Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt vào thị trường Malaysia
(ĐCSVN) - Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo” nhằm cung cấp thông tin hữu ích về thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo, đồng thời cập nhật các quy chuẩn về sản phẩm Halal.
Ngày 31/5, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP Hồ Chí Minh và Cục Xúc tiến Thương mại Malaysia (MATRADE) tổ chức Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo”.
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin hữu ích về thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo, đồng thời cập nhật các quy chuẩn về sản phẩm Halal. ITPC dự kiến tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự triển lãm MIHAS tại Malaysia vào Quý IV năm nay, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm và gặp gỡ các nhà phân phối, nhập khẩu quốc tế.
Toàn cảnh hội thảo. |
Theo ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc ITPC, ngành công nghiệp Halal hiện đang phát triển mạnh mẽ với hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới. Việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal từ sản xuất đến phân phối đang trở thành xu hướng quan trọng, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Đào Minh Chánh cho rằng, với vị trí là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế và là đầu tàu, động lực, có sức thu hút, sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà dầu tư kinh doanh tại Thành phố, nghiên cứu thực hiện các chính sách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kết nối giao thương, gắn kết sản xuất với nhà phân phối, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng lãnh sự - Tổng lãnh sự quán Malaysia tại TP Hồ Chí Minh Firdauz Othman cho rằng, Malaysia là một trong những quốc gia tiên phong trong ngành Halal đặc biệt là về mảng tài chính Hồi giáo và ngành lương thực, thực phẩm. Malaysia có một môi trường kinh thế thân thiện cũng như lợi thế cạnh tranh trong việc có mức độ tín nhiệm cao về việc chứng nhận Halal được chấp nhận bởi hầu hết các thị trường Hồi giáo trên toàn thế giới.
Ông Firdauz Othman thông tin, riêng về mảng thực phẩm Halal, là thị trường đang phát triển với tốc độ rất nhanh, nó được dự báo sẽ đạt giá trị vào khoảng 4.5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Thị trường này được tăng trưởng bởi sự phát triển dân số Hồi giáo toàn cầu cũng như nhu cầu về các sản phẩm đạt chứng nhận Halal.
“Đây là cơ hội to lớn cho nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam có thể tiếp cận một cách chủ động đến thị trường Halal. Nhìn thấy được triển vọng thị trường, Chính phủ Việt Nam đã đặt sự quan tâm lớn đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có thể tiến vào thị trường Halal toàn cầu. Rất nhiều sáng kiến và chính sách đã được đặt ra để thúc đẩy sự phát triển của ngành Halal tại Việt Nam. Vừa mới đây, Chính phủ đã thông báo việc thành lập của Cơ quan chứng nhận Halal Việt Nam (HALCERT) để đáp ứng các hoạt động về chứng nhận cũng như hỗ trợ về các cuộc đối thoại, đào tạo và hợp tác quốc tế trong ngành Halal”- ông Firdauz Othman phân tích./.