Yên Bái: Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh
(ĐCSVN) – Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế năm 2022, sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với mức tăng lũy kế đến hết tháng 9 năm nay đạt 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất bao bì tại Công ty cổ phần Khoáng sản RED STONE (Khu Công nghiệp phía Nam, thành phố Yên Bái) (Ảnh: T.L) |
Theo Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2022 duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Theo đó có 9 ngành có chỉ số sản xuất tăng mạnh so với cùng kỳ gồm: sản xuất trang phục tăng 25,73%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 23,03%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 22,84%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 8,49%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 33,88%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng 43,28%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 8,43%...
Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp trong tỉnh Yên Bái thời gian qua, đại diện Sở Công Thương cho biết: Từ đầu năm đến nay, không riêng sản xuất công nghiệp mà các ngành kinh tế khác cũng gặp nhiều bất lợi do biến động vật tư, vận chuyển, cân đối chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm. Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, Sở Công Thương cũng đã tổ chức nhiều cuộc kết nối giao thương trong nước và quốc tế; qua đó, giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội xúc tiến đầu tư với thị trường lớn và tiềm năng để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhanh chóng phục hồi sau dịch bệnh cũng như đa dạng chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu cho sản xuất trong nước.
Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã có nhiều đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ hội giá trị để các doanh nghiệp chia sẻ, xác định hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào các thị trường xuất, nhập khẩu mục tiêu. Từ đó, doanh nghiệp cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, vững vàng vượt qua khó khăn do các yếu tố ngoại cảnh tác động, góp phần đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế cũng như sự phát triển bền vững của sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành liên quan, về phía Hải quan cũng có nhiều giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển của sản xuất công nghiệp như: tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Kịp thời tiếp nhận và giải đáp các vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu thông qua các kênh: hội nghị đối thoại, trực tiếp tại trụ sở cơ quan hải quan./.