Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài

Thứ Tư, 07/06/2023 16:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai không vượt quá 1,2% GDP… Đây là những nội dung đáng chú ý trong Chiến lược Quốc gia về PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai ngày càng cực đoan, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và có xu thế ngày càng gia tăng. Điển hình như năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; gây thiệt hại về kinh tế ước trên 39.962 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2017 là năm kỷ lục về số cơn bão, đã làm 386 người chết, mất tích, thiệt hại ước khoảng 60.000 tỷ đồng.Đáng chú ý, trong các loại hình thiên tai thì lũ quét, sạt lở đất là những loại hình thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, xảy ra ở nhiều nơi, với quy mô và cường độ ngày càng lớn hơn. Chỉ tính riêng năm 2020, trong 357 nạn nhân do thiên tai thì có đến 132 người bị chết do lũ quét, sạt lở đất; tổng thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất cũng lên tới 16.756 tỷ đồng (chiếm khoảng 42%).

Có thể thấy, xét về quy mô thiên tai thì lũ quét, sạt lở đất không xảy ra trên phạm vi rộng, tuy nhiên rất khó dự báo, cảnh báo chính xác. Nguyên nhân có nhiều, song chủ yếu do mưa lớn, kết hợp với địa hình, song việc xác định thời gian, mức độ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nay chưa thể dự báo được. Đây cũng là khó khăn chung đối với các nước tiên tiến trên thế giới. Do vậy, việc phòng chống, chế ngự đối với hiểm họa này không dễ.

Điều đáng lưu ý là, các trận lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra ở khu vực miền núi, hẻo lánh. Do đó, khi xảy ra sự cố, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận hiện trường để cứu hộ, cứu nạn. Trong khi đó, nhận thức, kỹ năng của người dân, nhất là đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng xa về PCTT còn hạn chế, bất cẩn khi có mưa lũ; công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát của chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa quyết liệt, lực lượng xung kích PCTT chưa được tập huấn bài bản, triển khai không thường xuyên và chưa cụ thể đến từng khu vực có nguy cơ rủi ro cao…

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, năm 2020 vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến bước chuyển biến trong công tác chỉ đạo với nhiều công điện, văn bản, chỉ thị nhanh chóng, kịp thời từ Trung ương tới địa phương đối với công tác PCTT. Lần đầu tiên, Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị riêng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT ban hành nhiều nghị quyết, công điện chỉ đạo về việc phòng ngừa thiên tai, chủ động rất sớm trong các cơn bão, đặc biệt là cơn bão số 9.

Quốc hội và Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách về PCTT. Có thể kể đến một số văn bản chính được ban hành năm 2020 như: Luật số 60/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều; Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 của Chính phủ quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai; Chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030…

Cần nhiều giải pháp tổng thể để người dân sống thích ứng an toàn trước thiên tai 

Năm 2020 cũng chứng kiến sự vào cuộc hết sức chủ động của các tổ chức, chính quyền và cá nhân trong việc phòng ngừa thiên tai. Người dân đã chủ động triển khai phương án phòng, chống trước khi bước vào mùa mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, cũng như ngay sau khi có thông tin về tình hình thiên tai, nhờ đó giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đó là những thuận tiện để trong các năm tiếp theo, nhất là năm 2023 này, Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, xây dựng một xã hội thực sự an toàn trước thiên tai.

Đặc biệt, với Chiến lược Quốc gia về PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì Việt Nam càng có nhiều thuận lợi hơn trong công cuộc xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai. Cụ thể, Chiến lược đã kế thừa Chiến lược Quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020. Trên cở sở đó, tiếp tục thực hiện chủ tương, chính sách và sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác PCTT, góp phần từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

Theo đó, mục tiêu tổng quát đề ra của chiến lược là “chủ động PCTT, thích ứng với BĐKH, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững KT-XH, giữ vững an ninh, quốc phòng”.

Về mục tiêu cụ thể của Chiến lược: Đến năm 2030, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai không vượt quá 1,2% GDP; người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, để đạt các mục tiêu đã đề ra, bản thân Chiến lược cũng đề xuất các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chung bao gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về PCTT bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực PCTT và cứu hộ cứu nạn; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch PCTT và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, KT-XH; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; gắn khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện.

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp cho từng vùng miền cũng được Chiến lược đề cập đến, ứng với các loại thiên tai điển hình.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT sẽ phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược; xây dựng khung giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược; tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược hằng năm.

N.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN