Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xử phạt nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Thứ Hai, 15/08/2022 14:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, một trong những mục đích của việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là xử phạt nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng, giáo dục mọi người chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra…

Sáng 15/8, thực hiện chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Hành vi cản trở hoạt động tố tụng có xu hướng gia tăng 

Trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014, Luật Thủy sản số 18/2017/QH14, Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính). Theo đó, khoản 3 Điều 4 Luật này quy định “Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”. Như vậy Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm vụ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Bên cạnh đó, thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ trình bày Tờ trình tại phiên họp 

Theo Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Với những lý do trên, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết.

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, mục đích xây dựng Pháp lệnh là quy định thống nhất về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Đồng thời xử phạt nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng, giáo dục mọi người chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; bảo đảm quyền uy tư pháp, giữ gìn sự tôn nghiêm của Tòa án, sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Bổ sung quy định thẩm quyền xử phạt của UBND các cấp

Dự thảo Pháp lệnh quy định các hình thức xử phạt gồm: 02 hình thức xử phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền) và 01 hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính).

Về các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, dự thảo Pháp lệnh quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh tại 07 cơ quan gồm: Tòa án nhân dân (Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự), Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư.

Dự thảo Pháp lệnh không quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh tại 03 nhóm cơ quan, gồm: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương và các cơ quan có thẩm quyền điều tra trong Quân đội nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự; Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo Pháp lệnh cho biết, cơ quan này cơ bản tán thành với quy định nêu trên vì đã bảo đảm nguyên tắc phải phù hợp với quy định của Luật XLVPHC về các chức danh có thẩm quyền xử phạt. Đồng thời, phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực quản lý quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật XLVPHC và có cân nhắc đến tính đặc thù của hoạt động tố tụng. 

Riêng về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp, theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Uỷ ban Tư pháp có 02 loại ý kiến. Trong đó, đa số ý kiến thống nhất với Cơ quan soạn thảo, đề nghị không quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Bởi lẽ, hành vi cản trở hoạt động tố tụng tác động trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, vụ việc của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do đó, việc quy định chỉ các cơ quan này có thẩm quyền xử phạt là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó,  lĩnh vực hoạt động tố tụng là lĩnh vực đặc thù, khác với lĩnh vực quản lý nhà nước của UBND, do đó, nếu quy định Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ không phù hợp với nguyên tắc tại khoản 3 Điều 52 Luật XLVPHC  “Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương”.

Trong vụ án hành chính hoặc các vụ án có liên quan, Chủ tịch UBND các cấp có thể là đương sự tham gia tố tụng và nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng thì cũng là đối tượng bị xử phạt, do đó nếu giao thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND các cấp có thể dẫn đến mâu thuẫn, không thể hoặc không ra quyết định xử phạt đối với chính mình.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bổ sung đồng thời thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND các cấp đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Bởi cho rằng các hành vi vi phạm hành chính cản trở hoạt động tố tụng tuy tác động đến hoạt động tố tụng nhưng xét về bản chất đều ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước, thuộc phạm vi quản lý của UBND. Do đó, việc giao cho cả UBND có thẩm quyền xử phạt là phù hợp. 

Nếu không đồng thời giao thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND sẽ dẫn đến một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương có mức phạt tiền trên 20 triệu đồng đều phải chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an (vì Giám đốc Công an cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền phạt đến 20 triệu đồng), dẫn đến nhiều bất cập trong việc bảo đảm thời hạn chuyển biên bản và ra quyết định xử phạt theo quy định của Luật XLVPHC.

Sau khi nghe thảo luận, phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH thống nhất cơ bản với các quy định về xác định thẩm quyền, phân định thẩm quyền xử phạt và thống nhất bổ sung nội dung quy định giao Chủ tịch UBND thẩm quyền xử phạt đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng (có loại trừ). UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan phối hợp chặt chẽ hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh để trình xem xét thông qua, ban hành vào ngày 18/8./.

 

 

Minh Thư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN