Xét nghiệm diện rộng: “Chìa khóa” giúp kiểm soát, khống chế dịch COVID-19
(ĐCSVN) - Theo thông tin từ các chuyên gia, có khoảng 65% ca mắc COVID-19 (F0) trong đợt dịch này không xuất hiện triệu chứng, nhiều F0 lẩn khuất trong cộng đồng chưa phát hiện. Việc tăng cường xét nghiệm sàng lọc diện rộng là chiến thuật quan trọng, nhất là xét nghiệm nhanh để khoanh vùng dập dịch hiệu quả.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp, có nơi rất nghiêm trọng, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía nam. Thực tiễn thời gian qua cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thực hiện của các địa phương, đặc biệt là biện pháp giãn cách xã hội đã được áp dụng kịp thời, đúng đắn, đạt kết quả tích cực, dịch bệnh có chiều hướng giảm tại 13/23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.
Để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành đã chỉ rõ, việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở một số xã, phường, thị trấn. Do đó, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. (Ảnh: TL) |
Trong đó, Công điện số 1102 nhấn mạnh một trong những giải pháp thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh phía Nam rất cao, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Y tế đang quyết liệt triển khai xét nghiệm trên diện rộng để phát hiện và bóc tách bằng được F0 ra khỏi cộng đồng.
Theo PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.Hồ Chí Minh,cho biết việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 toàn dân trong thời điểm này là rất có ý nghĩa, vô cùng quan trọng. Thứ nhất, phát hiện ra F0 chúng ta có thể biết được tối thiểu ai đang nhiễm và không, từ đó chủ động phòng chống dịch bệnh và có các giải pháp tiếp theo. Thứ hai, giảm được tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Việc xét nghiệm có thể không phát hiện được hết các ca F0, nhưng cũng quét ra được một tỉ lệ ca mắc bệnh nhất định.
Ngoài ra việc phát hiện sớm các ca mắc sẽ làm giảm tỉ lệ nhiễm ngoài cộng đồng. Như vậy, chúng ta cũng có thêm thời gian để tiến hành bao phủ vắc xin cho người dân.
Cũng theo PGS.TS Lê Thành Đồng, tại một số vùng có ca nhiễm cao, các xã, phường có khu cách ly chật hẹp, nếu phát hiện ra nhiều F0 có thể sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc xử lý và đưa họ đến các khu cách ly. Do vậy cần phải có sự chỉ đạo linh hoạt, có thể triển khai liên phường, liên xã hay các khu trong một quận, huyện để đưa các F0 tới cách ly, nhất là người ở khu nhà trọ, dân cư đông hoặc những trường hợp không có người chăm sóc y tế tại nhà.
Điển hình như tại TP.Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phát hiện kịp thời bệnh nhân COVID-19 để điều trị hiệu quả; thu hẹp “vùng đỏ, “vùng cam”, “vùng vàng” và mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn, Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân trong khu vực có nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, các vùng còn lại thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, với mục tiêu hoàn thành công tác xét nghiệm thần tốc trên diện rộng toàn TP.Hồ Chí Minh từ 23/8 đến 25/8.
Theo đó, Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã huy động toàn bộ lực lượng, từ lực lượng y tế, lực lượng quân y đến dân quân, sinh viên đi từng ngõ, gõ từng nhà để tiến hành xét nghiệm cho người dân. Đồng thời, đội xét nghiệm cũng đã đến từng hộ dân để cấp phát sinh phẩm test nhanh và hướng dẫn người dân tự xét nghiệm tại nhà.
Trong trường hợp hộ dân không thể tự xét nghiệm, đội xét nghiệm sẽ xét nghiệm cho người dân và hướng dẫn người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình. Nếu có kết quả dương tính sẽ được phát thuốc, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe hằng ngày tại nhà.
Để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng chức năng tại địa phương đã thực hiện bố trí địa điểm lấy mẫu trên địa bàn và huy động lực lượng điều phối để sắp xếp, phát phiếu, hạn chế tối đa nhiều người tham gia lấy mẫu cùng một thời điểm để đảm bảo giãn cách, tránh lây nhiễm chéo, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm nguyên tắc 5K trong quá trình chờ lấy mẫu. Các cán bộ lấy mẫu thực hiệm nghiêm quy định an toàn xét nghiệm.
Còn tại Hà Nội, trong Công điện ban hành ngày 6/9, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu huy động các lực lượng xét nghiệm thần tốc, quét nhiều vòng để giúp bóc tách rất nhanh các ca F0 ra khỏi cộng đồng. Từ ngày 6 – 12/9, xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn.
Tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao, lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2 - 3 ngày/lần, khu vực nguy cơ cao từ 5-7 ngày/lần, các khu vực khác ít nhất 1 lần.
Hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát nhân viên y tế và áp dụng các phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Sau ngày 12/9, tiếp tục lấy mẫu để giám sát, đánh giá nguy cơ.
Nhân viên CDC Hà Nội thực hiện các xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: TL) |
Đánh giá về việc Hà Nội triển khai xét nghiệm trên diện rộng, chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, hiện số ca mắc trên địa bàn thành phố chưa lớn nhưng giám sát trường hợp ho, sốt tại cộng đồng lại phát hiện các ca dương tính rải rác ở các quận, huyện.
Ông Phu cho rằng thời điểm này, Hà Nội triển khai chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng là phù hợp. Đồng thời ông nhấn mạnh, để việc xét nghiệm trên diện rộng đạt hiệu quả cần có chỉ định đúng và trúng vào những vùng nguy cơ cao, đối tượng nguy cơ cao. Trong việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cần tuân thủ nghiêm các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Theo vị chuyên gia này, khi triển khai xét nghiệm trên diện rộng tìm ra người nhiễm bệnh (F0), từ đó phát hiện ra ổ dịch lẩn khuất trong cộng đồng để truy vết, phong tỏa dập dịch, tránh lây lan ra cộng đồng. Quan trọng hơn, xét nghiệm diện rộng còn giúp thành phố đánh giá được nguy cơ dịch đang ở mức độ nào để tiếp tục đưa ra các biện pháp đáp ứng một cách hợp lý nhất.
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng tại Hà Nội, ông Trương Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết Sở Y tế thành phố đã có kế hoạch để triển khai việc xét nghiệm diện rộng 100% người dân trên địa bàn.
Theo đó, lực lượng lấy mẫu, mô hình đội lấy mẫu tương tự như tổ COVID-19 cộng đồng, nòng cốt là các thành viên tự nguyện có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, có thể có chuyên môn y tế hoặc các ngành khác. Những người này sẽ đến từng nhà và thực hiện lấy mẫu test nhanh kháng nguyên và cả PCR. Sở Y tế đã tiến hành tập huấn cho đội ngũ này, quy mô khoảng vài chục nghìn tổ trên toàn thành phố. Mỗi tổ từ 2 - 4 người, trung bình là 3 người 1 tổ, huy động chủ yếu là lực lượng thanh niên trẻ khoẻ, có khả năng đi đến từng hộ gia đình.
Sở Y tế Hà Nội cũng đang hoàn thiện các video hướng dẫn tự lấy mẫu ở mũi để người dân có thể tự thực hiện tại nhà. Sắp tới sẽ tuyên truyền bằng hình thức video, poster…
Đặc biệt, các tổ tự nguyện sẽ lấy mẫu tại cửa nhà dân, hoặc đầu ngõ, không vào nhà dân cũng không tụ tập đông người, để giảm nguy cơ cho cả người dân và đội ngũ y tế.
Ông Trương Quang Việt cho biết thêm, không phải đối tượng nào cũng sẽ làm xét nghiệm PCR, mà chỉ với các "vùng đỏ" (nguy cơ rất cao), các đối tượng nguy cơ cao, các vùng giáp ranh khu vực phong toả, cách ly. Các vùng khác sẽ theo phương thức test nhanh. Nếu PCR thì có thể lấy mẫu gộp tại thực địa.
Có thể nói, bên cạnh các giải pháp giãn cách xã hội là yếu tố quyết định; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; Vaccine, thuốc điều trị là chiến lược… thì xét nghiê%3ḅm diê%3ḅn rô%3ḅng, thần tốc được coi là “chìa khóa” phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm COVID-19, từ đó giúp kiểm soát, khống chế dịch bệnh, sớm đưa đất nước trở về trạng thái “bình thường mới”./.