Xung quanh sự việc cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh
(ĐCSVN) - Những ngày qua, sự việc một cô giáo phải quỳ 40 phút để xin lỗi trước mặt phụ huynh, học sinh tại Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức (Long An) đã gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều.
Trường Tiểu học Bình Chánh nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.
Cụ thể, khoảng cuối tháng 2/2018, trong lúc giảng dạy, có một số học sinh vi phạm nội quy đã bị cô B.T.T.N - giáo viên Trường Tiểu học Bình Chánh - phạt bằng hình thức bắt quỳ gối khiến các em sợ không muốn đi học. Sau đó, có 4 phụ huynh có con bị phạt đã đến trường lớn tiếng trách móc cô giáo N. Cô N. đã nhận lỗi và hứa sẽ khắc phục sai sót. Tuy vậy, một phụ huynh trong số đó đã không đồng ý. Trước áp lực của phụ huynh này, cô giáo này đã phải quỳ gối để nhận lỗi với thời gian 40 phút...
Sự việc quỳ xin lỗi diễn ra trước mặt phụ huynh, học sinh đã khiến nhiều giáo viên và phụ huynh khác vô cùng bức xúc.
Liên quan tới sự việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng và khẳng định, bất kể hình thức làm nhục nào ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của nhà giáo cũng là vi phạm nhân quyền; đồng thời yêu cầu Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục xác minh thông tin nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà giáo.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Hoàng Đức Minh nêu quan điểm: Về nguyên tắc, nếu giáo viên làm sai quy định thì phải nhận trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bất kể hình thức làm nhục nào ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của nhà giáo cũng là vi phạm nhân quyền, cần phải lên án, thậm chí có hình thức xử lý nếu như vi phạm pháp luật…
Ông Nguyễn Văn Kiệm, cán bộ ngành môi trường đã nghỉ hưu (TP. Phủ Lý, Hà Nam) nói: "Khi nghe câu chuyện cô giáo tiểu học ở Bình Chánh mà tôi thấy bất bình. Ở đây là câu chuyện ứng xử trong cách dạy dỗ học sinh, con cái. Việc cô giáo bắt học sinh quỳ khiến học sinh phải “sợ” không muốn đến lớp cũng cần được nhìn nhận nghiêm túc, vì đây cũng là nguồn cơn làm cho các bậc phụ huynh cả giận mà có những phản ứng chưa đẹp. Việc dạy dỗ học sinh cần có những giải pháp mềm mỏng mà hiệu quả, có sự kết hợp khoa học giữa gia đình, nhà trường chứ không nên lạm dụng roi vọt, áp dụng các biện pháp cứng rắn quá mà vô tình tạo ra sự lì lợm, tâm lí chống đối ở lứa tuổi học trò.
Về phía phụ huynh cũng nên suy nghĩ về việc giáo dục con cái. Kiểu bênh con, nuông chiều, rồi làm ảnh hưởng đến hình ảnh, danh dự người thầy, người cô chỉ để hả hê tức giận, nhưng hậu quả sẽ thật khó lường; sẽ là “gậy ông đập lưng ông” khi mà mọi sự diễn ra đang trái với luân thường đạo lí, trái với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc…" – ông Kiệm nhấn mạnh.
Là một giáo viên đang giảng dạy cấp tiểu học, cô giáo Trương Thanh Nhàn (thị trấn Yên Bình, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: "Vẫn biết, hình thức phạt của cô giáo với học sinh là không phù hợp, ảnh hưởng đến tâm sinh lý học sinh, nhưng cách hành xử của nhóm phụ huynh tôi thấy không thể chấp nhận được, thậm chí đáng trách. Xảy ra sự việc trên, tôi cảm thấy rất buồn, cảm thấy tổn thương vì đồng nghiệp mình không được phụ huynh tôn trọng. Đọc trên báo chí, tôi được biết vị phụ huynh cố chấp không bỏ qua cho cô giáo nguyên là thư ký cho một hội luật gia, nên tôi nghĩ đây là hành vi cố tình làm nhục cô giáo trẻ trước mọi người, học sinh...".
Anh Nguyễn Hữu Lợi, làm nghề cơ khí ở Thạch Hà (TP. Hà Tĩnh) nhận định: “Việc một nhóm phụ huynh đến trường gây áp lực tức là đã có chủ ý, tổ chức. Tôi thấy khó hiểu là phía nhà trường có công đoàn, có bảo vệ, có ban giám hiệu chứng kiến, tại sao không có biện pháp can thiệp kịp thời mà để xảy ra sự vụ phản cảm đến vậy?".
Việc cô giáo sai thì cũng sẽ bị xử lý theo kỷ luật nhà trường. Còn phụ huynh tập trung gây áp lực cho cô giáo để cô phải quỳ gối xin lỗi 40 phút là việc làm khó chấp nhận, bởi đó còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nhà giáo. Ở đây, ta thấy việc “xử trò, xử cô” ngang nhau (đều bắt quỳ gối) nghe đã thấy không ổn. Nói gì đi chăng nữa thì cô giáo có phạt học sinh cũng là chuyện dạy dỗ, tất nhiên việc cô áp dụng hình phạt như vậy là sai, nhưng về phía phụ huynh, nếu thấy hình thức phạt nặng thì cũng nên trao đổi với giáo viên, phản ánh với ban giám hiệu nhà trường về cách thức phạt và có biện pháp xử lý, giải quyết sự việc nhưng vẫn phải thể hiện tinh thần "tôn sư trọng đạo" để con cái noi theo. Tuy nhiên lấy làm tiếc, nhóm phụ huynh đã có cách ứng xử không đúng mực mà cố ý gây áp lực, uy hiếp khiến cô giáo phải quỳ trước phụ huynh, trước học sinh. “Có thể ngay lúc này, họ - những phụ huynh sẽ hả hê trong thế thắng, nhưng sự trả giá thì khó lường khi con trẻ chứng kiến cảnh thầy cô, những người dạy dỗ chúng bị làm nhục dễ dàng,…Chúng sẽ tự mãn, và hư hỏng, đó mới là thất bại ê chề nhất” – anh Lợi nói.
Ở góc độ phụ huynh đang có con gái lớn học lớp 6, chị Nguyễn Phương Thảo (Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Hiện tượng phó mặc con cái cho nhà trường hiện nay không phải hiếm. Là một phụ huynh đang có con đi học, tôi nghĩ cô giáo có bắt học sinh quỳ gối cũng là để chúng nhận ra khuyết điểm học tập tốt hơn. Việc phụ huynh mà cố ý gây áp lực để cô giáo quỳ xin lỗi, tôi thấy có ác ý trả thù cho con, cố ý làm “mất mặt” cô giáo trước học sinh. Việc này sẽ tạo ra hệ lụy khó lường là cách nhìn nhận sai lệch của các học sinh, khiến chúng không biết “tôn sư trọng đạo”, coi thường thầy cô; từ đó dẫn đến nhận thức sai, và việc trở nên hư hỏng sẽ như một tất yếu..
Sự việc trên không thể chấp nhật được dù tiếp cận nó cả khía cạnh pháp luật cũng như đạo đức. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm có những quy định, biện pháp để ngăn chặn các vi phạm tương tự. Đồng thời, sớm vào cuộc xử lý nghiêm sai phạm trên để giáo dục, răn đe, nhằm ổn định dư luận./.