Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch liên vùng

Thứ Ba, 23/07/2024 17:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Hội nghị xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch liên vùng giữa Hà Nội - Ninh Bình - Kon Tum với các tỉnh thành khu vực Tây Nam Bộ là cơ hội để các địa phương quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch, liên kết mở rộng liên tuyến các sản phẩm du lịch mới.

Ngày 23/7, tại TP Cần Thơ, Sở Du lịch TP Hà Nội, tỉnh Ninh Bình cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch liên vùng giữa Hà Nội - Ninh Bình - Kon Tum với các tỉnh thành khu vực Tây Nam Bộ.

Sở hữu những nét văn hóa bản địa phong phú cùng hệ sinh thái đa dạng, vùng đất miền Tây Nam Bộ có nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển nhiều loại hình du lịch. Trong đó có thể kể đến du lịch sinh thái miệt vườn gắn với cảnh quan sông nước, nghỉ dưỡng kết hợp khám phá lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống, du lịch MICE….

Các địa phương giới thiệu sản phẩm lưu niệm, giao lưu, kết nối tại hội nghị. (Ảnh: Báo Cần Thơ) 

Thời gian qua các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn tới du khách thông qua việc tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội; nhờ đó trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đón gần 30 triệu lượt du khách, tăng 11,20% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách quốc tế trên 1,3 triệu lượt, tăng 38,72 % so với cùng kỳ 2023; khách nội địa hơn 28,6 triệu lượt, tăng 10,22 % so với cùng kỳ 2023. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với cùng kỳ 2023.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn cho biết, thành phố Cần Thơ có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch MICE, du lịch sông nước, du lịch văn hóa... Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Cần Thơ đã đón 3,7 triệu lượt du khách tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.321 tỷ đồng, tăng 11%.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, hội nghị là cơ hội để các địa phương quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch, liên kết mở rộng liên tuyến các sản phẩm du lịch mới. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp du lịch giao lưu, kết nối và mở rộng thị trường giữa khu vực miền Bắc, Tây Nguyên và vùng ĐBSCL.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội du lịch của các địa phương và các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đồng thời hiến kế nhằm đẩy mạnh việc kết nối sản phẩm, tour tuyến giữa các doanh nghiệp và các địa phương trong thời gian tới.

Các đại biểu cho rằng, để thúc đẩy phát triển du lịch, phát huy hiệu quả các liên kết thì các địa phương cần chú trọng đầu tư các sản phẩm đặc thù, hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch giữa Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh thành ĐBSCL. Các tỉnh, thành trong liên kết cần có những chiến lược truyền thông về quảng bá, phối hợp và hỗ trợ qua lại trong hoạt động tổ chức các đoàn famtrip, presstrip khảo sát các điểm đến. Đồng thời, có cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành và lưu trú cùng với các hãng hàng không xây dựng các gói sản phẩm ưu đãi, kích cầu du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và kết nối dữ liệu số giữa các địa phương…/.

V.H

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN