Xung quanh vấn đề bồi thường án oan sai
(ĐCSVN) - Tại buổi thảo luận dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi) ngày 20/9, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt ra nhiều câu hỏi về sự bất cập liên quan đến bồi thường án oan sai, trong đó có việc chứng minh thiệt hại của những người bị tù oan sai đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, một trong những điểm vô lý của thực tế bồi thường án oan sai lâu nay chưa được dự thảo Luật điều chỉnh là: Cơ quan tố tụng yêu cầu người bị oan sai muốn bồi thường phải chứng minh được thiệt hại, đòi hỏi có hoá đơn, chứng từ… Bà Nga đặt ra câu hỏi rằng: Trong mấy chục năm người ta ngồi tù, gia đình khốn đốn thì lấy đâu ra chứng từ để chứng minh, vậy sửa Luật có giải quyết được thực tế này không?
Là một trong rất nhiều người dân quan tâm đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Toàn, cán bộ hưu trí từng công tác tại Sở Tư pháp Thái Nguyên nêu ý kiến: Tôi thấy việc người bị oan sai muốn được bồi thường phải có đầy đủ chứng từ chứng minh thiệt hại. Điều này quá vô lý, thật chẳng khác nào “đánh đố” các nạn nhân oan sai.Theo tôi, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước cần sớm điều chỉnh, sửa đổi, khắc phục những bất cập này. Ngoài ra, như chia sẻ của Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao Tống Anh Hào tại buổi thảo luận, việc “Chứng minh thiệt hại về vật chất như tài sản, thu nhập đã khó, chứng minh thiệt hại về tinh thần còn khó hơn”. Tôi có thể hiểu đó là những cái hiện hữu có thể chứng minh bằng chứng từ (trong trường hợp nơi giam giữ cấp chứng từ, và trong quá trình đi lại, chăm sóc nạn nhân tù oan, người nhà có giữ lại các tích kê biên lai chi tiêu). Còn những thiệt hại vô hình như: Tinh thần, danh dự, nhân phẩm thì phải xác định thế nào? Tôi rất trăn trở và mong dự thảo Luật lần này cần có đổi mới đột phá, giải quyết được những bất cập trên.
Ông Nguyễn Văn Thảo, cán bộ hưu trí ở Vĩnh Phúc, nguyên là cán bộ Thi hành án Dân sự cho biết: Từ thực tế các vụ án oan sai như: Lương Ngọc Phi (Thái Bình), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Trần Ngọc Thêm (Bắc Ninh), tôi thấy, điều kiện, thủ tục yêu cầu bồi thường hiện nay của chúng ta còn quá cứng nhắc, thiếu linh động, thậm chí còn nhiều lúng túng. Tôi ví dụ như: Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Uỷ ban Tư pháp đều phải có công văn, hoặc phải trao đổi trực tiếp với cơ quan tư pháp Trung ương để có chỉ đạo mạnh hơn, mới không bị áp dụng quá cứng nhắc. Lý do được cho là Luật tuy đã qui định nhưng thiếu cụ thể. Tôi mong muốn trong dự thảo sửa đổi Luật lần này sẽ khắc phục một số tồn tại trên, nhằm nâng cao tính thực tiễn và hiệu quả của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Thương, Công chứng viên tại một Văn phòng công chứng ở (Hà Nội) chia sẻ: Trong Dự thảo Luật lần này có quy định, người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ gây thiệt hại của mình.
Những qui định trên theo tôi vẫn chung chung và trừu tượng. Ở góc độ này, tôi xin đề xuất như sau: Việc một người bị đi tù sẽ khó mà có được chứng từ để chứng minh thiệt hại. Thay vì “làm khó” cho người bị oan sai, nên chăng dự thảo của chúng ta xem xét theo hướng quy đổi mỗi năm ngồi tù oan ra một khoản bồi thường bằng tiền cụ thể. Với phương châm nếu người tù oan làm công tác trong các tổ chức, tập thể thì tính theo tiêu chí lương. Người dân thì căn cứ theo ngành nghề, thu nhập bình quân. Còn với doanh nhân thì tính theo hiệu quả kinh doanh… trên cơ sở thu nhập bình quân của người chịu oan sai và trên căn cứ mức áp trần bồi thường Nhà nước qui định. Yếu tố thành phần gia đình và nhân thân của người tù oan sai cũng cần được xem xét đồng thời với phương án trên như một điều kiện cần thiết.
Ông Phạm Văn Luyện (Phú Thọ), nguyên là sĩ quan quân đội có ý kiến: Dự thảo Luật cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp, gián tiếp để xảy ra hoặc gây ra án oan sai, chứ không thể để tồn tại việc cá nhân, tổ chức gây hậu quả nhưng Nhà nước lại phải gánh chịu khi dùng tiền ngân sách để đền bù. Bởi tiền đó là tiền thuế của người dân đóng góp. Theo tôi, ai làm thì người đó phải chịu trách nhiệm, cá nhân, tổ chức gây ra oan sai phải trực tiếp chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu khả năng thu nhập không bảo đảm được cho việc bồi thường, cần có biện pháp tịch thu tài sản để khắc phục những hậu quả mà họ gây ra.
Về cách tính toán thiệt hại để bồi thường, qua thông tin tôi nắm được từ đài, báo thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, với những thiệt hại về vật chất tính dễ hơn, nhưng về tinh thần cũng có cách tính toán, và ban soạn thảo cố gắng đưa ra tiêu chí để lượng hoá các thiệt hại về tinh thần để đền bù. Tôi thấy việc này rất khó, bởi nó là những thứ không thể cân, đo,đong, đếm được, đăc biệt khi đặt trong bối cảnh “một ngày tù, ngàn thu ở ngoài”. Tôi ví dụ như vụ ông Trần Văn Vót, người đang ngồi tù 23 năm ở Hà Nam bởi một bản án có dấu hiệu oan sai, giả sử được bồi thường, thì biết lấy bao nhiêu tiền để bù đắp cho 23 năm oan khuất kia? Vì vậy, tôi nghĩ dự thảo Luật lần này nên nghiên cứu và xem xét kỹ sao cho thấu đáo vấn đề trên.
Còn nói về quy định việc bồi hoàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng: Nguyên tắc tất cả các công chức gây ra thiệt hại đều phải bồi hoàn. Luật sẽ thiết kế hợp lý để người ta ý thức việc phải bỏ tiền bồi thường thiệt hại do mình gây ra, nhưng cũng không đến mức “quá kinh khủng” để cán bộ không dám làm gì. Tôi nghĩ một điều luật khi đã được thông qua đều dựa trên những căn cứ thực tiễn, khoa học và là sản phẩm trí tuệ tập thểi, quan trọng ở đây là yếu tố con người có thực hiện nghiêm túc theo các qui định trong luật hay không mà thôi. Chúng ta cần có qui định khắt khe hơn về phẩm chất, đạo đức và có các biện pháp xử nghiêm minh đối với những công bộc làm việc thiếu trách nhiệm, hoặc vì vụ lợi cố tình làm sai, gây ra các vụ án oan sai nghiêm trọng.
Chị Trương Thị Thanh Nhàn, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái băn khoăn: Tôi thấy một việc rất đáng bàn hiện nay, đó là thời gian triển khai bồi thường oan sai diễn ra quá lâu, gây mệt mỏi cho gia đình các nạn nhân án oan, rồi làm dư luận không khỏi bức xúc. Lẽ ra, khi có kết luận án oan sai, thì cơ quan chuyên trách phải thực hiện nhanh chóng việc bồi thường để kịp thời động viên, cũng là tỏ thiện chí với những nạn nhân, giúp họ nhanh chóng lấy lại tinh thần, hòa nhập cộng đồng. Tôi xin ví dụ như: Vụ ông Huỳnh Văn Nén, tổ chức công khai xin lỗi đã gần một năm nay, nhưng thời điểm này vẫn chưa triển khai bồi thường xong...
Liên quan đến việc này, tôi thấy Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào nói rằng, những trường hợp cụ thể về bồi thường oan sai giải quyết chậm và có vướng mắc không phải do quy trình và quy định về pháp luật bồi thường mà là do vướng trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Tôi nghĩ, với những vụ việc đã được làm rõ và có kết luận, nếu cơ quan có trách nhiệm không bồi thường mà để chậm trễ, dự thảo Luật cần có qui định cụ thể, từ đó có các chế tài xử lý với các hành vi cố tình “câu giờ”, kéo dài vụ việc bất kể lý do gì.
Qua theo dõi các vụ án oan, tôi thấy trong quá trình giải quyết bồi thường, các cơ quan tố tụng không mấy khó khăn, chỉ thấy quy định chưa rõ nội dung bồi thường, nên tạo ra sự bất nhất giữa cơ quan bồi thường và người được bồi thường, cách thức, thủ tục, mức tính không thống nhất. Những vấn đề này cần sớm được đưa vào dự thảo, bàn thảo để tháo gỡ trên tinh thần thiện chí, sai thì sửa, có lỗi thì nhận, khắc phục kịp thời những hậu quả của vụ việc./.