Yên Bái: Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đối với việc hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia
(ĐCSVN)- Những kết quả tích cực trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đã tiếp tục khẳng định tín dụng chính sách xã hội thực sự là một trong những trụ cột quan trọng trong các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái, là nguồn lực quan trọng giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Ngày 19/7, Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chủ trì Hội nghị có đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Quangcảnh hội nghị. |
Cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách cao gấp 17 lần so với giai đoạn 2003 - 2013
Tại Hội nghị, đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên và thực hiện tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về tiến bộ công bằng xã hội đối với những người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về nguồn vốn tín dụng chính sách có sự chuyển biến tích cực; Năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương ngày càng được nâng cao. Công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, giúp cho tín dụng chính sách xã hội đến với người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác được hiệu quả hơn.
Đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 5.295,6 tỷ đồng, tăng 3.573,1 tỷ đồng (tăng 207,4%) so với năm 2014. Cơ cấu nguồn vốn đã có sự chuyển dịch tích cực, tăng dần nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn huy động từ thị trường được cấp bù lãi suất.
Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và đặc biệt là Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, chính quyền địa phương đã quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác từ ngân sách để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách cao gấp 17 lần so với giai đoạn 2003 - 2013. Tỷ trọng nguồn vốn huy động tại địa phương tăng từ 3,5% lên 9,9% đã tạo điều kiện cho ngân hàng chủ động hơn trong việc giải ngân vốn vay.
Trong giai đoạn 2014 - 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện cho vay được 231.020 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách với doanh số 9.308 tỷ đồng. Nguồn vốn đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc |
Đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng đúng đối tượng, phát huy hiệu quả
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đối với việc hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia; những giải pháp tăng cường nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương; hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khẳng định: Thời gian qua, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống; chất lượng tín dụng được quản lý chặt chẽ, nguồn vốn tín dụng được đầu tư đến 100% xã, phường thị trấn trên cả nước, khẳng định đây chủ trương đúng đắn, sáng tạo và có tính nhân văn sâu sắc. Đồng chí mong muốn các cấp chính quyền của tỉnh Yên Bái tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với các cơ chế chính sách; quan tâm lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu dự án, tuyên truyền cho người dân vay vốn, tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh: Những kết quả tích cực trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đã tiếp tục khẳng định tín dụng chính sách xã hội thực sự là một trong những trụ cột quan trọng trong các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước triển khai trên địa bàn tỉnh, là nguồn lực quan trọng giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vụ, địa phương cần tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động để triển khai một cách đồng bộ các yêu cầu, nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; tăng cường vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn; thường xuyên rà soát nhu cầu vay vốn, thực hiện xác nhận đối tượng vay vốn từng chương trình trong quy trình cho vay; chỉ đạo mạng lưới trưởng thôn, bản, tổ dân phố thực hiện giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn; đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng đúng đối tượng, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm cân đối, bố trí nguồn ngân sách của địa phương chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn vay vốn, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp người dân được vay vốn thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu./.