Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xử lý sai phạm và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học

Thứ Ba, 06/08/2019 09:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sau khi Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô cùng một số cán bộ trường này bị khởi tố về tội “Giả mạo trong công tác”, vấn đề dư luận quan tâm đây là quyền lợi chính đáng của sinh viên học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh tại trường này sẽ được giải quyết thế nào?

Ngày 30/7/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô; Trần Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương là cán bộ trường Đại học Đông Đô.

 

 
Các bị can: Dương Văn Hòa (bìa trái), Trần Ngọc Quang (giữa) và Phạm Vân Thùy.
(Ảnh: Bộ Công an)

Theo thông tin ban đầu, cơ quan điều tra xác định một số người không thi tuyển, không tham gia học tập tại trường nhưng đã bỏ tiền ra để được nhận văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Các bị can hợp thức hóa hồ sơ để cấp bằng cho học viên trong thời gian ngắn. Việc cấp bằng đại học mà không thực hiện thủ tục tuyển sinh, không đào tạo như vậy là hành vi được xác định là làm, cấp giấy tờ giả. Đây cũng là căn cứ để cơ quan chức năng tiến hành khởi tố các đối tượng nêu trên về tội “Giả mạo trong công tác”. Theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự, các đối tượng có thể bị phạt tù từ 01 - 05 năm hoặc từ 12 - 20 năm, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Đồng thời, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Cùng với việc sớm điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nói trên, dư luận cũng cho rằng cần xem xét và có hướng giải quyết quyền lợi chính đáng của những sinh viên “học thật, thi thật” tại trường Đại học Đông Đô. Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, các học viên học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh của trường Đại học Đông Đô có thể chia làm hai nhóm: nhóm không thi tuyển và nhóm các sinh viên, học viên “học thật, thi thật”.

Luật sư Đỗ Xuân Đang, Công ty Luật TNHH Harvard - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ, có thể thấy, nhóm những người không tham gia thi tuyển, không tham gia học tập mà bỏ tiền ra để được nhận bằng tốt nghiệp thì cả học viên lẫn cán bộ nhà trường đều có sai phạm. Trường hợp này cần xử lý nghiêm minh và thu hồi toàn bộ bằng cấp, chứng chỉ đã cấp. Các giấy tờ này có thể bị hủy bỏ theo quy định.

Đối với nhóm này, những học viên đã bỏ tiền ra để được cấp bằng theo hình thức “mua - bán” cũng cần phải xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Nếu họ biết là bằng cấp giả mà vẫn sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng thì hành vi này có thể xử lý về tội làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan Nhà nước, quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Còn trường hợp những người này không nhận thức và không biết được đó là bằng cấp giả, chưa sử dụng vào mục đích lừa dối cơ quan chức năng thì hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của nơi họ công tác, hoặc phạt hành chính và thu hồi số tiền đã bỏ ra để mua bằng?

Luật sư Đỗ Xuân Đang, Công ty Luật TNHH Harvard - Đoàn Luật sư TP Hà Nội. (Ảnh: QM)

Cũng theo Luật sư Đỗ Xuân Đang, đối với nhóm thứ hai là các học viên tham gia thi tuyển sinh, tham gia học tập đào tạo theo đúng nội dung, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã thi tốt nghiệp. Những học viên này phải được đảm bảo quyền lợi, phải được xem xét cấp bằng theo đúng quy định. Những học viên này tham gia thi tuyển, tham gia học tập đào tạo là hoàn toàn công khai, đúng thủ tục, quy trình giáo dục, họ không biết được những sai phạm khác của cán bộ nhà trường. Do đó, cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo đảm quyền lợi chính đáng cho họ.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, Luật sư Nguyễn Quốc Hùng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, nguyên tắc quan trọng của pháp luật khi xem xét, xử lý mọi hành vi vi phạm đó là ai sai phạm đến đâu phải chịu trách nhiệm pháp lý đến đó. Vì vậy, đối với các sinh viên, học viên thuộc nhóm "học thật, thi thật", trường hợp đã được cấp bằng (văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh) thì tấm bằng đó vẫn có giá trị pháp lý theo quy định. Những học viên, sinh viên đã học, đã thi tốt nghiệp theo quy định nhưng chưa được cấp bằng, thì trường Đại học Đông Đô, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét phân loại và sớm cấp bằng hợp pháp cho họ.

Chia sẻ với báo chí về quyền lợi của người học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh tại trường Đại học Đông Đô, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng khẳng định, những người học thật, thi thật, đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện tuyển sinh đầu vào, điều kiện đầu ra, quá trình tổ chức quản lý đào tạo đúng quy chế, có hồ sơ lưu minh chứng đầy đủ thì nhà trường phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học.

Hiện nay, các đối tượng có liên quan đã bị khởi tố, vụ việc đang trong giai đoạn điều tra, nên cần phải chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền. Đó sẽ là căn cứ để trường Đại học Đông Đô, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án xử lý phù hợp với các quy định hiện hành trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của những học viên, sinh viên đã “học thât, thi thật”./.

Quang Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN