Xung đột Hamas - Israel: Đại hội đồng Liên hợp quốc sắp họp khẩn
(ĐCSVN) - Ngày 23/10, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis đã thông báo kế hoạch nối lại phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 10 của cơ quan này về cuộc xung đột Hamas - Israel.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis. (Ảnh: IANS) |
Cho đến nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn chưa đạt được đồng thuận về một nghị quyết liên quan cuộc xung đột Hamas - Israel. Tuy nhiên, một số quốc gia do Jordan thay mặt làm đại diện đã chính thức đề nghị Chủ tịch Đại hội đồng liên hợp quốc Francis lên kế hoạch tổ chức cuộc họp trên.
Trong lá thư gửi các phái đoàn, ông Francis cho biết đã nhận được một lá thư đề ngày 19/10 từ Đại sứ Liên hợp quốc Jordan Mahmoud Hmoud và Đại sứ Liên hợp quốc Mauritania Sidi Mohamed Laghdaf với tư cách là chủ tịch Nhóm Ả Rập và chủ tịch Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, yêu cầu nối lại Phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 10 của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong thời gian càng sớm càng tốt.
Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông cũng đã nhận được thư từ đại diện của Nicaragua, Nga, Syria, Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Timor-Leste, Việt Nam và Brunei về vấn đề nêu trên.
“Tôi sẽ triệu tập cuộc họp toàn thể lần thứ 39 của phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 10 của Đại hội đồng vào ngày 26/10/2023” - ông Francis nói.
Phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 10 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được triệu tập lần đầu tiên vào tháng 4/1997, theo yêu cầu của Qatar - Chủ tịch Nhóm Ả Rập lúc bấy giờ.
Phiên họp diễn ra sau một loạt cuộc họp của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên hợp quốc liên quan đến quyết định của Israel xây dựng khu định cư cây tranh cãi Har Homa tại khu vực Jabal Abu Ghneim của Đông Jerusalem.
Gần đây nhất, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nối lại phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 10 vào cuối tháng 6/2018.
Kế hoạch triệu tập phiên họp đặc biệt khẩn cấp được Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh chiến sự giữa Israel và phong trào Hamas tiếp tục leo thang, bất chấp những nỗ lực trung gian của cộng đồng quốc tế. Giữa lúc Israel tăng cường các cuộc không kích và chuẩn bị cho một chiến dịch trên bộ vào Gaza, thì các cuộc đụng độ giữa phong trào Shiite Hezbollah ở Li-băng và Israel cũng diễn ra ở dọc khu vực biên giới, làm dấy lên lo ngại về kịch bản leo thang xung đột trong khu vực.
Dân thường ở Gaza đang phải đứng giữa hai làn đạn giữa lúc xung đột Hamas - Israel leo thang. (Ảnh: Reuters) |
Giới chức Israel ngày 23/10 cho biết phong trào Hamas đã bắt giữ là 222 người làm con tin (gồm cả người nước ngoài, người Israel, trẻ em, phụ nữ và người già) khi lực lượng này tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào các thị trấn, cộng đồng dân cư và căn cứ quân sự ở miền Nam Israel, đồng thời cướp đi sinh mạng của 1.400 người. Trong khi đó, cơ quan y tế ở Gaza cho biết chiến dịch không kích dữ dội mà Israel triển khai đã khiến hơn 5.000 người thiệt mạng. Hiện Israel cũng đã cắt nguồn cung cấp nước, điện, nhiên liệu và thực phẩm để đáp trả cuộc tấn công của Hamas.
Trong cuộc họp ngắn với các phóng viên, ngày 23/10, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari cho biết quân đội "đã tích cực tham gia vào các nỗ lực hoạt động và tình báo để đảm bảo việc thả tất cả các con tin". Tuy nhiên, ông Hagari không xác nhận song cũng không phủ nhận các thông tin về kế hoạch Hamas sẽ trao trả tự do cho các con tin đang giam giữ.
Theo ông Hagari, IDF đã thực hiện các cuộc tấn công mặt đất ở Gaza với phạm vi hạn chế. Trong khi đó, các cuộc đột kích và tấn công trên không được thực hiện như một phần trong quá trình chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến.
Trong bối cảnh trên, các nỗ lực tiếp tế hàng viện trợ tới dải Gaza vẫn đang tiếp tục được triển khai. Cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc cho biết, trong ngày 23/10, 20 xe tải chở hàng viện trợ thiết yếu gồm thực phẩm, nước, thuốc men và vật tư y tế đã đến Gaza thông qua cửa khẩu Rafah với Ai Cập. Đây là chuyến xe viện trợ thứ 3 đến khu vực chiến sự này trong vòng 3 ngày qua.
Ngoài ra, các máy bay từ Algeria, Kuwait, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chở hàng viện trợ nhân đạo cho dải Gaza cũng đã đến Sân bay al-Arish của Ai Cập, cách cửa khẩu Rafah chưa đầy 50 km.
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca, ngày 23/10 cho biết nước này đã gửi hai máy bay chở hàng tới Ai Cập mang theo thiết bị y tế và vật tư tới dải Gaza, đồng thời cho biết thêm rằng sẽ có thêm hai máy bay nữa chở đồ tiếp tế cho khu vực chiến sự./.