(ĐCSVN) - Từ khi làm du lịch cộng đồng, diện mạo thôn Lô Lô Chải ngày càng khởi sắc, đời sống của bà con từng bước được cải thiện rõ nét. Hơn thế nữa, người dân Lô Lô ở điểm cực Bắc giờ đây đã quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và lấy đó làm thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng.
Đường vào Làng văn hóa Lô Lô Chải. |
Những ngày giáp Tết, khi sắc xuân ngập tràn trên khắp núi rừng Hà Giang, ngày càng có nhiều du khách tìm đến làng cổ Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) để trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Lô Lô. Được ví như “miền cổ tích” ở điểm cực Bắc của Tổ quốc, Lô Lô Chải giờ đây đã trở thành điểm đến không thể thiếu trên hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn.
Để đến được với Lô Lô Chải, chúng tôi đã có những trải nghiệm thực sự khó quên, đặc biệt là những cung đường đèo quanh co với một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là núi đá cao chót vót, cộng thêm những khúc cua tay áo liên hồi và “biển” sương mù dày đặc trong những ngày đầu năm ở cao nguyên đá Đồng Văn… Lô Lô Chải chào đón chúng tôi với khung cảnh bình yên, thơ mộng cùng sự nồng hậu, mến khách của những người dân nơi đây, khiến cho mọi mệt mỏi sau chặng đường dài dường như tan biến.
Nhiều bạn trẻ check-in bên hàng rào đá - nét kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao. |
Ngôi làng nhỏ nằm ngay dưới chân núi Rồng, chỉ cách cột cờ Lũng Cú chưa đầy 1km hiện là nơi sinh sống của khoảng 90% đồng bào dân tộc Lô Lô nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Đón chúng tôi tại Nhà văn hóa thôn, chị Vàng Thị Tiên (30 tuổi) hồ hởi hỏi han và nhanh chóng chỉ cho chúng tôi những địa điểm check-in nổi tiếng trong làng. Hơn một năm nay, kể từ khi làm quản lý homestay ở Lô Lô Chải, vợ chồng chị Tiên luôn tất bật với các hoạt động đón du khách như nấu ăn, dọn dẹp phòng nghỉ, giới thiệu văn hóa địa phương… Ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi của gia đình Tiên nay đã trở thành một trong những căn homestay xinh đẹp ở Lô Lô Chải thu hút rất đông du khách tới thăm quan, lưu trú.
Quán cà phê cực Bắc ngay giữa làng là một trong những điểm check-in nổi tiếng ở Lô Lô Chải. |
“Trước đây cuộc sống của gia đình em chỉ đủ ăn, thu nhập chỉ biết trông chờ vào nương rẫy. Sau mỗi vụ thu hoạch ngô, chồng em phải xuống dưới thị trấn Đồng Văn làm thợ xây để cải thiện thu nhập” - chị Tiên chia sẻ. “Từ khi biết làm du lịch, cuộc sống đỡ khó khăn hơn trước rất nhiều. Cả nhà ai cũng phấn khởi vì vừa có việc làm ổn định, vừa có thêm thu nhập, hơn nữa bây giờ trong làng còn có đường đi sạch sẽ, khang trang, lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp vì có nhiều khách đến thăm quan…”
Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, thôn Lô Lô Chải như được khoác áo mới với diện mạo đẹp đẽ và khang trang hơn. Dạo quanh làng, đâu đâu cũng thấy hoa, những biển hiệu hay góc nhỏ được trang trí xinh xắn, đường làng trải bê tông sạch sẽ, vườn tược được rào chắn, quy hoạch gọn gàng…
Ngôi làng nhỏ nằm ngay dưới chân núi Rồng, chỉ cách cột cờ Lũng Cú chưa đầy 1km hiện là nơi sinh sống của khoảng 90% đồng bào dân tộc Lô Lô. |
Cách người Lô Lô ở Lũng Cú làm du lịch giống như vẽ một bức tranh đầy màu sắc về văn hóa của dân tộc mình, vừa sinh động vừa hấp dẫn. Dấu ấn kiến trúc truyền thống vùng cao được bảo tồn nguyên vẹn qua những nếp nhà trình tường được đắp bằng đất nâu, mái ngói âm dương cổ kính cùng những hàng rào đá bao quanh nhà với từng viên đá được xếp thủ công khéo léo, tạo điểm nhấn trong không gian đậm đà bản sắc văn hóa của người Lô Lô.
Dấu ấn kiến trúc truyền thống vùng cao được bảo tồn nguyên vẹn. |
Để làm du lịch cộng đồng, các hộ dân trong làng đã cùng nhau tu sửa nhà cửa, công trình vệ sinh khép kín để đón khách nhưng vẫn giữ nguyên cách bày biện, trang trí đồ đạc và không gian sinh hoạt truyền thống nhiều năm nay.
Mọi đồ đạc trong nhà vẫn giữ nguyên cách bài trí truyền thống của người Lô Lô. |
Điều thích thú nhất ở Lô Lô Chải là được ở cùng các hộ dân, thoải mái khám phá, trải nghiệm văn hóa và thưởng thức ẩm thực địa phương như rượu ngô, mèn mén, thịt treo gác bếp, lẩu gà đen, bia tam giác mạch... Buổi tối ở Lô Lô Chải là thời điểm đông vui, nhộn nhịp hơn với nhiều hoạt động như đốt lửa trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa nghệ nhân địa phương với du khách lưu trú tại làng. Mọi thứ hòa quyện trong tiết trời se lạnh đặc trưng của vùng cao tạo nên cảm giác ấm cúng xen lẫn tự hào khi được có mặt tại mảnh đất xinh đẹp của vùng cao nguyên đá.
Điểm đặc biệt là người dân ở Lô Lô Chải vẫn giữ thói quen mặc trang phục truyền thống và cùng nhau gìn giữ, phát huy những phong tục, lễ hội truyền thống gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào qua bao thế hệ như lễ cúng tổ tiên, lễ mừng lúa mới, mừng nhà mới…
Chị Vàng Thị Tiên trong trang phục truyền thống của phụ nữ Lô Lô. |
Theo lời kể của chị Tiên, phụ nữ Lô Lô được dạy khâu vá, thêu thùa từ khi còn nhỏ, để đến lúc trưởng thành mỗi cô gái đều có thể tự may trang phục truyền thống cho mình. Giống như nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác ở vùng cao, trang phục của dân tộc Lô Lô khá độc đáo, rực rỡ sắc màu và được trang trí bằng những hoa văn cầu kì, phức tạp gắn liền với quan niệm, tín ngưỡng và văn hóa truyền thống. Sự tinh tế, tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ trên mỗi bộ trang phục được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự khéo léo, chu toàn của người phụ nữ Lô Lô. “Mỗi bộ trang phục được thêu hoàn toàn bằng tay đến lúc hoàn thiện thường mất khoảng 2 năm với giá thành dao động cho mỗi bộ trên dưới 15 triệu” - chị Tiên cho biết.
Nhiều năm trước, Lô Lô Chải từng là nơi hẻo lánh và lạc hậu, đời sống của bà con gặp không ít khó khăn. Với tiềm năng thiên nhiên sẵn có, bản sắc văn hóa độc đáo của người Lô Lô và sự quan tâm của chính quyền địa phương, Lô Lô Chải đang đổi thay từng ngày nhờ phát triển du lịch cộng đồng. Cũng nhờ đó, người dân Lô Lô ở điểm cực Bắc giờ đây đã quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và lấy đó làm thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng.
Mọi góc nhỏ ở Lô Lô Chải đều trở thành những điểm check-in hấp dẫn du khách. |
Có được sự chuyển biến tích cực ấy một phần là nhờ sự mạnh dạn đi đầu của trưởng thôn Sình Dỉ Gai. Anh Gai là người đầu tiên trong thôn tiếp cận và tự mày mò học hỏi cách phát triển du lịch cộng đồng. Năm 2011 gia đình anh Gai là một trong 3 hộ đầu tiên trong thôn được Đại sứ quán Luxumburg lựa chọn tài trợ làm mô hình du lịch cộng đồng. “Thật sự ban đầu mình rất lo, không biết làm thế nào, nhất là hồi đó còn chưa có điện thoại thông minh để quảng cáo trên Facebook, Zalo như bây giờ. Sau một thời gian thí điểm, trong khi 2 hộ kia không thành công, mình vẫn cố gắng kiên trì, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, tuy bắt đầu có khách nhưng nguồn thu thời điểm đó chưa đủ để thành sinh kế chính cho cả gia đình” - anh Gai chia sẻ.
Phải đến năm 2014, khi khách đông dần lên, anh Gai mạnh dạn sửa nhà cổ để đón khách nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc nhà trình tường truyền thống. Sau khi liên hệ, quảng bá thông qua các công ty du lịch ở TP Hà Giang, homestay của anh bắt đầu được nhiều người biết đến, có thêm nguồn thu từ du lịch, anh Gai tiếp tục cải tạo, đầu tư thêm một căn homestay nữa để nâng công suất phòng, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Đến nay, vào mỗi dịp cuối tuần cả hai căn homestay của gia đình anh hầu như luôn kín phòng.
Đến nay, vào mỗi dịp cuối tuần homestay của gia đình anh Gai hầu như luôn kín phòng. |
Thấy anh Gai làm du lịch cho thu nhập khá, nhiều hộ dân khác trong làng tìm đến học tập làm theo. Không chỉ tận tình chia sẻ kinh nghiệm, anh Gai còn trực tiếp đến từng hộ vận động bà con thay đổi một số tập tục lạc hậu, di dời chuồng trại xa nhà, sửa sang nhà vệ sinh sạch sẽ làm homestay đón khách. “Mình đến từng nhà, cùng ăn, cùng uống rượu, tuyên truyền, thuyết phục trực tiếp bên mâm cơm để bà con hiểu sâu sắc, chứ nếu tuyên truyền ngoài hội trường bà con sẽ không nghe theo” - anh cho biết.
Vườn tược được rào chắn, quy hoạch gọn gàng. |
Theo Trưởng thôn Sình Dỉ Gai, người Lô Lô trước đây chỉ biết làm bạn với cây ngô, cây lúa, cuộc sống rất khó khăn. Những năm gần đây, nhờ làm du lịch, kinh doanh homestay, đời sống bà con đã khấm khá hơn nhiều, nhận thức được nâng cao, lại có việc làm và thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm đáng kể. Từ khoảng 80% hộ nghèo vào năm 2011, đến cuối năm 2023 Lô Lô Chải chỉ còn trên 14% hộ nghèo (17 hộ). Thu nhập bình quân của mỗi hộ làm du lịch cộng đồng đạt khoảng 20 triệu đồng/tháng, trong khi trước đó thu nhập cả năm chỉ được khoảng 20-30 triệu.
Để hướng dẫn các hộ làm du lịch cộng đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí, tập huấn các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, nghiệp vụ nấu nướng, phục vụ khách du lịch… đồng thời tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cho các hộ bảo vệ môi trường, giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của người Lô Lô… Đến nay, trong số 119 hộ sinh sống trong thôn đã có 42 hộ cùng tham gia mô hình du lịch cộng đồng. Cứ thế, đều đặn mỗi sáng, Trưởng thôn Sình Dỉ Gai còn đến từng homestay để hỏi han, kiểm tra cách thức phục vụ của các hộ, phản hồi của khách lưu trú tại đây… Những hộ nào không làm dịch vụ lưu trú cộng đồng sẽ đăng ký với Trưởng thôn công việc theo thế mạnh của từng hộ như: trồng rau, nuôi lợn, gà, một số hộ trồng ngô, lúa để nấu rượu ngô; một số thì chuyên phục vụ nấu nướng… Giống như một vòng tròn khép kín, tất cả sản phẩm đầu ra của các hộ đều cung cấp cho homestay để khách cùng ăn cùng ở. “Làm như thế các hộ sẽ vừa có ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường, vừa có thêm thu nhập, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách du lịch” - anh Gai chia sẻ.
Du khách thích thú thử trang phục truyền thống của phụ nữ Lô Lô. |
Trưởng thôn Sình Dỉ Gai cho biết, nếu như trước đây Lô Lô Chải chỉ đông khách vào mỗi dịp nghỉ lễ, lễ hội thì đến năm nay, các homestay trong làng hầu như luôn “cháy phòng” vào thời điểm cuối tuần. Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm du lịch cộng đồng Lô Lô Chải được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3* cấp tỉnh; tiếp đó, năm 2022 Lô Lô Chải được UBND tỉnh công nhận Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã, một sản phẩm (OCOP). Nhờ cách làm du lịch bài bản, ý thức và tác phong chuyên nghiệp của mỗi người dân, thôn nghèo nơi biên cương trước đây nay đã trở thành điểm sáng về du lịch cộng đồng của cao nguyên đá Đồng Văn, không chỉ hấp dẫn với người dân trong nước mà còn thu hút rất đông du khách quốc tế. Với mức giá dao động từ 100.000 đến 500.000 đồng/người/đêm, năm 2023, Lô Lô Chải đón trên 12.300 du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú tại thôn, trong đó ước tính số tiền thu được từ dịch vụ nghỉ, ăn uống và mua sắm đạt trên 12.436 triệu đồng.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, hoạt động của làng văn hóa đang góp phần quan trọng bảo tồn bản sắc văn hóa, thúc đẩy du lịch, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Cùng với Lô Lô Chải, đến nay toàn tỉnh Hà Giang đã có 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng, một số làng đã và đang được vận hành, khai thác hiệu quả, thu hút nhiều du khách đến tham quan như: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm (Quản Bạ); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi (Mèo Vạc); Làng du lịch cộng đồng xã Du Già (Yên Minh)…
Sản phẩm du lịch cộng đồng đang được tỉnh xây dựng theo mô hình Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP theo Bộ tiêu chí của UBND tỉnh. Với những lợi thế riêng về cảnh quan tự nhiên, bản sắc văn hóa, kiến trúc truyền thống, tỉnh Hà Giang chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng như một giải pháp tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng đồng thời các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn và môi trường gắn với bảo tồn văn hóa. Hiện các sản phẩm văn hóa du lịch cộng đồng của Hà Giang tiếp tục được quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân rộng và trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo góp phần “định vị” thương hiệu du lịch Hà Giang trong những năm gần đây./.