hoặc, nếu việc tuân thủ mang tính thời điểm thì việc tiếp tục bị EC rút “thẻ vàng” là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, quan trọng nhất đối với việc gỡ “thẻ vàng” IUU bền vững chính là nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân trong tuân thủ quy định của Việt Nam và quốc tế về khai thác và đánh bắt thủy hải sản; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây được coi là yếu tố quan trọng quyết định trong hành trình gỡ “thẻ vàng” IUU của EC./.