Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc

Thứ Sáu, 24/11/2023 14:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) bày tỏ nhất trí cần phải quy định các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

 Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. Ảnh: QH
Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28

Cho ý kiến về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, dự án luật trình Quốc hội lần này có những quy định về mở rộng đối tượng tham gia theo tinh thần của Nghị quyết số 28 và phù hợp với Bộ luật lao động năm 2019, trong đó có nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ một tháng trở lên thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

“Tuy nhiên quá trình triển khai trên thực tế cần có những điều chỉnh và có thể cân nhắc để bảo đảm tính tương thích, khả thi khi quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là đối với nhiều dự án, công trình cụ thể ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, nơi có ít nhà máy, công ty…, ít có điều kiện để người lao động có thể làm việc dài hạn, khi triển khai, người sử dụng lao động phải huy động lao động nông nhàn theo mùa vụ và theo quy định phải đóng bảo hiểm xã hội cho họ”, đại biểu Trần Thị Hiền cho biết.

Theo đại biểu, việc tham gia cũng trên cơ sở ở mức lương không cao do chủ yếu làm các công việc đơn giản, hoạt động chân tay từ 03 đến 06 tháng. Khi dự án, công trình kết thúc, người lao động lại quay trở về với công việc đồng áng thường ngày và gần như rất ít có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia thị trường lao động để có thể đóng bảo hiểm xã hội, kể cả là tham gia bảo hiểm tự nguyện.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc để có thể phân loại và quy định thêm một số điều kiện để cho phép một số trường hợp cụ thể nên trao quyền cho người lao động được lựa chọn việc nhận tiền công bao gồm cả phần bảo hiểm xã hội để thu nhập được tốt hơn thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Để người lao động phải chuẩn bị từ sớm, từ xa khi tuổi già

Phát biểu tranh luận tại Hội trường, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông chia sẻ trước những băn khoăn của các đại biểu về các phương án bảo hiểm xã hội một lần và phản ứng của người dân. Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng bảo hiểm xã hội là chỗ dựa rất cơ bản của người lao động khi tuổi cao, sức yếu và không thể làm ra của cải vật chất để nuôi mình.

Thực tế hoàn cảnh của mỗi gia đình là khác nhau, không phải ai cũng có chỗ dựa vững chắc và người thân, gia đình khi về già. Vì thế, Nhà nước cần có một giải pháp để đảm bảo và quy định mang tính nguyên tắc, định hướng, thậm chí là quy định bắt buộc để người lao động phải chuẩn bị từ sớm, từ xa khi tuổi già của mình và không để là một gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng ở đây phải tác động mạnh bằng chính sách, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, tạo niềm tin vững chắc cho người lao động.

Do đó, đại biểu nhất trí với đề xuất của đại biểu Tô Văn Tám và đại biểu Phạm Văn Hòa về việc được rút phần do người lao động đóng, phần do người sử dụng lao động đóng thì giữ lại sau này cho người lao động để hưởng lương hưu.

Trợ cấp hưu trí xã hội là quy định nhân văn, đáp ứng mong muốn của cử tri

Quan tâm tới quy định về trợ cấp hưu trí xã hội tại Chương III dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi quy định người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được hưởng chính sách bảo trợ xã hội.

Dự thảo Luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Đại biểu nhận thấy đây là một quy định hết sức nhân văn, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri. Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri, nhất là người cao tuổi rất phấn khởi với quy định trên.

Các ĐBQH thảo luận tại Hội trường về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Ảnh: QH 

Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, hoàn thiện luật để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, không chỉ khắc phục những bất cập của quy định pháp luật mà còn thể hiện điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ngày càng đi lên của đất nước. Vì vậy, đại biểu bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Luật khi bổ sung chính sách trợ cấp, tiêu chí xã hội....

Về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu bày tỏ nhất trí cần phải quy định các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tuy nhiên, trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bên cạnh hành vi chưa nộp hoặc nộp hồ sơ sau thời hạn như dự thảo quy định thì vẫn còn yếu tố trốn đóng. Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội nêu rõ, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên. Như vậy, một trong các yếu tố cấu thành tội trốn đóng bảo hiểm xã hội là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cần thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và thuận lợi cho các cơ quan trong quá trình xem xét, xử lý hành vi trốn đóng./.

Khôi Nguyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN