Yên Bái: Người có uy tín- Những tấm gương tiêu biểu để đồng bào noi theo
(ĐCSVN) - Người có uy tín có vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Họ chính là tấm gương, là bằng chứng của sự nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học công nghệ để vươn lên làm giàu, từ đó đồng bào các DTTS tin tưởng, nghe và làm theo.
Bà Hoàng Thị Hạnh, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng quà cho Người có uy tín tỉnh Yên Bái nhận dịp đoàn thăm quan, học tập tại Hà Nội. Ảnh chụp tháng 9/2022 |
Đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Mường Lò được coi là cánh đồng lúa lớn thứ hai ở Tây Bắc; lúa gạo giúp cuộc sống của cộng đồng các dân tộc tại Nghĩa Lộ có phần đủ đầy hơn so với các vùng khác ở miền núi Tây Bắc. Thế nhưng, ông Lường Trung Lập, dân tộc Thái, bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi (TX. Nghĩa Lộ, Yên Bái), dù đã ngoài 50 tuổi vẫn quyết định bỏ cây lúa để trồng giống cây Thanh Long, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nói về quyết định táo bạo của mình, ông Lường Trung Lập hồi tưởng, năm 2014, sau khi đã tìm hiểu, đọc nhiều bài báo, xem ti vi, ông biết về loại quả thanh tong cho giá trị kinh tế cao, ông quyết định chuyển đổi 4000 mét vuông đất cấy lúa sang trồng thanh long. Thời bấy giờ, cả vùng đất Nghĩa Lộ chưa ai trồng, nên nhiều người tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của giống cây lạ. Thế nhưng, ông Lập vẫn mạo hiểm bỏ vốn hơn 200 triệu đồng để quyết trồng bằng được.
Thời điểm đó, tuổi đã cao, ông không thể tự làm được nên đã thuê nhân công địa phương. Do là người đầu tiên trồng và chỉ biết đến cây thanh long qua báo, đài nên ông đã thuê kĩ sư nông nghiệp từ dưới Hà Nội lên, để tư vấn kĩ thuật và mua cây giống với giá thành rất cao.
Không phụ công người chăm bón, hơn 600 trụ thanh tong của ông cho thu hoạch bội thu. Ông nói, thương lái đến tận vườn thu mua, có thời điểm giá lên đến 30 nghìn/kg thu tại ruộng, và quả thanh tong cho thu nhập hơn 300 triệu mỗi năm. Tuy nhiên, mấy năm nay do dịch Covid-19, lượng mua giảm và giá cũng rẻ hơn, hiệu quả kinh tế cũng giảm 50%, cho thu nhập từ Thanh Long trên 150 triệu đồng/năm.
Gần 10 năm trồng giống cây mới, ông Lập đã nắm vững được kĩ thuật trồng cây, do đó, những hộ dân trong vùng có mong muốn trồng thanh long, ông Lập đều hướng dẫn nhiệt tình. Ngoài hướng dẫn kĩ thuật trồng cây, ông cũng hỗ trợ những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thiếu vốn sản xuất bằng cách cho vay không tính lãi hàng chục triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều người dân quanh vùng.
Người dân học hỏi làm theo
Ông La Tài Quan, dân tộc Dao, 56 tuổi, xã Mỏ Vàng (huyện Văn Yên) nhận thấy cây quế có giá trị kinh tế cao, từ những năm 90, ông đã phổ biến, vận động bà con ươm bầu quế, cải tạo nương đồi để trồng quế. Theo ông Quan, thời điểm đó bà con nở rộ phong trào trồng quế và đến nay, thành quả sau hàng chục năm ấy đã thu được trái ngọt.
Cũng những năm đó, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy diễn ra liên miên, khi đất bạc màu là chuyển sang những vùng khác. Khi được phân công là tổ trưởng tổ bảo vệ rừng, ông đã tích cực vận động người dân bảo vệ rừng, thay vì khai thác rừng thì trồng quế để phủ xanh đồi trọc. Nhờ đó mà diện tích rừng tái sinh tăng cao.
“Bà con quanh năm vất vả với ruộng nương, đi rừng, thôi thì cố gắng trồng thêm cây quế, vừa phủ xanh đồi, vừa có nguồn thu nhập; tranh thủ nuôi thêm con gà, con lợn để cải thiện cuộc sống. Và bản thân mình cũng phải cố gắng, để cho người ta nhìn vào thấy được mình làm được thì người ta cũng làm được”, ông Quan chia sẻ về cách vận động của mình.
Ông La Tài Quan nói, để cho người dân tin và làm theo, trước tiên ông phải tiên. Gia đình ông đã trồng hơn 30 ha quế, cây quế là loại cây có giá trị kinh tế cao, cả lá, thân, vỏ đều có thể bán được tiền nên cứ khai thác xong là ông lại trồng mới. Đến nay số quế trên đã hơn 20 năm tuổi, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã tích cực vận động Nhân dân hiến đất làm đường để thuận tiện sinh hoạt và phát triển sản xuất. Phát huy vai trò tiên phong của Người có uy tín, ông cũng chủ động hiến đất gia đình để mở mang đường rộng hơn. Bên cạnh đó, ông cũng phối hợp với các cấp chính quyền, vận động người dân mở mang những con đường mới trong xã, tiêu biểu là “con đường trong mơ” của thôn Trung Tâm, con đường giải quyết thế cô lập cho hơn 80 hộ người Mông trong lòng hồ và rút ngắn khoảng cách tới xã bên hơn 40 cây số.
Nhờ những nỗ lực của ông Quan mà đến nay, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân thôn Thác Tiên được nâng cao, Thác Tiên được coi là thủ phủ của cây quế với rất nhiều hộ nông dân tiền tỉ. Hiện trong thôn có 105 hộ, với 100 % là người Dao nhưng chỉ còn 2% hộ nghèo. Theo ông Quan, những hộ nghèo là những hộ đặc biệt, khó thoát nghèo bởi bệnh tật, thiếu tư liệu sản xuất.
Tích cực xây dựng nông thôn mới
Ngoài ông, Lường Trung Lập, La Tài Quan, trong những năm qua, Người có uy tín tỉnh Yên Bái đã tích cực tham gia lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Họ chính là lớp người dựa trên sự thành công của họ trong quá trình làm ăn kinh tế. Vì vậy, tấm gương của họ chính là bằng chứng sống cho sự nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo để đồng bào tin tưởng, nghe và làm theo.
Người có uy tín La Tài Quan tiên phong trồng quế mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Ngoài ra, Người có uy tín còn vận động đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa sản xuất; giúp hộ nghèo thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Đặc biệt, trong thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội cần sự chung tay đóng góp của người dân nhiều nhất. Bằng uy tín của mình, bằng nhiều hình thức vận động, thuyết phục để đồng bào hiểu được lợi ích của xây dựng các hạ tầng kinh tế - xã hội. Vì vậy, đồng bào đã tự nguyện đóng góp tiền bạc, hiến đất và rất nhiều ngày công lao động để xây dựng hạ tầng nông thôn mới, làm bộ mặt nông thôn vùng DTTS ngày càng khang trang, tươi mới, tạo thuận lợi cho sự phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho đồng bào.
Tiêu biểu trong đó là phong trào “Dịch rào, hiến đất, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông” gắn với phong trào “Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống”. Kết quả là trong 8 tháng đầu năm năm 2022, Nhân dân trong huyện đã hiến 76.299 m2 đất thổ cư, vườn tạp, ruộng, đồi rừng, phá bỏ 6.102 m2 tường rào, vật kiến trúc và trên 29.300 cây trồng các loại để làm đường, mở rộng 29,77 km đường ngõ, xóm từ 3,5 m lên 7m. Có được kết quả đó là cả sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, trong đó có không ít đóng góp của những Người có uy tín.
Có thể thấy, những Người có uy tín tại Yên Bái, đã thực sự trở thành những đầu tàu, tiên phong trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong phát triển kinh tế gia đình. Họ chính là điểm tựa để người dân tin và làm theo, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên mỗi bản làng.