Xuất hiện nhiều mô hình hay của phụ nữ về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN) – Chiếm hơn phân nửa dân số, nữ giới đang ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT), chị em phụ nữ là lực lượng quan trọng trong sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan trực tiếp đến môi trường.
Trong thực tiễn, nhiều sáng kiến, ý tưởng về “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”, giảm thiểu rác thải nhựa”, “biến rác thành tiền”, tái chế/tái sử dụng, mô hình “phụ nữ sống xanh”, “nói không với túi ni lông”, “dùng làn đi chợ”… đã và đang được phụ nữ trên mọi miền Tổ quốc tích cực hưởng ứng. Đây thực sự là những mô hình điểm để nhân rộng, góp phần tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt hiệu quả cao nhất.
Một mô hình biến rác thải thành tiền hiệu quả được chị em phụ nữ nhiều địa phương trên cả nước triển khai |
Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu, điển hình của cả nước, đơn cử như Hội LHPN tỉnh Quảng Bình với mô hình “Hạn chế xả rác trên sông Kiến Giang”. Đây là cách làm của Hội LHPN huyện Lệ Thủy. Qua đó, nhằm tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân nâng cao ý thức, hình thành thói quen trong bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giữ gìn cảnh quan sạch, đẹp vốn có của dòng sông. Để hạn chế tình trạng rác thải sinh hoạt do các hộ dân xả xuống sông, cùng với việc xây dựng, lắp đặt 14 bể chứa rác đảm bảo tính mĩ quan tại các bến nước, Hội LHPN huyện đã tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa công tác bảo vệ môi trường gắn với các tiêu chí “3 sạch” và mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng thời trực tiếp hướng dẫn cho hội viên các bước phân loại rác tại hộ gia đình, giải pháp hạn chế sử dụng túi ni lông, cũng như việc thu gom các loại rác thải vô cơ, rác thải tổng hợp tại các các bể chứa rác. Bên cạnh đó, Hội cũng thành lập các tổ thu gom rác hàng tuần tại các bến nước, tránh không để rác tồn động quá lâu gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Với cách làm sáng tạo, phù hợp, mô hình không chỉ nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương mà còn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các hộ gia đình đang sinh sống ở đôi bờ Kiến Giang.
Hay như Hội LHPN tỉnh Nam Định với mô hình “Phụ nữ với phong trào bảo vệ môi trường làng nghề” tại xã Quang Trung, huyện Vụ Bản. Để triển khai mô hình này, “Đội tuyên truyền bảo vệ môi trường” của xã được thành lập gồm 15 tuyên truyền viên. Hoạt động của đội tuyên truyền nhằm tích cực vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ, cộng đồng dân cư trên địa bàn tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và hưởng ứng tham gia các phong trào bảo vệ môi trường làng nghề bền vững, triển khai ký cam kết với các hộ gia đình về việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhân dịp này, Hội LHPN tỉnh và Sở TN&MT tỉnh cũng đã tặng cho đội tuyên truyền 15 bộ quần áo bảo hộ lao động, loa cầm tay và hỗ trợ 13 chi hội phụ nữ làm pano với nội dung “Đoạn đường do chi hội phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp” góp phần nâng cao ý thức và cộng đồng trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Rồi còn phải kể đến Hội LHPN xã Ea Ning (Đăk Lăk) đã triển khai mô hình “Tuyến đường không rác thải” nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của hội viên phụ nữ và cộng đồng. Để có được “Tuyến đường không rác thải” dài gần 5 km nối từ thôn 14 đến thôn 22 của xã, Hội LHPN xã đã huy động sự đóng góp của chị em phụ nữ. Ngoài việc vệ sinh hàng ngày, chị em còn cùng nhau quét dọn đường, thu gom rác thải vào thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần. Từ khi có mô hình, không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi trên tuyến đường. “Tuyến đường không rác thải” vừa tạo mỹ quan, môi trường trong lành, vừa nâng cao thức giữ gìn vệ sinh của mỗi người dân cũng được nâng lên, hiện nay trên tuyến đường. Được biết, mô hình còn góp phần xây dựng nông thôn mới. Hội LHPN xã tiếp tục nhân rộng mô hình “Tuyến đường không rác thải” ở tất cả các đoạn đường trên địa bàn xã” và tổ chức những đợt ra quân làm sạch đẹp đường làng, ngõ xóm.
Còn có Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu, trong các năm 2020-2023, các cấp Hội đã thành lập mới 25 mô hình BVMT; 2 tổ phụ nữ “Nói không với bọc nylon”; 7 tổ phụ nữ “Xách giỏ đi chợ”; 3 tổ phụ nữ “Thu gom bọc nylon”; 1 tổ “Phân loại rác tái chế tại nhà”… Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục duy trì các mô hình, tổ, nhóm sẵn có như: tổ “4 an, 4 sạch”, tổ phụ nữ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. “Vườn xanh, nhà sạch”, “Không để đất trống của gia đình”... Các mô hình này góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập được 3 mô hình (“Ủ phân compost”, “Xách giỏ nhựa đi chợ”, “Phân loại rác tại hộ gia đình”) và đã hỗ trợ 100 cái thùng compost, 108 cái thùng rác nhựa và 280 cái giỏ nhựa cho các thành viên tham gia mô hình. Nhìn chung, các mô hình này hoạt động rất có hiệu quả, đảm bảo cho công tác BVMT, góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM
Rồi còn cả Hội LHPN tỉnh Trà Vinh với đẩy mạnh thực hiện mô hình "5 không, 3 sạch" tại xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí của xã NTM. Trong đó, tiêu chí "5 không" bao gồm: Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học và "3 sạch" là: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Việc làm thiết thực của mô hình đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn môi trường sạch, đẹp, từng bước tạo cho người dân thói quen phân loại rác và dùng chế phẩm sinh học để tiêu hủy rác thải ngay tại hộ gia đình; đồng thời cùng với chính quyền địa phương thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường; thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM tại địa phương…
Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng nhiều cách làm ý nghĩa, thiết thực, mang lại hiệu quả cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường với nhiều sáng tạo hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường như: Con đường từ nhà tới trường không rác thải; CLB Phụ nữ tình nguyện bảo vệ môi trường; chi hội, tổ phụ nữ văn minh; tuyến đường kiểu mẫu; xây dựng tiêu chí chấm điểm xếp loại xây dựng nếp sống ăn ở hợp vệ sinh hộ gia đình... góp phần tích cực trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” tại các địa phương. Xuất hiện các mô hình “Chi hội phụ nữ sống xanh” của Chi hội phụ nữ Cửa Ông, TP Cẩm Phả; Hội LHPN xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) với mô hình “ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh”, “biến rác thành tiền”…
Có thể thấy, phụ nữ đã chứng minh vai trò và vị trí không thể thiếu của mình trong phong trào bảo vệ môi trường sống trong xã hội hiện đại và là lực lượng quan trọng góp phần củng cố môi trường sống xanh, sống an toàn, góp phần xây dựng NTM hiệu quả, đô thị văn minh./.