Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xử lý giảm thiểu tác hại của nước thải sinh hoạt đến môi trường sống và sức khỏe của con người

Thứ Năm, 24/08/2023 11:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Nước thải sinh hoạt là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.Do đó, xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay là điều quan trọng đối với con người và môi trường tự nhiên.

Sự phát triển của xã hội dẫn đến nhiều tổ hợp khu dân cư, các khách sạn, nhà hàng mọc lên ngày càng nhiều nhằm đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nguồn nước thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường ngày càng lớn. Bởi vậy, nếu không được xử lý kịp thời, các nguồn nước thải này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và cuộc sống của con người, gây nên nhiều hệ lụy không nhỏ trong tương lai.

Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cần quy mô và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật

Cụ thể, nước thải sinh hoạt là nguồn nước được thải ra từ những hoạt động thường ngày của con người và chủ yếu được bắt nguồn từ các hộ gia đình, cơ quan, bệnh viện, trường học, khu đô thị, nhà máy sản xuất...Nước thải sinh hoạt bị đánh giá là có nồng độ ô nhiễm cao, chứa nhiều chất bẩn độc hại, thuốc trừ sâu, hóa chất, virus, vi khuẩn, tạp chất hữu cơ,... Do đó, nếu nước thải sinh hoạt không được thông qua hệ thống xử lý tiêu chuẩn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người cũng như môi trường xung quanh…

Tác hại của nước thải sinh hoạt với môi trường và sức khỏe

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nước thải nói chung và nước thải sinh hoạt nói riêng đều ảnh hưởng không tốt đến môi trường và sức khỏe con người, cụ thể:

Đối với môi trường nước: ngoài việc gây ảnh hưởng trực tiếp đến nước ngầm, nước thải khi chảy ra kênh rạch và các vùng cửa sông sẽ làm đảo lộn môi trường nước quanh khu vực này. Tính chất nguồn nước sạch thay đổi do bị ô nhiễm từ các loại hóa chất độc hại, các hợp chất hữu cơ phân hủy và các loại vi sinh vật có hại cho sức khỏe con người. Nguồn nước sạch nghiễm nhiên thành nguồn lây bệnh cho quần thể sinh vật xung quanh và ảnh hưởng trực tiếp đến con người chung ta.

Nước thải sinh hoạt kèm rác thải làm ô nhiễm nguồn nước, không khí và cảnh quan chung
 Đối với môi trường không khí: Nước thải khi không được xử lý sẽ bốc mùi hôi thối, đặc biệt là các chất sau khi phân hủy tạo thành khí độc như H2S hoặc CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Mùi hôi càng nồng nặc sẽ khiến cho thời tiết càng trở nên nóng bức. Điều này sẽ khiến cho sức khỏe của con người bị hao mòn, tuổi thọ giảm, tăng nguy cơ mắc bệnh phổi, đường hô hấp. Mùi hôi thối sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Điều này sẽ gây các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh về phổi cũng vì thế mà tăng lên đáng kể.

Đối với môi trường đất: Nước thải khi không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách được thải ra ngoài sẽ ngấm xuống lòng đất, khi con người trồng trọt  tại khu vực ô nhiễm này các thành phần hóa học độc hại sẽ thấm vào các loại cây trồng gây thay đổi thành phần dinh dưỡng, tồn đọng các chất độc hại. Ngoài ra khi thấm xuống mạch nước ngầm sẽ gây nên những hệ quả khôn lường, đặc biệt với những khu vực dân cư sử dụng nguồn nước giếng khoan, vô tình nạp trực tiếp chất độc vào người gây nên nhiều bệnh nguy hiểm.

Đặc biệt, một tác hại rất nghiêm trọng mà nước thải sinh hoạt gây ra đó chính là ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Khi con người sử dụng những nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây hại cho sức khỏe. Con người có thể mắc các bệnh như bệnh về đường ruột, bệnh viêm da, viêm hô hấp, bệnh tả kiết lị, ngộ độc, ung thư, thậm chí, nếu sử dụng lâu dài có thể sẽ khiến cơ thể bị nhiễm độc, biến đổi gen…

Cách xử lý nước thải sinh hoạt

Nước thải sinh hoạt tác hại xấu tới môi trường và sức khỏe con người

Do đó, xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay là điều quan trọng đối với con người và môi trường tự nhiên. Mỗi cá nhân, tổ chức cần có ý thức trong việc xử lý nước thải sinh hoạt, tránh tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường.

Hiện nay, có 3 phương pháp xử lý nước thải chủ yếu đó là: phương pháp xử lý hóa học, hóa lý và sinh học.

Theo đó, phương pháp xử lý hóa học, thường dùng trong hệ thống xử lý nước thải gồm có: trung hòa, oxy hóa khử, tạo kết tủa hoặc phản ứng phân hủy các hợp chất độc hại. Cơ sở của phương pháp xử lý này là các phản ứng hóa học diễn ra giữa chất ô nhiễm và hóa chất thêm vào. Do đó, ưu điểm của phương pháp là có hiệu quả xử lý cao, thường được sử dụng trong các hệ thống xử lý nước khép kín. Tuy nhiên, phương pháp hóa học có nhược điểm là chi phí vận hành cao, không thích hợp cho các hệ thống xử lý nước thải với quy mô lớn. Bản chất của phương pháp hoá lý trong quá trình xử lý nước thải sinh hoạt là áp dụng các quá trình vật lý và hoá học để đưa vào nước thải chất phản ứng nào đó để gâytác động với các tạp chất bẩn, biến đổi hoá học, tạo thành các chất khác dưới dạng cặn hoặc chất hoà tan nhưng không độc hại hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Cần thiết phải xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo cho môi trường và sức khỏe con người

Phương pháp xử lý sinh học có bản chất là sử dụng khả năng sống và hoạt động của các vi sinh vật có ích để phân huỷ các chất hữu cơ và các thành phần ô nhiễm trong nước thải. Các quá trình xử lý sinh học chủ yếu có năm nhóm chính: quá trình hiếu khí, quá trình anoxic, quá trình kị khí, quá trình kết hợp hiếu khí –  anoxic – kị khí, các quá trình hồ sinh học. Đối với việc xử lý nước thải có yêu cầu đầu ra không quá khắt khe thì quá trình xử lý hiếu khí bằng bùn hoạt tính là quá trình xử lý sinh học thường được ứng dụng nhất.

Phương pháp hóa lý, thường được áp dụng để xử lý nước thải là: keo tụ, tuyển nổi, đông tụ, hấp phụ, trao đổi ion, thấm lọc ngược và siêu lọc… Giai đoạn xử lý hoá lý có thể là giai đoạn xử lý độc lập hoặc xử lý cùng với các phương pháp cơ học, hoá học, sinh học trong công nghệ xử lý nước thải hoàn chỉnh.

Trên đây là ba cách xử lý nước thải phổ biến nhất hiện nay, tuy nhiên, tùy từng thành phần và tính chất nước thải, mức độ cần thiết xử lý nước thải, lưu lượng và chế độ xả thải, đặc điểm nguồn tiếp nhận, điều kiện mặt bằng, điều kiện vận hành và quản lý hệ thống xử lý nước thải, điều kiện cơ sở hạ tầng… để lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp nhất./.

NTT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN