Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ý thức tuần hoàn tài nguyên chưa được hình thành, ảnh hưởng tiêu dùng bền vững

Thứ Bảy, 27/07/2024 20:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thói quen và ý thức tuần hoàn tài nguyên chưa được hình thành nên phong trào người tiêu dùng thông thái còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình tiêu dùng bền vững.

 
 Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Lan

Ngày 27/7 tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức Chương trình “Thúc đẩy sản xuất - Tiêu dùng bền vững 2024”.

Chương trình là sự kiện để thống nhất tiếng nói và hành động chung giữa nhà quản lý - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Việc sử dụng túi ni-lông, bao bì khó phân huỷ vẫn còn phổ biển

Phát biểu tại sự kiện, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UB KH,CN&MT) của Quốc hội cho biết: Sản xuất, tiêu dùng bền vững với nội dung chính là sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; lưu thông, phân phối xanh; tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm và thực hiện trách nhiệm phân loại, tái chế chất thải của nhà sản xuất, người tiêu dùng nhằm phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp và kinh tế xanh đang ngày càng có ý nghĩa và vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở phạm vi khu vực và trên toàn thế giới.

Nhận thức được điều đó, từ năm 2015, với vai trò là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ký cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu thứ 12 về bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã chủ động và thực hiện nhất quán, xuyên suốt quan điểm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, đặc biệt trong công tác xây dựng chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về sản xuất, tiêu dùng bền vững đã và đang ngày càng được hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và đang triển khai các luật có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Du lịch…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT cũng cho rằng: “Mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, tiến bộ trong việc ban hành chính sách, pháp luật như đã nêu trên cũng như trong tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức ở phía trước, làm sao sớm đưa các chính sách, pháp luật đi vào thực tiễn”.

Theo ông Tạ Đình Thi, đa số doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò của sản xuất bền vững đối với sự tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển lâu bền của chính mình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tìm kiếm, huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất xanh, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi trường…

“Các doanh nghiệp lưu thông, phân phối, đặc biệt là các chuỗi siêu thị, các đại siêu thị đã từng bước xanh hoá quy trình phân phối, giảm thiểu bao bì trung gian, giảm thiểu chất thải; sớm sử dụng, phân phối sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường… Tuy vậy, các hoạt động này chưa có tính bền vững. Việc sử dụng túi ni lông, bao bì khó phân huỷ vẫn còn phổ biển, chưa có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh; chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận các sản phẩm, bao bì thải bỏ để đem đi tái chế…”, ông Tạ Đình Thi cho hay.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm UB KH,CN&MT, người tiêu dùng ngày càng hiểu biết hơn và có ý thức ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh, thấy được trách nhiệm của mình trong quá trình thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững; nhận thức tốt hơn và thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; các hành động giảm thiểu chất thải nhựa ngày càng phổ biến. Tuy vậy, giá thành sản phẩm xanh vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân, trong khi đó các hành vi quảng cáo gian dối, lợi dụng thông tin sản phẩm xanh để bán giá cao ngày càng phổ biến, gây e ngại, tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng, thói quen và ý thức tuần hoàn tài nguyên chưa được hình thành nên quá trình hình thành phong trào người tiêu dùng thông thái còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình tiêu dùng bền vững.

 Diễn đàn “Tiêu dùng bền vững: Cơ hội - Thách thức để doanh nghiệp phát triển”. Ảnh: Hoàng Lan

Bên cạnh đó, chúng ta còn những hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật, thiếu những quy định và chế tài cụ thể trong thi hành pháp luật cũng như thiếu các công cụ, phương tiện trong công tác quản lý.

Thông qua sự kiện này, ông Tạ Đình Thi mong muốn tạo sẽ ra một phong trào mạnh mẽ, sôi nổi và rộng khắp tại các hệ thống siêu thị lớn nhỏ về tiêu dùng xanh để thúc đẩy quá trình sản xuất xanh và tiêu dùng xanh trong cả nước. Từ đó sẽ dần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng xanh và dần trở thành tự nhiên như cuộc sống thường nhật của mỗi người, mỗi doanh nghiệp, tổ chức.

Sản xuất, tiêu dùng bền vững là xu hướng và yêu cầu cấp bách

Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, sản xuất, tiêu dùng bền vững là xu hướng và là yêu cầu cấp bách, hiện hữu rõ nét trong hoạt động sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và của người dân. Đây cũng là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có Việt Nam, đã cam kết nỗ lực thực hiện trong giai đoạn từ năm 2015 tới năm 2030.

Để bảo đảm mục tiêu nêu trên, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, trong đó xác định mục tiêu hướng tới thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Thực hiện Quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai chuỗi các sự kiện, bao gồm diễn đàn và triển lãm để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong năm 2023 và 2024. Năm 2023, Triển lãm với chủ đề “Tiêu dùng xanh - Cùng sống lành” đã được tổ chức thành công tại Hà Nội, thu hút hơn 25.000 lượt tham quan và 25 gian hàng của hơn 20 tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo Ban tổ chức, Chương trình là cầu nối để ghi nhận đầy đủ thông tin, tham khảo ý kiến phân tích, đánh giá đa chiều từ các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời đề xuất những giải pháp có tính chiến lược, kịp thời nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng dùng bền vững tại Việt Nam. Các ý kiến đóng góp từ các bên liên quan sẽ giúp nhận diện đầy đủ các thách thức, xu hướng mới trong sản xuất, tiêu dùng bền vững ở Việt Nam. Từ đó, khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất sạch hơn mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam và đề xuất những chính sách, giải pháp mới mang tính đột phá, khả thi.

Trong khuôn khổ Chương trình diễn ra các hoạt động bên lề như triển lãm với 30 gian hàng, quy tụ gần 20 doanh nghiệp, đơn vị đến từ trong và ngoài nước. Dự kiến, sự kiện thu hút khoảng 30.000 - 50.000 lượt người tham quan. Bên cạnh đó là Talkshow “Công nghệ xanh cho sản xuất - Tiêu dùng bền vững” chia sẻ về những ứng dụng và lợi ích của công nghệ xanh trong sản xuất bền vững và những tác động của thương mại điện tử trong tiêu dùng xanh, bền vững…/.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN