Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xử lý nghiêm những trường hợp trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế

Thứ Tư, 20/09/2023 09:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng tăng và đang tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Điều này đồng nghĩa người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, tiết kiệm tài chính khi đi khám chữa bệnh…

Nỗ lực, quyết tâm đạt chỉ tiêu Quốc hội giao

Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10. Tại phiên họp này, Uỷ ban Xã hội đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2022; kết quả thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân từ năm 2021 - 2022

 Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Uỷ ban Xã hội

Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 cho thấy, giai đoạn 2021-2022, diễn ra đại dịch COVID-19 tác động và ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế- xã hội, đời sống nhân dân dẫn đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT cũng phát sinh nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến việc phát triển người tham gia BHYT. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng, việc thực hiện chính sách BHYT được tiếp tục duy trì và đạt được các kết quả tích cực. Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 88,8 triệu người vào năm 2021 (gấp 12,5 lần). Năm 2022 số người tham gia BHYT đạt trên 91,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số- vượt 12,04% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 68/2013/QH13. Đến hết năm 2022, toàn quốc có 63/63 tỉnh đã kiện toàn, thành lập BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn và 61 tỉnh đã đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào Nghị quyết về phát triển kinh tế.

Đồng tình với báo cáo Chính phủ, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định, đạt được kết quả trên là do đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia BHYT đã góp phần tăng số lượng người tham gia. HĐND, UBND các cấp đã đưa chỉ tiêu tham gia BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm, triển khai các biện pháp để mọi người dân tham gia BHYT, mở rộng diện bao phủ BHYT, kiểm soát sử dụng quỹ BHYT và tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHYT tại địa phương, hỗ trợ đối tượng tham gia BHYT. Đa số các tỉnh đã bố trí hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho các nhóm đối tượng ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước. 

Năm 2022, toàn quốc có 57/63 tỉnh đã bố trí được ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho các nhóm đối tượng, còn 6/63 tỉnh chưa triển khai hỗ trợ (Cao Bằng, Đắk Nông, Quảng Nam, Tây Ninh, Vĩnh Long, Yên Bái. Ngoài ra, một số tỉnh khác còn có chính sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT là NCT (dưới 80 tuổi), người thu gom rác… “Những kết quả này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Quốc hội giao năm 2022 mà còn tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển BHYT lộ trình đến năm 2025 theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng”- ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội khẳng định.

Giải trình ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai về số người tham gia BHYT đầu năm giảm nhưng cuối năm lại tăng và hoàn thành chỉ tiêu giao; giải pháp để năm 2025 đạt 95% người dân tham gia BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, cuối năm và sang đầu năm mới thường việc tham gia BHXH, BHYT của các đơn vị hầu như không tuân thủ đúng quy định cho nên hệ thống trên phần mềm tự động cắt hoặc gia hạn nếu lao động đóng hoặc không đóng tiền tiếp. Hàng quý, hằng năm giao các chỉ tiêu và cuối năm thường các địa phương tăng tốc để hoàn thành chỉ tiêu. Năm 2025, Quốc hội giao chỉ tiêu bao phủ đạt 95% dân số và hiện nay cả nước đã đạt trên 92% dân số tham gia BHYT. Để đạt được tỷ lệ này, BHXH Việt Nam quyết liệt thực hiên 6 giải pháp. Cụ thể, đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền đến tận cụm dân cư; cả hệ thống chính trị đã quan tâm chỉ đạo thể hiện bằng giao các chỉ tiêu về bao phủ BHYT cho cấp huyện và đến tận cấp xã vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hằng năm; tất cả 63 tỉnh đều thành lập BCĐ ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và Chủ tịch UBND các cấp làm trưởng BCĐ, trong đó giám đốc cơ quan BHXH làm phó ban- thực hiện hiệu quả; khi Nghị định 116 được sửa thì nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc theo tác động của Quyết định 861 được hỗ trợ 70% mức đóng trong vòng 3 năm thì hơn 2 triệu người dân tại vùng này sẽ tham gia BHYT; nhiều tình đang sử dụng ngân sách địa phương đang hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT như Hải Dương hỗ trợ cho NCT từ 65 tuổi trở lên; BHXH Việt Nam chỉ đạo các tỉnh giao chỉ tiêu cho cán bộ thu về thực hiện chỉ tiêu bao phủ. “Đây là những giải pháp thực hiện thiết thực để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao, đặc biệt với các giải pháp này có khả năng hoàn thành chỉ tiêu. Tuy nhiên, càng ngày thực hiện chính sách BHYT càng khó hơn, tiệm cận dần độ cao nhất sẽ rất khó song ngành BHXH sẽ hết sức cố gắng để hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao”- ông Hòa nhấn mạnh.

Kiên quyết xử lý những trường hợp trục lợi quỹ BHYT

Cùng với số người tham gia, quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng BHYT được đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Năm 2022, toàn quốc đã chi trả cho hơn 10,9 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 151,4 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú. Hàng ngàn người được quỹ chi trả chi phí KCB lên tới hàng trăm triệu đồng, đặc biệt, có những bệnh nhân được quỹ chi trả với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, quỹ BHYT đã cùng NSNN góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả, tiếp tục khẳng định vai trò vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội.  

Cùng với đó, việc đấu thầu thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh BHYT trong thời gian qua đã bảo đảm công khai, minh bạch và cải cách TTHC; ưu tiên sử dụng thuốc trong nước có chất lượng, giá hợp lý và tăng cường hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho quỹ BHYT cũng như người dân. Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương tăng từ 106 thuốc lên thành 129 thuốc; danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia tăng từ 05 thuốc lên thành 50 thuốc; danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá tăng từ 04 thuốc lên thành 701 thuốc (thuốc biệt dược gốc và thuốc có từ 01 đến 02 nhà sản xuất) nhằm mục đích thống nhất giá các mặt hàng thuốc có giá trị sử dụng lớn, thuốc biệt dược gốc và có từ 01 (một) đến 02 (hai nhà sản xuất).

Mặt khác, BHXH Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan BHXH, đã kết nối liên thông 100% giũa ngành y tế và BHXH; 1.356 bệnh viện các tuyến; 710 trung tâm y tế cơ quan xí nghiệp và 11.105 Trạm y tế xã, phường trên cả nước với nhau; đã có 99,5% các cơ sở KCB trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam. Như vậy, năm 2022, tỷ lệ liên thông dữ liệu đạt 97,98%; tỷ lệ liên thông dữ liệu đúng ngày đạt 93,45% (tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước).

Trả lời ý kiến các đại biểu về xử lý tình trạng trục lợi quỹ BHYT, đại diện Bộ Y tế cho biết, xử lý vi phạm trong trục lợi BHYT không chỉ dừng hợp đồng khám chữa bệnh với cơ sở y tế mà việc này đã được xử lý cả về hình sự; các nội dung khác liên quan đến kỷ luật cũng như dừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, treo thanh toán chi phí BHYT. Song Bộ Y tế thấy phải tăng cường xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vấn đề trục lợi quỹ BHYT. Bởi vì có những việc phải xử lý hình sự thì đương nhiên sẽ xử lý, nhưng những việc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến trốn đóng, chậm đóng BHYT, lạm dụng quỹ BHYT thì tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính cần tăng cường bên cạnh việc BHXH Việt Nam kiểm tra, kiểm soát; những hành vi nào không thuộc khám chữa bệnh thì kiến nghị Sở Y tế xử phạt vi phạm hành chính theo quy định Nghị định 115, 117, 124; còn những hành vi nào vi phạm về hợp đồng khám chữa bệnh BHYT sẽ có những giải pháp kiến nghị và thể chế trong Luật BHYT (sửa đổi) tới đây./.

 
TG

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN