Xòe Thái - vũ điệu của tình đoàn kết các dân tộc tỉnh Sơn La
(ĐCSVN) - Từ lâu Xòe Thái đã trở thành vũ điệu mang biểu tượng của tình đoàn kết ở tỉnh Sơn La. Nghệ thuật dân gian này đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần người Thái và nhiều dân tộc anh em khác ở vùng Tây Bắc đất nước, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong nền văn hóa Thái.
Trong một số hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc Thái diễn ra tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội) có sự tham gia của các chủ thể văn hóa đến từ tỉnh Sơn La, công chúng Thủ đô có dịp thưởng thức những điệu xòe mang ý nghĩa biểu tượng về đời sống tinh thần của đồng bào Thái.
Theo các nghệ nhân, Xòe Thái có nhiều cách gọi khác nhau như xe, xé, xóe, xòe, múa xòe, múa Then, mố các động tác múa xòe mô phỏng hoạt động của con người trong cuộc sống, lao động, sản xuất, tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp và sự đoàn kết cộng đồng. Ý nghĩa cộng đồng trong xòe Thái, thể hiện sự cởi mở, gắn kết con người, phản ánh giá trị cốt lõi của di sản văn hóa phi vật thể.
Xòe Thái có ba loại chính: Xòe nghi lễ, xòe vòng và xòe biểu diễn. Điệu xòe cơ bản, người múa thường tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh rồi cùng bước chân nhịp nhàng, ngực hơi ưỡn, lưng ngả về phía sau.
Với Xòe nghi lễ và xòe biểu diễn kết hợp với đạo cụ, vì thế được gọi theo tên các đạo cụ như xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe hoa... Điệu Xòe trong những nghi lễ phản ánh tính nhân văn và sự giao hòa giữa con người với đời sống tín ngưỡng của đồng bào Thái.
Nổi bật trong tính cộng đồng của người Thái là điệu Xòe vòng, đây là màn đồng diễn tập thể thu hút rất đông người dân tham dự, người xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người. Đây cũng là điệu xòe phổ biến nhất, thể hiện tính cởi mở, gắn kết, thân thiện, phản ánh giá trị cốt lõi của di sản văn hóa phi vật thể.
Xòe Thái thể hiện sự đa dạng văn hóa, mỗi loại xòe phản ánh mỗi cách thể hiện riêng về đời sống, con người và văn hóa Thái. (Ảnh: T.D) |
Góp phần tạo lên chỉnh thể cho vẻ đẹp xòe Thái là những nhạc cụ đi cùng xòe, nổi bật có tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm choẹ, pí pặp, bẳng bu... đệm theo nhịp chẵn 2/4, 4/4 trong những âm điệu đặc trưng của những quãng 2 trưởng, 3 trưởng, thứ, quãng 4, 5 đúng.
Khèn bè là loại nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của người Thái, được sử dụng phổ thông, rất đỗi quen thuộc với đồng bào Thái ở Nghĩa Lộ, Yên Bái, và một số địa phương vùng Tây Bắc. Khèn bè là nhạc cụ kết nối tình yêu, linh hồn trong dân ca, còn là nhạc cụ không thể thiếu trong những đêm xòe đậm sắc mầu văn hóa của đồng bào Thái.
Trong các lễ hội như nghi lễ Kin Pang Then, Xên Cha, Xên Mường, Xên Bản, Xên Lẩu Nó, chỉ cần nghe tiếng trống xòe là người Thái đã cùng nhau nắm tay nhau hòa mình vào điệu múa đậm bản sắc của dân tộc mình.
Hiên nay đồng bào Thái, tỉnh Sơn La tích cực trao truyền nghệ thuật xòe Thái, thông qua những sinh hoạt lễ hội, nghi lễ, sự kiện văn hóa. Điều đó không chỉ góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc Thái, mà còn góp phần tích cực vào việc phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.