Yên Lạc: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế
(ĐCSVN) - Xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) có vai trò quan trọng, quyết định đến giải quyết việc làm bền vững, tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người dân, những năm gần đây, huyện Yên Lạc đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp (CCN).
Ảnh minh họa (Nguồn: A.N) |
Đến nay, toàn huyện có 6 CCN được hình thành, trong đó 3 CCN được lấp đầy, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng chục nghìn lao động, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Phát huy lợi thế về giao thông, huyện Yên Lạc đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư về đất đai, hạ tầng, đầu tư hạ tầng đường giao thông đến ngoài hàng rào các CCN; giải quyết tháo gỡ triệt để những khó khăn của doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện các dự án và sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Nhờ có các giải pháp đồng bộ, thu hút đầu tư phát triển tại các CCN ngày càng tăng, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động tại địa phương.
Việc phát triển các CCN tại huyện Yên Lạc đã tạo mặt bằng cho DNNVV trong huyện, các cơ sở sản xuất CN-TTCN, hộ SXKD nghề truyền thống có điều kiện thuận lợi về mặt bằng để tập kết hàng hóa tổ chức sản xuất, thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển mạnh mẽ và toàn diện.
Đến nay, trên địa bàn huyện Yên Lạc đã thành lập được 6 CCN với tổng diện tích gần 110 ha, trong đó 3/6 CCN đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. CCN Yên Đồng với tổng diện tích 3,7 ha được thành lập năm 2009 theo Quyết định của UBND tỉnh do Ban Quản lý dự án xây dựng và phát triển CCN huyện Yên Lạc làm chủ đầu tư.
Với 100% mặt bằng đã được giải phóng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương đối đầy đủ, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, CCN Yên Đồng hiện thu hút trên 50 hộ gia đình vào SXKD.
CCN làng nghề - chợ sắt Tề Lỗ với tổng diện tích hơn 25 ha, được thành lập từ năm 2009, đã hoàn thành và thu hút 320 hộ gia đình vào SXKD. CCN thị trấn Yên Lạc, diện tích 5,18 ha, đã GPMB xong, thu hút 56 DN, hộ gia đình vào SXKD.
CCN làng nghề xã Đồng Văn với tổng diện tích hơn 26,5 ha được UBND tỉnh cho phép thành lập từ năm 2012, đến nay đã đền bù GPMB trên 22 ha, đạt gần 90% diện tích, bước đầu thu hút 8 DN vào SXKD.
CCN làng nghề Minh Phương với tổng diện tích 33,54 ha, đã GPMB được 100% vào đầu năm 2022, hiện mới thu hút chưa được 10 DN, hộ SXKD.
Riêng CCN làng nghề Trung Nguyên, quy mô gần 20 ha đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư, đang tuyên truyền vận động người dân GPMB.
10 tháng đầu năm 2022, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm, nhưng các DN, hộ trong các CCN vẫn nỗ lực duy trì, ổn định sản xuất, góp phần nâng giá trị sản xuất CN - TTCN trên địa bàn ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, chiếm gần 60% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của huyện, đảm bảo việc làm cho trên 8.000 lao động với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Là nơi “đất chật người đông”, xã Đồng Văn có gần 14.000 khẩu, bình quân đất sản xuất dưới 400 m2/người. Thời kỳ bao cấp, Đồng Văn là xã nghèo nhất của huyện Vĩnh Lạc cũ. Nhờ chính sách đổi mới của Đảng, tận dụng lợi thế quốc lộ 2 và tỉnh lộ 304 chạy qua, người dân nơi đây đã biết khai thác thế mạnh từ nghề thu mua tái chế phế liệu, phát triển TM-DV, đặc biệt là phát triển CN - TTCN.
Hiện, toàn xã có gần 2.000 hộ đăng ký kinh doanh TM- DV; có 13 DN sản xuất phôi thép công nghiệp, thu hút gần 500 lao động trực tiếp với sản lượng đạt hàng nghìn tấn/năm. Ngoài ra, còn hàng chục cơ sở sản xuất hạt nhựa, giải quyết việc làm thường xuyên hơn 2.500 lao động trong và ngoài địa phương với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Để phát triển CN-TTCN, những năm qua, xã Đồng Văn luôn quan tâm xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, quy hoạch đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, hộ kinh doanh vay vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc dây chuyền sản xuất; đặc biệt quan tâm GPMB, giao đất sạch cho DN, làm đường giao thông để đón DN đầu tư.
CCN làng nghề Đồng Văn có tổng diện tích 40 ha; giai đoạn I đến nay đã GPMB được trên 22/24 ha, đạt trên 90% diện tích, từ đó thu hút 8 DN cùng hàng chục hộ sản xuất vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Dương Quang Dũng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Lạc cho biết: Trên địa bàn huyện hiện vẫn còn một số CCN đang tiếp tục vận động người dân GPMB như: CCN làng nghề Đồng Văn 1, CCN làng nghề Đồng Văn 2, CCN làng nghề Trung Nguyên…
Phòng đang rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết tham mưu UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện dự án mở rộng CCN làng nghề Minh Phương, quy mô lên 25,8 ha; tham gia ý kiến hình thành CCN làng nghề giữa Yên Đồng với xã Vân Xuân (Vĩnh Tường) và Tề Lỗ với quy mô trên 73,02 ha; kêu gọi đầu tư vào CCN làng nghề Yên Phương; tiếp tục phát triển các KCN trên địa bàn; tập trung đầu tư phát triển cở sở hạ tầng.
Rà soát bổ sung hoàn thiện quy hoạch chi tiết CCN để bảo đảm tính bền vững, lâu dài, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện.