Xử phạt - câu chuyện về ý thức và nguy cơ!
(ĐCSVN) - Sau hơn một tháng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, UBND Thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng Hà Nội đã xử phạt hành chính trên 30.880 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 với tổng số tiền trên 50,1 tỷ đồng. Điều này cũng cho thấy dịch COVID-19 còn rất nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng, nếu ý thức ,trách nhiệm của người dân không được nâng lên.
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: TC) |
Theo Công an Thành phố và lực lượng chức năng, các lỗi vi phạm của người dân chủ yếu là: không đeo khẩu trang, không thực hiện các biện pháp cách ly, ra khỏi nhà khi không có lý do cấp thiết… Đáng buồn và nguy hiểm là vẫn có rất nhiều trường hợp chủ quan, lơ là, coi thường sự lây lan của dịch bệnh. Còn có cả trường hợp ở nhà lâu ngày thấy gò bó nên ra ngoài, tìm cách trốn các chốt kiểm dịch để tập thể dục, đi chơi, tụ tập bạn bè ăn nhậu. Đáng chú ý hơn còn có cả những trường hợp bị phạt vì chống đối lại người đang làm nhiệm vụ với thái độ rất tiêu cực… Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng không thiết yếu cũng bị xử phạt do cố tình hoạt động trái quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể thấy, tổng số tiền xử phạt hành chính cùng số lượng trường hợp vi phạm đã phần nào phản ánh ý thức phòng, chống dịch của một bộ phận người dân. Hiện nay, giữa lúc dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, có thời điểm số ca mắc mới trên cả nước lên đến hơn 12.000 người/ngày; tại Hà Nội, số ca mắc mới mỗi ngày cũng dao động từ vài chục đến cả trăm trường hợp, thì việc vi phạm các quy định giãn cách xã hội là điều không thể chấp nhận được. Bình quân mỗi ngày đã có khoảng 650-750 người dân vi phạm quy định về giãn cách xã hội. Điển hình là chỉ trong thời gian 24 tiếng (từ 15 giờ ngày 24/8 đến 15 giờ ngày 25/8), toàn Thành phố xử phạt 1.237 trường hợp vi phạm giãn cách xã hội, với số tiền xử phạt hơn 1,9 tỷ đồng. Rõ ràng ở đây, tiền phạt hàng chục tỷ đồng không phải là nguồn thu mà xã hội mong muốn; ngược lại, số tiền phạt càng nhiều thì càng cho thấy tình trạng thiếu ý thức của một bộ phận người dân trong chấp hành các quy định về giãn cách xã hội. Giữa lúc cả hệ thống chính trị, cả xã hội đang “căng mình" chống dịch, các cấp, các ngành và toàn dân đang vào cuộc quyết liệt, khẩn trương thì việc vi phạm như trên có thể coi là biểu hiện của thái độ coi thường pháp luật, vô trách nhiệm trước sự an toàn của cộng đồng xã hội.
Tính đến ngày 26/8, đại dịch COVID-19 đang lan rộng trên 213 quốc gia, vùng lãnh thổ; tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trên thế giới đã có hơn 214 triệu người mắc bệnh, gần 4,5 triệu ca tử vong. Còn tại Việt Nam cũng đã ghi nhận gần 381,6 nghìn ca nhiễm, có hơn 9,3 nghìn ca tử vong. Các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng và siết chặt việc ra đường của người dân, song vẫn phát sinh nhiều ca mắc mới, nhất là các ca mắc trong cộng đồng. Trong bối cảnh này, việc tiếp tục có những cá nhân vô ý thức sẽ đồng nghĩa với nguy cơ lây lan dịch COVID-19 là rất lớn, có thể dẫn đến những hậu quả rất nặng nề.
Đến nay, để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Chính phủ buộc phải thực hiện các biện pháp mạnh khi liên tục đưa ra các quy định nhằm siết chặt tốc độ lây lan của dịch bệnh. Hiện đã có tới gần 1/3 số tỉnh, thành phố trên cả nước đang phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với mục đích nhà cách ly với nhà, người cách ly với người. Hàng nghìn doanh nghiệp đã phải tạm thời dừng sản xuất; hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân bị đình trệ. Hai trung tâm kinh tế lớn và sầm uất nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã phải tạm thời chuyển sang một trạng thái vận động chưa từng có.
Những ngày làm việc liên tục, các bác sĩ trẻ phải tranh thủ ngả xuống nơi bậc thềm để lấy sức. (Nguồn: vov.vn) |
Hơn một năm qua, đồng hành cùng Chính phủ, người dân cả nước đã thể hiện rõ sự quyết tâm bằng nhiều hành động cụ thể trên tinh thần phát huy sức mạnh đoàn kết. Khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, nhiều cá nhân đã không quản ngại khó khăn, phát huy tinh thần xung kích, chủ động viết đơn xin được đi vào vùng dịch hỗ trợ lực lượng chức năng; nhiều sinh viên học chuyên ngành y, dược tự nguyện tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân tại các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến nhằm nỗ lực hết mình cứu chữa các bệnh nhân; lực lượng tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm căng mình bảo vệ từng tuyến đường, con phố để đổi lấy sự bình yên cho nhân dân.
Trước nguy cơ lây lan của dịch COVID-19, mỗi cá nhân chỉ có thể thực sự an toàn khi cả cộng đồng an toàn. Ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân sẽ giúp vơi đi những vất vả, nguy hiểm cho mỗi gia đình và toàn xã hội. Phòng, chống dịch COVID-19 là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, nhưng trước hết đó là trách nhiệm của từng cá nhân, từng công dân cụ thể.
Trong hoàn cảnh như hiện nay, mỗi người dân cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và đặc biệt kiềm chế tối đa nhu cầu cá nhân, góp phần cùng Chính phủ và lực lượng chức năng chặn đứng nguồn lây của dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý, áp dụng hình thức xử phạt nghiêm, nặng để răn đe. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về những trường hợp bị xử phạt do cố tình vi phạm các quy định phòng, chống dịch; kịp thời thông báo về cơ quan, đơn vị, địa phương cư trú của cá nhân vi phạm... từ đó, nâng cao ý thức chấp hành của người dân./.