Xử lý nghiêm “ma men” chống người thi hành công vụ!
(ĐCSVN) – Những ngày gần đây báo chí truyền thông liên tục thông tin những vụ tài xế tham gia giao thông có nồng độ cồn chống người thi hành công vụ. Dư luận cho rằng cần lên án và xử nghiêm những hành vi bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng của người tham gia giao thông, nhất là cảnh sát giao thông đang thực thi công vụ.
Hình ảnh tài xế tăng ga, hất CSGT lên nắp capo để bỏ chạy. Ảnh: VTC News |
Những vụ việc vi phạm điển hình của “ma men”
Như tin đã đưa, khoảng 7h10 ngày 27/8/2022, Điêu Mạnh C, 36 tuổi lái ôtô vượt đèn đỏ ở ngã tư Lê Trọng Tấn - Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội. Bị tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội ra hiệu lệnh dừng xe, C không chấp hành, cố thủ trong xe.
Để tránh tắc đường giờ cao điểm, cảnh sát yêu cầu lái xe lên phía trên thì bất ngờ C bước xuống, đánh vào một chiến sĩ trong tổ công tác. Ngay sau đó Điêu Mạnh C bị tạm giữ, đưa về trụ sở Công an phường Phú La.
Ngày 19/9/ 2022, Điêu Mạnh C bị Công an quận Hà Đông khởi tố, tạm giam để điều tra tội Chống người thi hành công vụ, theo điều 330 Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp tiếp theo tại Vĩnh Yên, khoảng 13h ngày 24/12/2022, Nguyễn Văn L đang lái ôtô 5 chỗ trên đường Tô Hiến Thành thì bị tổ cảnh sát giao thông của Công an TP Vĩnh Yên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, L không chấp hành, lái xe bỏ chạy và hất văng một cảnh sát giao thông lên capô.
Khi đến ngã tư Hùng Vương - Tô Hiến Thành, L mới dừng xe khi bị chặn đầu. Cuộc tháo chạy khiến cảnh sát giao thông bị thương nhẹ, kính chắn gió ôtô vỡ nứt.
Kiểm tra nồng độ cồn sau đó, cảnh sát xác định Nguyễn Văn L vi phạm ở mức 0,056 mg/lít khí thở, xe cũng đã hết hạn kiểm định từ ngày 22/12.
Ngày 25/12/2022, tại Vĩnh Phúc , tài xế Nguyễn Văn L, 47 tuổi, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lập Thạch, bị Công an TP Vĩnh Yên tạm giữ hình sự để làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ.
* Khuya 06/2/ 2023, anh Quách Văn Trường (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lào Cai) cùng tổ công tác chốt giữ trên quốc lộ 4E, đoạn qua TP Lào Cai, phát hiện Kiều Tiến T, 29 tuổi, lái xe máy có dấu hiệu vi phạm nên ra lệnh dừng xe. Cảnh sát cáo buộc anh T không chấp hành hiệu lệnh, tăng ga đâm khiến chiến sĩ Trường ngã xuống đường, gây chấn thương nứt hộp sọ được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe T có nồng độ cồn 0,303 mg/lít khí thở. Hiện người này bị tạm giữ để giám định nồng độ cồn, ma túy trong máu, xem xét hành vi chống người thi hành công vụ.
Trước đó chiều 5/2/2023, tổ cảnh sát giao thông Công an huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tuần tra trên đường đê sông Hồng, đoạn qua xã Vĩnh Tịnh, ra hiệu lệnh dừng ôtô bốn chỗ do ông Cao Văn L, 65 tuổi, cầm lái để đo nồng độ cồn.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khi đến gần tổ công tác, ông L giảm tốc độ, quay đầu xe chạy ngược chiều. Ba cảnh sát tiếp cận, yêu cầu tài xế chạy đúng chiều và chấp hành đo nồng độ cồn.
Tài xế L trình bày đi nhầm đường, sau đó tiếp tục chạy ngược chiều về hướng cảnh sát Nguyễn Danh Nam, buộc chiến sĩ này bám trên capo để tránh va chạm. Bỏ chạy khoảng 2 km, tài xế L đâm vào một xe máy đi cùng chiều, hất cảnh sát Nam xuống đường. Đến 15h cùng ngày, ông L đến Công an huyện Vĩnh Tường trình diện, khai nhận hành vi vi phạm. Hiện ông này bị tạm giữ về hành vi chống người thi hành công vụ.
Chiều 16/2, tại Hà Nội trên phố Lê Văn Lương hướng đi Tố Hữu, tài xế Nguyễn Mạnh H, 43 tuổi bị tổ công tác Y3/141 yêu cầu dừng ôtô để kiểm tra nồng độ cồn.
Nhà chức trách cáo buộc, sau khi dừng xe, H không chấp hành yêu cầu kiểm tra và chửi bới, xô đẩy cảnh sát. Tài xế 43 tuổi hất văng mũ, ghì cổ một cảnh sát giao thông và dùng chân đá vào mặt một cảnh sát hình sự.
Nồng độ cồn của H khi kiểm tra nhanh cho kết quả 0,442 mg/l khí thở (cao hơn mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất).
Ngày 17/2, H bị Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội bàn giao cho Công an quận Thanh Xuân để xác minh hành vi chống người thi hành công vụ.
Tiếp đó tại Hà Nội, khoảng 20h35 ngày 26/2/2023, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, chăng dây, đặt cảnh báo mềm kiểm tra nồng độ cồn trên phố Trần Nhật Duật (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm). Phát hiện ôtô bốn chỗ có dấu hiệu nghi vấn, cảnh sát ra tín hiệu dừng xe kiểm tra.
Tài xế cho xe đi chậm về phía chốt kiểm soát, đến vị trí yêu cầu thì lạng lách. Khi bị bốn cảnh sát đứng phía trước chặn đầu, tài xế đẩy nhóm cảnh sát đi lùi khoảng 10 m, sau đó quay đầu xe bỏ chạy về hướng ngược lại.
Chạy được khoảng 30 m, tài xế bị khống chế. Cảnh sát xác định tài xế tên Nguyễn Đức T, 32 tuổi, trú phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Tại thời điểm kiểm tra, anh này có nồng độ cồn 0,126 mg/lít khí thở. Công an quận Hoàn Kiếm đang điều tra sự việc.
Tại Đồng Nai, tối 26/2, tổ công tác gần 20 người bao gồm Cục CSGT (Bộ Công an), Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp kiểm tra chuyên đề đo nồng độ cồn người tham gia giao thông trên đường Võ Thị Sáu, TP Biên Hòa. Thấy một thanh niên đi xe máy có dấu hiệu nghi ngờ, tổ công tác ra hiệu lệnh dừng để kiểm tra.
Nhà chức trách cho hay, nam tài xế không chấp hành, phóng xe vượt qua hai cảnh sát giao thông rồi va chạm với đại úy Lê Ngọc Bảo Châu khiến anh ngã xuống đường. Lực lượng làm nhiệm vụ đã không truy đuổi người đi xe máy đang lao rất nhanh mà tập trung sơ cứu đưa đại úy Lê Ngọc Bảo Châu bị gãy chân vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM. Hiện từ dữ liệu camera an ninh, Công an thành phố Biên Hòa đang truy tìm nam tài xế này.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho biết sẽ phối hợp với các lực lượng liên quan củng cố hồ sơ, xử lý hình sự người tham gia giao thông có hành vi chống đối, lăng mạ những người làm nhiệm vụ.
Văn hóa giao thông “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”
Qua những vụ việc điển hình nêu trên cho thấy hành vi chống người thi hành công vụ của các đối tượng “ma men” ngày càng manh động, trắng trợn, liều lĩnh, thậm chí quyết chống đối đến cùng. Các đối tượng vi phạm không chỉ chống người thi hành công vụ để ngăn chặn việc xử lý mà đôi khi còn chủ động khiêu khích tấn công lại lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, hành vi phạm tội thường rất côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật. Đáng lưu ý, một số người dân, thanh thiếu niên có thái độ thiếu tôn trọng, chống đối, có trường hợp các đối tượng vừa chống đối vừa lôi kéo người khác cùng tham gia, vừa tìm cách làm mất uy tín của lực lượng thi hành công vụ.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, tình trạng chống người thi hành công vụ nguyên nhân do một bộ phận người dân thiếu hiểu biết pháp luật, bị các đối tượng xấu lôi kéo, nhiều thanh thiếu niên do không được gia đình, nhà trường và xã hội quản lý, giáo dục tốt, nên khi vi phạm bị xử lý thường có thái độ bất hợp tác, chống đối. Do quy định của pháp luật đối với tội phạm chống người thi hành công vụ chưa nghiêm còn nhiều kẽ hở để các đối tượng phạm tội lợi dụng.
Theo đó, để xử lý nghiêm các trường hợp nhất là các “ma men” vi phạm, lãnh đạo Cục cảnh sát giao thông Bộ Công an cho biết sẽ tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, tập trung vào thành phố lớn, các khu công nghiệp, du lịch, nơi có nhiều khả năng người dân vi phạm. Trong đó chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không được giải quyết bất cứ trường hợp nào can thiệp, xin bỏ qua lỗi vi phạm; ngoài việc xử phạt theo quy định của pháp luật sẽ thông báo về cơ quan, đơn vị các trường hợp cán bộ công chức, viên chức vi phạm sử dụng rượu bia rồi vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông để xử lý theo quy định kỷ luật công chức, viên chức tại nơi làm việc.
Song lãnh đạo Cục cảnh sát giao thông Bộ Công an cho rằng, nếu không giải quyết được gốc rễ của vấn đề là ý thức của người điều khiển phương tiện thì việc cảnh sát giao thông ra quân dù quyết liệt tới đâu cũng chỉ mang tính xác suất, giải quyết được phần ngọn.
Do đó rất cần các ngành chức năng và chính quyền các cấp, gia đình, nhà trường và xã hội cùng phối hợp vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Đồng thời nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công nhân viên và người dân khi điều khiển xe phải chấp hành nghiêm túc pháp luật về TTATGT, không vi phạm nồng độ cồn, từ đó góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, xây dựng văn hóa “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”.
Đối với lực lượng cảnh sát giao thông, tăng cường tuyên truyền các quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, dán logo “Đã uống rượu, bia – Không lái xe” trên các phương tiện cơ giới (mô tô, xe máy) của toàn thể cán bộ nhân viên làm việc tại các trung tâm thương mại, siêu thị; các nơi công cộng, trạm chờ xe buýt và chiếu video truyên truyền về phòng chống tác hại rượu bia, mức xử phạt, khuyến cáo tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia trên các màn hình lớn của các tuyến đường đông dân cư.
Đồng thời, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và lên án mạnh mẽ hành vi chống người thi hành công vụ; đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; nâng cao ý thức phát hiện, tố giác tội phạm, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng chức năng giải quyết các vấn đề gây rối trật tự trên địa bàn; kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng và những người thực thi công vụ./.