Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xử lý triệt để gian lận thi cử để lấy lại niềm tin của người dân

Thứ Năm, 30/05/2019 17:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 30/5 ở Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội. Một số ý kiến cho rằng, chỉ khi xử lý triệt để gian lận thi cử mới lấy lại niềm tin của người dân.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Nếu phúc tra, cả nước sẽ còn nhiều vi phạm

Đề cập gian lận thi cử, cử tri mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xử lý nghiêm, chỉ ra những thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi quốc gia những năm qua và người chịu trách nhiệm cụ thể, không thể nói hoàn toàn là lỗi địa phương vì không phải chỉ một mà là nhiều địa phương phát hiện gian lận thi cử trong kỳ thi vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu, mỗi năm một lần, Bộ thay đổi cách thức thi tốt nghiệp THPT, nhưng càng cải cách kết quả càng kém hơn, nhiều tiêu cực bị phát hiện hơn. 3 năm qua, Bộ chưa có tập huấn, chỉ đạo các tỉnh về kẽ hở của khâu chấm thi, không có biện pháp ngăn chặn, phần mềm chấm môn tự luận lỏng lẻo, bài thi trắc nghiệm không rọc phách, dùng bút chì để khoanh. Bộ không đánh giá về kết quả thi hằng năm của các tỉnh, thành phố, tỷ lệ điểm, nếu phân tích kết quả không thể không đặt dấu hỏi vì sao nhiều tỉnh miền núi điểm khá, giỏi lại cao hơn Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh.

Nếu phúc tra cả nước, sẽ còn nhiều hơn vi phạm trong kỳ thi vừa qua. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân. Có như vậy, trong tương lai các thử nghiệm của Bộ GD&ĐT tạo về quy trình thi cử nói riêng và trong hệ thống giáo dục nói chung mới bảo đảm tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả.

Trong giáo dục, việc đánh giá kết quả là hết sức quan trọng. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã có rất nhiều cải cách, nhưng theo đại biểu phương pháp là chưa đúng. Trong phiên thảo luận về giáo dục, nhiều người đã bàn về triết lý giáo dục, trước mắt chúng ta cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất đơn giản nhưng cần thiết lúc này là một nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm giáo dục hoàn hảo khi chúng ta chấp nhận nói dối từ những năm đầu tiên các con cắp sách tới trường.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận): Bộ GD&ĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại mà sai phạm đó mang lại

Tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp này, rất nhiều cử tri đã có ý kiến phàn nàn về chất lượng giáo dục, về bệnh thành tích cũng như tiêu cực trong giáo dục. Điều đó cho thấy người dân không những không yên tâm mà còn mất niềm tin với giáo dục. Thử hỏi rằng rồi nền giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu khi mà hiện trạng giáo dục như vậy? Tiêu cực trong giáo dục khá nặng nề, cộng với thị trường văn bằng chứng chỉ giả rất sôi động. Vừa rồi Công an Hà Nội bắt có một vụ thôi mà đã thu được cả tấn phôi bằng.

Quay lại với sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đại biểu dám chắc Bộ GD&ĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại mà sai phạm đó mang lại. Nó khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà. Là người tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng và tiến hành nhưng Bộ không kiểm soát được tình hình. Ngay cả sai phạm khi xảy ra cũng không phải Bộ phát hiện mà do một nhóm các thầy giáo ở Hà Nội phát hiện, tố giác rồi Bộ mới vào cuộc. Nhưng điều đáng nói hơn là khi làm rõ được sai phạm thì việc công khai danh tính của những học sinh và phụ huynh liên quan cũng không được Bộ có chính kiến rõ ràng, vì cho rằng nào là nhạy cảm, nào là nhân văn, nhưng tất cả những mất mát lớn nhất của vụ việc này là mất đạo đức xã hội.

Theo đại biểu, chỉ khi xử lý triệt để vụ này thì mới lấy lại niềm tin của người dân và để người dân tin rằng đất nước này vẫn còn pháp luật. Sau sai phạm năm 2018, Bộ đang nỗ lực cải tiến kỳ thi năm 2019 nghiêm túc và an toàn, nhưng ai dám bảo đảm sai phạm đó sẽ không xảy ra?

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN