Xây dựng tiềm lực cán bộ ngành năng lượng nguyên tử
(ĐCSVN) – Hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử lần thứ 8 được tổ chức 2 năm một lần, là sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước cũng như xây dựng tiềm lực cán bộ ngành năng lượng nguyên tử.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TL |
Trong 2 ngày (3-4/10), Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN) tổ chức Hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử lần thứ 8.
Qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của hội đồng khoa học, hội nghị đã chọn được 64 báo cáo, trong đó có 35 báo cáo được trình bày (Oral presentation) và 29 báo cáo dán bảng (Posters).
Trình bày về tổ hợp gia tốc lớn, TS. Trần Đình Trọng, Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, máy gia tốc không chỉ được sử dụng trong nghiên cứu cơ bản để nâng cao hiểu biết về vật chất mà còn được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội liên quan đến sức khỏe, môi trường, chất lượng thực phẩm, năng lượng, công nghệ hàng không vũ trụ....
Một tổ hợp gia tốc có thể tập hợp và thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác nhau cùng phát triển, do đó việc sở hữu một tổ hợp gia tốc là mong muốn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều loại tổ hợp gia tốc khác nhau về chi phí xây dựng, vận hành, cũng như phạm vi ứng dụng. Việc lựa chọn tổ hợp gia tốc phù hợp cần được nghiên cứu cẩn thận.
Từ những thông tin, kinh nghiệm, TS. Trần Đình Trọng đã đưa ra sự đánh giá về tính khả thi, sự cần thiết của tổ hợp gia tốc lớn tại Việt Nam; đồng thời đặt vấn đề về việc chuẩn bị, đào tạo nguồn nhân lực bởi nếu không sẽ dẫn đến việc có máy nhưng chưa chắc có người sử dụng do hiện nay Việt Nam còn đang thiếu nhân lực trong lĩnh vực này.
Tại phiên toàn thể của hội nghị, 4 diễn giả khách mời là các nhà khoa học trẻ và chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, các tổ chức uy tín trong và ngoài Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình bày các nghiên cứu quan trọng trong ngành Năng lượng nguyên tử cũng như có ý nghĩa thiết thực trong đời sống về: Tổ hợp gia tốc lớn và sự cần thiết của một tổ hợp cho Việt Nam; việc sử dụng tia gamma tạo đột biến ở lúa và chọn lọc các dòng lúa có năng suất cao, chất lượng tốt; việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong các nghiên cứu khoa học; tư vấn đánh giá, định giá công nghệ, tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Hội nghị cũng chia hai tiểu ban thảo luận về: Vật lý, công nghệ hạt nhân và các lĩnh vực liên quan; Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành nghề kinh tế-xã hội. Các nghiên cứu, ứng dụng của các nhà khoa học trẻ tại Hội nghị đều mang ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ trẻ
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, khi nói đến ngành năng lượng nguyên tử, người ta thường hay chỉ nghĩ đến điện hạt nhân. Nhưng thực ra, ứng dụng của năng lượng nguyên tử có thể tham gia giải quyết rất nhiều bài toán hóc búa ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như: Nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, y học, chiếu xạ hàng hóa, kiểm dịch hoa quả xuất khẩu...
Trong bối cảnh hiện nay khi biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ, năng lượng nguyên tử ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các giống cây mới chịu được hạn mặn, tham gia giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tài nguyên nước, xử lý rác thải nhựa, sản xuất dược chất phóng xạ chữa các bệnh ung thư...
"Rõ ràng vai trò của ngành năng lượng nguyên tử tăng lên nhưng vấn đề khó khăn là nhân lực. Đặc thù của ngành khó, không hấp dẫn các bạn trẻ, thu nhập không thể bằng nhiều ngành nghề khác, nên việc đào tạo nhân lực không dễ dàng", TS. Trần Chí Thành cho biết.
Theo Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, vấn đề nhân lực đang đặt ra cấp thiết hơn khi sắp tới đây, nhiều dự án trọng điểm đang được xúc tiến như: Dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân tại Long Khánh (Đồng Nai); Dự án xây dựng Mạng quan trắc phóng xạ quốc gia...
Chính phủ cũng đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới nhằm bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường. Do đó, nếu phát triển chương trình điện hạt nhân thì cũng cần tính toán việc đào tạo, chuẩn bị thêm nguồn nhân lực.
"Chúng ta phải xem xét bài toán nhân lực một cách nghiêm túc và xây dựng chương trình đào tạo bài bản để đào tạo mới, đào tại lại, đào tạo được đội ngũ chuyên gia đầu đàn". TS. Trần Chí Thành nói.
Nhấn mạnh nguồn nhân lực là chìa khóa của thành công, TS. Trần Chí Thành cho biết, vừa qua, đoàn công tác của Bộ KH&CN đã có chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga, trong đó vấn đề trọng tâm được đề cập với các đối tác Nga là đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên gia cho từng lĩnh vực của ngành năng lượng nguyên tử.
Sắp tới đây, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cũng sẽ có kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ trẻ cũng như tiếp tục động viên, truyền lửa để các cán bộ trẻ phấn đấu, dành trái tim của mình cho khoa học và nghiên cứu./.