Xuân về ở Pò Hèn
(ĐCSVN) - So với trước, cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) giờ đây đã có nhiều đổi mới. Những khó khăn của đồng bào đã giảm bớt nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng Bộ đội Biên phòng….
Thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn đang trở thành điểm du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn đối với nhiều du khách. Ảnh: Thái Cảnh. |
Một ngày đầu Xuân, trong chuyến công tác về xã biên giới Hải Sơn, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), chúng tôi đến thăm xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu của thành phố Móng Cái. Thực hiện chủ trương xây dựng điểm du lịch cộng đồng, thời gian qua, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ kinh phí để người dân di dời chuồng trâu, bò ra xa nhà, làm vệ sinh toàn bộ thôn xóm. Ngoài ra, để tạo điểm nhấn cho xóm họ Đặng trong việc làm du lịch cộng đồng, thành phố Móng Cái và xã Hải Sơn đã vận động các hộ dân đồng ý vẽ tranh tường; xây dựng, cải tạo cảnh quan đường liên xóm gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng của người dân địa phương.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay xóm họ Đặng và thôn Pò Hèn đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Từ một khu dân cư hẻo lánh, nơi đây đã chuyển mình với những bức tranh tường độc đáo nổi bật giữa không gian núi non trùng điệp. Ông Đặng Văn Chiến, ở xóm họ Đặng chia sẻ: “Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào người Dao. Nhờ phát triển kinh tế đồi rừng gắn với du lịch đã giúp bà con tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Như nhà tôi, ngoài diện tích vườn hơn 1.000 m2 trồng cây trà hoa vàng và một số loại cây ăn quả như mít, ổi kết hợp chăn nuôi lợn, gà theo mô hình kinh tế gia trại, tôi còn tham gia phục vụ du khách. Nhờ vậy, gia đình tôi đã có được thu nhập khá ổn định; có thêm điều kiện để lo cho các con ăn học nên người”.
Tìm hiểu được biết, không chỉ riêng thôn Pò Hèn mà các thôn khác trên địa bàn xã Hải Sơn đều đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Đến với Hải Sơn bây giờ, đường đất trước đây đã được thay bằng những con đường nhựa, đường bê tông. Xã biên giới khó khăn ngày nào nay đã dần thay đổi với những ngôi nhà kiên cố. Cảm giác xa xôi, cách trở khi về với thôn Pò Hèn nói riêng và xã Hải Sơn nói chung cũng đã được xóa mờ. Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền, điện lưới được kéo đến từng hộ, con đường mòn ngoằn ngoèo ven sườn núi từ Bắc Phong Sinh được nhựa hóa. Với sự đồng lòng, chung sức của cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng, chính quyền và đồng bào các dân tộc địa phương, đến nay gần 100% tuyến đường liên thôn, xóm đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân đã không ngừng được nâng lên. Từ đó, người dân yên tâm ổn định cuộc sống, quyết tâm bám đất, bám làng giữ gìn chủ quyền biên cương của Tổ quốc.
Theo đồng chí Vũ Tuấn Anh, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, đóng góp vào sự khởi sắc của địa phương, có phần công sức không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn. Để đồng bào từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ nhiều năm trước, Đồn đã cử lực lượng đến từng nhà, ra từng thửa ruộng vừa tuyên truyền, vận động vừa cầm tay chỉ dạy đồng bào cách trồng lúa nước, trồng cây trà hoa vàng, cách làm chuồng nuôi lợn, gà hay chăm sóc trâu bò… Những người lính mang quân hàm xanh còn giúp bà con xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên của Hải Sơn. Cùng với thời gian, đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Hải Sơn đã tự giác vươn lên, tích cực phát triển sản xuất, nỗ lực xây dựng quê hương.
Mô hình trồng ổi của người dân xã Hải Sơn do Đồn Biên phòng Pò Hèn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) hỗ trợ xây dựng. Ảnh: Hữu Việt. |
Hiện nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hải Sơn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy, UBND xã đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo người dân đẩy mạnh tổ chức sản xuất phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với phát triển dịch vụ - du lịch, tiếp tục phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh hướng tới sản xuất hàng hóa lớn và bền vững, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, chú trọng khuyến khích, hỗ trợ người dân sản xuất sản phẩm đặc sản của xã để phục vụ khách du lịch. Tiêu biểu là các sản phẩm nông - lâm nghiệp như: Ngan đen, lợn bản, trà hoa vàng, thuốc tắm, rượu sim… Đồng thời, khơi dậy, phát huy tinh thần tự giác, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; tranh thủ mọi nguồn lực nhất là các chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ vùng sản xuất tập trung… để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống người dân; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng xã Hải Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước năm 2025.
Trong cái lạnh đặc trưng của thời tiết vùng biên giới Đông Bắc Tổ quốc những ngày đầu năm, nét chung của các gia đình ở xã Hải Sơn đó là không khí vui xuân đón Tết vui tươi, ấm cúng, giản dị. Một năm mới đang về cùng cơ hội mới, khí thế mới. Với chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở cơ sở và sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng Bộ đội Biên phòng, sự nỗ lực vươn lên của người dân địa phương, tin tưởng thôn Pò Hèn nói riêng và xã Hải Sơn nói chung sẽ tiếp tục có những bước phát triển toàn diện, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương./.