Xem xét mở rộng các hình thức hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân bị mua bán
(ĐCSVN) - Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), cần xem xét mở rộng hơn các hình thức hỗ trợ về mặt pháp lý, đặc biệt việc giúp nạn nhân tiếp cận thông tin và hỗ trợ về các thủ tục hành chính. Điều này là rất cần thiết để đảm bảo nạn nhân không bị tái buôn, bán hoặc gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền lợi của mình.
Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 37 của dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ như nạn nhân, trừ hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn
Về người đang trong quá trình xác định là nạn nhân đang ở trong nước và ở nước ngoài, Điều 37 của dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng nạn nhân là công dân Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng đang ở nước ngoài thì được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế và chi phí phiên dịch.
Bên cạnh đó, về hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, để bảo đảm mục tiêu lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là trung tâm thì việc hỗ trợ cho họ sau khi tiếp nhận cần kịp thời, nhanh chóng và phải thực hiện ngay. Do đó, khái niệm “hỗ trợ pháp luật” trong dự thảo luật được hiểu là việc tư vấn để phòng ngừa bị mua bán trở lại, tư vấn làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, làm căn cước, nhận chế độ hỗ trợ và được thực hiện bởi UBND cấp xã, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi tiếp nhận…
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Ảnh: Hô Long. |
Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), những hỗ trợ trên không chỉ giúp nạn nhân vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu mà còn tạo điều kiện để họ tái hòa nhập xã hội và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cần xem xét mở rộng hơn các hình thức hỗ trợ về mặt pháp lý, đặc biệt việc giúp nạn nhân tiếp cận thông tin và hỗ trợ về các thủ tục hành chính. Điều này là rất cần thiết để đảm bảo nạn nhân không bị tái buôn, bán hoặc gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền lợi của mình.
Cũng theo đại biểu, việc hỗ trợ tâm lý là một trong những khía cạnh quan trọng trong việc giúp nạn nhân vượt qua các sang chấn tâm lý do bị buôn bán. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ tâm lý được quy định là không quá 3 tháng, có thể chưa đủ đối với những trường hợp nạn nhân bị tổn thương nặng nề về tinh thần. Do đó, thời gian hỗ trợ tâm lý cần được linh hoạt và kéo dài dựa trên tình trạng thực tế, cụ thể từng nạn nhân.
Đại biểu Thạch Phước Bình chỉ ra, trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn là những giải pháp thiết thực để giúp nạn nhân có điều kiện phát triển kinh tế sau khi trở về nơi cư trú. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần có quy định chi tiết hơn về mức trợ cấp và các điều kiện cụ thể để đảm bảo việc hỗ trợ được thực hiện công bằng, minh bạch và đến đúng đối tượng hoặc có thể bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) cũng nhận định, quy định hiện hành chưa có văn bản nào quy định mức tiền trợ cấp cho đối tượng này là bằng bao nhiêu tiền nên không có cơ sở để áp dụng thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành.
“Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu, bổ sung một khoản quy định, giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này để có cơ sở áp dụng thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành”, đại biểu nói.
Về hỗ trợ phiên dịch, để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ và khả thi, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) đề nghị bổ sung cụm từ "và người dưới 18 tuổi đi cùng" vào sau cụm từ "nạn nhân". Theo đó viết lại khoản này như sau "nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng không biết, không hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân". Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, việc hỗ trợ phiên dịch cho nạn nhân, đặc biệt là những nạn nhân không biết hoặc không hiểu tiếng việt là một quyết định rất cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nạn nhân, đại biểu cho rằng cần xác định rõ năng lực, trình độ của người phiên dịch, đảm bảo rằng việc phiên dịch được thực hiện chính xác và khách quan.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo rà soát, xem xét một số nội dung liên quan đến các biện pháp bảo vệ và bảo vệ bí mật thông tin trong phòng, chống mua bán người. Trong đó, cần quan tâm, bổ sung một số các biện pháp như giữ bí mật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của người được bảo vệ nhằm tránh lộ, lọt thông tin cá nhân, chứng cứ và bảo vệ bí mật thông tin để không làm lộ, lọt tài liệu và các vấn đề liên quan khác đến cá nhân.
“Quan trọng là ở kỳ họp lần thứ 8 này, Quốc hội cũng sẽ xem xét Luật Dữ liệu, điều đó tôi nhận thấy rất thuận lợi để đảm bảo tính đồng bộ giữa các luật có liên quan và có tác động qua lại lẫn nhau cũng như có mối liên hệ với Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) lần này”, đại biểu nói./.