(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm của Hà Nam đạt 10,1%, cao thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 4 toàn quốc. Quy mô kinh tế năm 2020 ước đạt trên 36.772 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 63%, dịch vụ 27,5%, nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 9,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 66,6 triệu đồng bằng mức bình quân chung của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng
Hà Nam đã ban hành và tích cực tổ chức triển khai Nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035; thực hiện tốt chủ trương tích tụ và dồn đổi ruộng đất trong nông nghiệp; triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất lúa. Tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, chuyển dần chăn nuôi trong nông hộ sang chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, từng bước thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh |
Kết quả là giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân 1,12%; tích tụ đất đai được hơn 1.856 ha với 5.618 hộ, xây dựng được 161 mô hình sản xuất tham gia chuỗi liên kết nông sản sạch. Tỉnh đã phê duyệt 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với trên 650 ha với sự xuất hiện những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đầu tư như VinEco, Vinaseed, Vinamilk, Massan, Dabaco, Cty CP nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân; giá trị sản xuất trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt 2 tỷ đồng/ha/năm.
Chương trình xây dựng nông thôn và ứng dụng nông nghệ cao trong nông nghiệp phát triển mạnh mẽ |
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ; diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao. Toàn tỉnh có 100% các xã, 6/6 huyện, thành phố, thị xã được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2020, 6 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,5 triệu đồng/năm, gấp 1,78 lần so với năm 2015.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Hà Nam đã ban hành và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 04-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế tạo, tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao, bền vững. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14,4%/năm. Nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, lắp ráp giữ mức tăng trưởng khá như thiết bị điện, điện tử tăng bình quân 24,4%, xe gắn máy tăng 19,4%, nước giải khát tăng 12,3%... tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt trên 75%. Việc thu hút được Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hồng Đức và Dự án Cụm cảng Yên Lệnh tại thị xã Duy Tiên là những dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp cũng như các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.
Quy mô nền kinh tế tăng 1,7 lần so với nhiệm kỳ trước
Đồng chí Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cho biết, kết quả nổi bật nhất của tỉnh trong nhiệm kỳ qua là quy mô nền kinh tế tăng 1,7 lần so với nhiệm kỳ trước, nếu không vướng dịch COVID-19 thì dự báo sẽ tăng 1,8 lần. Trong việc thu hút đầu tư FDI năm 2015, Hà Nam thu hút được 155 dự án với 1,4 tỷ đô la Mỹ. Sau 5 năm, đã thu hút được 317 dự án FDI tăng 162 dự án với 2,8 tỷ đô la Mỹ, luôn nằm trong Top 10 toàn quốc. Năm 2020 dù rất khó khăn nhưng vẫn thu hút được trên 600 triệu đô, đứng Top 5 toàn quốc. Thời gian tới, Hà Nam sẽ tìm kiếm thêm thị trường mới như châu Âu, châu Úc, thực hiện xúc tiến đầu tư theo địa chỉ.
Trong nhiệm kỳ, Hà Nam đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch. Theo đó, tỉnh đã tập trung phát triển hạ tầng Khu trung tâm y tế chất lượng cao, Khu Đại học Nam Cao, Khu du lịch Tam Chúc. Thu hút đầu tư, khởi công, xây dựng và hoàn thành nhiều dự án lớn trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ như Khách sạn Mường Thanh, Trung tâm thương mại Vincom, sân golf Kim Bảng... tạo điểm nhấn, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vượt cao so với mục tiêu cả về số tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng. Tổng thu 5 năm đạt trên 38,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với giai đoạn trước, tăng bình quân 23,6%/năm.
Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị vẫn còn những tồn tại hạn chế như một số dự án triển khai chậm; việc xử lý nợ công và việc xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, khu vực Tây Đáy, khu, cụm công nghiệp và làng nghề còn hạn chế; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn đổi còn chậm; việc thực hiện chủ trương tập trung ruộng đất hiệu quả chưa cao.
Phát triển du lịch đặt mục tiêu đến 2025, thu hút 4-5 triệu lượt khách |
Để khắc phục những vấn đề này trong nhiệm kỳ tới, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam sẽ tiếp tục tập trung ruộng đất nhưng có thể hiểu theo khái niệm góp đất để sản xuất nông nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao đưa cơ giới hóa vào sản xuất và chuyển đổi những khu nông nghiệp công nghệ cao đã phê duyệt không phù hợp thì chuyển đổi. Hướng tới những khu nông nghiệp công nghệ gắn với du lịch sinh thái du lịch trải nghiệm mà Hà Nam có lợi thế nhiều điểm du lịch gắn với Hà Nội phát triển loại hình du lịch không lưu trú”.
Nói về mục tiêu phát triển du lịch trong đó phấn đấu đến 2025, thu hút 4-5 triệu lượt khách trong đó có 490 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, doanh thu du lịch đạt 5.900 tỷ đồng, đồng chí Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Hà Nam cho biết, nhiệm kỳ qua tốc độ phát triển văn hóa rất đáng mừng, tạo đột phá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Năm 2019, Hà Nam thu hút trên 2,8 triệu lượt khách, là con số ấn tượng, được đồng nghiệp, Tổng cục Du lịch đánh giá cao. Tổng lượt khách du lịch trong 5 năm đạt trên 7,62 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 3.453 tỷ đồng. Đây chính là tiền để ngành nỗ lực thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đặt ra.
“Sắp tới, ngành sẽ phối hợp mở nhiều tour tuyến kết nối với Hà Nội, Ninh Bình, mở ra nhiều cơ hội trong quảng bá, xúc tiến du lịch. Với bề dày truyền thống văn hóa và các di sản (gần 1.800 di tích các loại, trên 1.000 các giá trị văn hóa phi vật thể với 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt với nhiều lễ hội lớn được tổ chức hằng năm...), vấn đề đặt ra với chúng tôi là đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các di sản, khai thác tốt các giá trị văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, hoàn thiện và nâng cao hoạt động của các thiết chế văn hóa gắn với phát triển du lịch”, đồng chí Lê Xuân Huy chia sẻ.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX dự kiến xác định 3 khâu đột phá, 18 chỉ tiêu để xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh |
Với tinh thần dân chủ, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, nêu cao truyền thống cách mạng của quê hương, tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX dự kiến xác định 3 khâu đột phá, 18 chỉ tiêu chủ yếu với 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân từ 10%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động trên 10,7%/năm; thu cân đối ngân sách trên địa bàn tăng bình quân trên 10%/năm. Đến năm 2025 đạt trên 16.000 tỷ đồng (trong đó: thu nội địa trên 13.500 tỷ đồng); GRDP bình quân đầu người đạt 117 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm 60 - 65% so với năm 2020.
Thực hiện: Minh Châu - Trình bày: Phạm Cường - Ảnh: Báo Hà Nam