Xe chạy "dù" dạng VIP Limousine làm khó lực lượng chức năng
(ĐCSVN) - Những chiếc xe VIP Limousine đăng ký phù hiệu xe hợp đồng, nhưng lại luồn lách khắp phố phường Hà Nội bắt khách kiểu xe dù liên tỉnh. Tuy nhiên, lực lượng chức năng lại gần như... bất lực trong xử lý những chiếc xe dạng này.
Xe VIP Limousine nguyên bản là xe 16 chỗ được các nhà xe chế thành xe 9 chỗ, với nội thất, ghế ngồi khá sang trọng, sau đó đăng ký với cơ quan chức năng để vận chuyển khách dưới dạng xe hợp đồng vận chuyển khách. Xe Limousine thường là màu đen hoặc màu đỏ ghi.
Vài năm gần đây, loại xe này hoạt động khá phổ biến tại nhiều đường phố của Hà Nội. Các nhà xe thường có trang web để đặt chỗ và in số điện thoại di động ngay trên thân xe. Người ta có thể lên mạng và dễ dàng tìm thấy rất nhiều nhà xe kiểu Limousine chạy rất nhiều tuyến: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình…. với giá mỗi ghế ngồi gần gấp 2 lần so với xe khách tại các bến xe cố định. Ngay khi liên hệ đặt chỗ, nhà xe sẽ hướng dẫn các điểm xe đón khách, hoặc đến đón tận nơi theo yêu cầu của khách hàng. Điểm hẹn đón khách thường là bến cóc, các bãi trông giữ xe, ngã ba, ngã tư và sảnh các tòa nhà chung cư, văn phòng.
Tại khu vực quận Cầu Giấy, xe Limosine chạy tuyến Quảng Ninh- Hà Nội chủ yếu đón khách, trả khách tận nhà nếu đường rộng, hoặc đầu ngõ. Ngoài ra, xe cũng thường xuyên đón, trả khách tại đường Nguyễn Khánh Toàn, Trần Thái Tông, cạnh nhà hát lớn Hà Nội và bãi trông giữ xe tự phát trên đường Trương Công Giai (Phường Dịch Vọng, Cầu Giấy). Có hai nhà xe thường xuyên chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh là Tâm Bảo Anh và Phúc Xuyên.
Trong vai hành khách đặt chỗ, phóng viên được nhà xe Tâm Bảo Anh hướng dẫn rất cụ thể. Theo đó, nhà xe sẽ đón trả khách tận nơi, hoặc khách có thể đến bãi xe tự phát ở đường Trương Công Giai, hoặc trước cửa nhà hát lớn Hà Nội. Buổi sáng tại cửa nhà hát lớn có các chuyến 7giờ 30 phút, 10 giờ; buổi chiều 3 giờ, 4 giờ, 5 giờ. Giá cước 180.000 đồng, 200.000 đồng, 220.000 đồng/ghế
Với tuyến Nam Định, Thái Bình phổ biến là thương hiệu nhà xe Long Giang Limousine, Phúc Lộc Thọ Limousine. Các điểm đón trả khách quen thuộc của Long Giang là điểm trông giữ xe gần Đại học Giao thông Vận tải (quận Cầu Giấy), dọc cung đường Láng, Trường Chinh, Giải Phóng (325 Giải Phóng), tần suất 1 giờ/chuyến. Nhà xe thu tiền trực tiếp 100.000 đồng/ghế, trong khi giá vé xe khách tuyến cố định Giáp Bát - Nam Định là 60.000đồng/người.
Trên đường Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm), Khuất Duy Tiến (quậnThanh Xuân), Giải Phóng (quận Hoàng Mai) cũng không khó để phát hiện những chiếc xe kiểu Limousine gắn phù hiệu hợp đồng vô tư bắt khách, trả khách.
Các xe Limosine vận chuyển hành khách liên tỉnh luồn lách qua nhiều phố phường để đón, trả khách không khác gì xe dù, ảnh hưởng tới trật tự giao thông và gây ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh với các xe khách tuyến cố định tại các bến xe khách. Đây chính là lý do mà trong cuộc đối thoại với lãnh đạo ngành giao thông vận tải, tại Hà Nội vừa qua, rất nhiều nhà xe hoạt động tại bến Nước Ngầm, Giáp Bát đã bức xúc tố xe Limousine gây bất bình đẳng trong vận tải hành khách.
Theo một cán bộ thanh tra giao thông, xe hợp đồng Limousine thường lách luật bằng cách chế xe từ 16 chỗ xuống còn 9 chỗ, sau đó tự “bịa” ra hợp đồng vận chuyển khách. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, các xe đều trưng ra hợp đồng vận chuyển khách, hành khách cũng thỏa hiệp với nhà xe nhận mình là khách hợp đồng nên lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý. Nhiều trường hợp, bắt được xe đón trả khách nhưng chỉ phạt được lỗi dừng đỗ sai quy định chứ không thể xử lý theo lỗi xe dù, xe khách chạy sai tuyến.
Theo Nghị định 86/NĐ- CP của Chính phủ ngày 14/2/2015 và Thông tư 63/TT- BGTVT ban hành ngày 5/11/2015 của Bộ Giao thông vận tải, các xe hợp đồng dưới 10 chỗ ngồi không phải báo cáo các chi tiết danh sách khách hàng, điểm đi, điểm đến với cơ quan chức năng. Lợi dụng quy định này, loại xe Limosine 9 chỗ hoạt động như xe khách nhưng núp bóng xe hợp đồng ngày càng phổ biến. Trong khi đó, lực lượng chức năng không đủ căn cứ để quy lỗi chở khách liên tỉnh, chạy “dù” hay sai luồng tuyến…
Trước những bất cập trên, vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản số 679/TCĐBVN-VT gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp quản lý hoạt động đối với xe hợp đồng Limousine. Thời gian nghiên cứu, theo đề xuất, sẽ kéo dài đến tháng 12/2017. Điều này đồng nghĩa với việc những chiếc xe dù Limousine sẽ tiếp tục thách thức cơ quan chức năng.
Để đảm bảo bình đẳng trong cạnh tranh vận tải hành khách và ngặn chặn nạn xe dù, bến cóc, các ngành chức năng cần sớm có những điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật đối với hoạt động của xe hợp đồng Limousine. Việc điều chỉnh sẽ càng cấp thiết hơn trong bối cảnh hàng loạt nhà xe đang "kêu cứu" vì ít khách khi thực hiện chuyển bến từ Mỹ Đình về Nước Ngầm ./.