Yên Bái đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 20.000 lao động trong năm 2024
(ĐCSVN) - UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2024, với mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh hết năm 2024 đạt 69%. Giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, tuyển mới đào tạo nghề cho 18.000 người, chuyển dịch cơ cấu lao động cho 7.000 người từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Học sinh, sinh viên, người lao động tham gia tìm hiểu thông tin việc làm tại Ngày hội việc làm tại huyện Yên Bình do Trung tâm DVVL tỉnh Yên Bái tổ chức. Ảnh: CTV |
Năm 2024, tỉnh Yên Bái đặt ra mục tiêu tuyển mới đào tạo nghề trên 18.000 người, cụ thể: Cao đẳng 2.100 người, trung cấp 3.000 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 13.000 người (trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 4.000 người); chỉ tiêu đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh là 6.100 người (gồm cao đẳng 900 người, trung cấp 2.500 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 2.700 người).
Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh hết năm 2024 đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 38,4%.
Giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, trong đó từ phát triển kinh tế xã hội 9.300 lao động, từ vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm trên 1.700 lao động, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên 1.800 lao động, cung ứng lao động đi tỉnh ngoài cho trên 7.200 lao động. Chuyển dịch trên 7.000 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phấn đấu hết năm 2023, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp toàn tỉnh còn 52,18% lao động tham gia hoạt động kinh tế của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở LĐTBXH cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đối với từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó nhấn mạnh tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động. Thực hiện các giải pháp, chính sách giải quyết việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp để triển khai tổ chức đào tạo nghề theo địa chỉ sử dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động./.