Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng và hoàn thiện dự thảo Báo quốc gia thực hiện Công ước CERD

Thứ Tư, 01/11/2023 12:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sáng 1/11, tại Uỷ ban Dân tộc, đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã chủ trì cuộc họp với đại diện một số bộ, ngành trong Đoàn liên ngành tham gia phiên bảo vệ trước Ủy ban Công ước của Liên hiệp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) để lấy ý kiến xây dựng và hoàn thiện dự thảo nội dung Báo cáo trả lời danh sách các vấn đề của Ủy ban Công ước CERD đặt ra.

Công ước CERD là 1 trong 9 Công ước quốc tế cơ bản của Liên hợp quốc về nhân quyền. Việt Nam ký tham gia Công ước này năm 1982 và kể từ đó đến nay đã 4 lần bảo vệ Báo cáo quốc gia trước Ủy ban Công ước CERD.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông chủ trì cuộc họp góp ý hoàn thiện Báo cáo quốc gia lần thứ 5 của Việt Nam vệ thực thi Công ước CERD

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông - đại diện cơ quan chủ trì xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ 5 của Việt Nam về thực thi Công ước CERD, cho biết: Tại khóa họp lần thứ 111 của Ủy ban Công ước CERD (dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng 11 năm nay tại Trụ sở Liên hiệp quốc), Việt Nam sẽ trình bày Báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ 5 (tính từ năm 2013 đến nay) theo hướng dẫn của Ủy ban Công ước CERD. Báo cáo gồm 4 phần, 7 điều, 138 mục.

Tại cuộc họp, các thành viên trong đoàn cũng đưa ra những ý kiến thảo luận, bổ sung về một số chủ đề trong Danh mục các chủ đề liên quan đến Báo cáo tổng hợp định kỳ của CRED lần này.

Theo đó, một số chủ đề trong Danh mục các chủ đề liên quan bao gồm: Công ước trong pháp luật trong nước và khung thể chế, chính sách để thực hiện Công ước; Hệ thống tư pháp hình sự; Cơ quan Nhân quyền Quốc gia; Bảo vệ không gian dân sự; Tham gia bình đẳng vào các vấn đề công cộng và chính trị, thụ hưởng bình đẳng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa…

Đánh giá qua các lần bảo vệ trước đây (từ năm 2013 đến nay), hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Việt Nam khẳng định lập trường đã nêu trong các Báo cáo trước và kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị về quyền con người, chống phân biệt chủng tộc. Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam cam kết tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước CERD.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông đánh giá cao các ý kiến góp ý; cho rằng: Báo cáo quốc gia lần thứ 5 thực hiện CERD của Việt Nam đã được xây dựng toàn diện trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ và người dân... nên đã đánh giá được toàn diện kết quả của Việt Nam thực hiện Công ước CERD; đồng thời bao quát được đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Công ước CERD. 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo nội dung Báo cáo trả lời một cách chu đáo và đầy đủ Danh sách các vấn đề quan tâm của Ủy ban Công ước CERD. Đồng thời nhấn mạnh: Các cơ quan, đơn vị có liên quan phải xác định Báo cáo CERD được trình bày và bảo vệ tại Ủy ban Công ước lần này sẽ là cơ hội để Việt Nam tuyên truyền về những thành tựu bảo vệ nhân quyền nói chung và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người DTTS nói riêng. Vì thế, với một quốc gia có 1 dân tộc đa số và có tới 53 DTTS (chiếm 14,7% tổng dân số cả nước, nhưng lại sinh sống trên 3/4 diện tích lãnh thổ) thì việc bảo đảm quyền cho đồng bào DTTS có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Trí Dũng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN