Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng nông thôn mới phải tạo ra giá trị mới, con người mới và đời sống mới

Thứ Sáu, 04/11/2016 17:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bạc Liêu nêu quan điểm tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sáng 4/11.

Còn nóng vội và chạy theo số lượng và thành tích

Theo ĐB Lại Xuân Môn, trong 5 năm qua, với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt và linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ, hệ thống chính trị và nhân dân đã đồng thuận, tích cực vào cuộc. Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng, người dân thay đổi được nhận thức, phấn khởi tin tưởng vào chủ trương, chính sách.

Tuy nhiên, trong xây dựng nông thôn mới không ít địa phương còn nóng vội và chạy theo số lượng và thành tích cho đủ 19 tiêu chí còn chất lượng ra sao thì ít quan tâm. Một số nơi thì dân chủ vẫn còn hình thức. Chính vì vậy, dẫn đến đồng ý nhưng không đồng thuận.



Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu tại hội trường sáng 4/11. 
Ảnh: Ngọc Thắng.

ĐB Lại Xuân Môn phân tích: Quan trọng là đồng thuận, hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng ở đó không thay đổi về hình thức sản xuất, chưa tạo ra giá trị mới, con người mới, cốt cách mới hay nói cách khác mới tập trung vào “cơ thể”, tức là chỉ chú ý đến xây dựng kết cấu hạ tầng mà chưa chú ý đến “tâm hồn”. Tâm hồn ở đây là tổ chức sản xuất, tăng giá trị, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người nông dân đó là tâm hồn. Tái cơ cấu chưa tạo ra sự tăng trưởng bền vững, tốc độ tăng trưởng chậm lại, nông thôn thiếu bóng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chất lượng và giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh thấp, vệ sinh an toàn thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng, diễn biến phức tạp. Việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận nông dân còn khó khăn.

ĐB Lại Xuân Môn cũng chỉ rõ, trong thời gian tới, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn và thách thức... Đối với nông nghiệp thì có hai mâu thuẫn lớn là sản xuất nhỏ mà thị trường rộng lớn, đầu tư thấp mà rủi ro rất cao. Đối với nông thôn thì đang gặp 6 điểm nghẽn là đất đai, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch sản xuất, liên kết vùng và doanh nghiệp trong nông thôn. Đối với nông dân thì có 5 khó khăn: thiếu vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường, ô nhiễm môi trường và lúng túng trong xây dựng thương hiệu.

Tái cơ cấu nông nghiệp phải đi bằng hai chân

Trên cơ sở phân tích tồn tại, khó khăn, ĐB Lại Xuân Môn đề nghị Chính phủ tập trung vào 3 nội dung sau:

Một là, rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới cho phù hợp và khả thi nên phân thành 2 loại tiêu chí, tiêu chí cứng và tiêu chí mềm. Trong tiêu chí cứng cũng phải có tiêu chí mềm, ví dụ: xã gần thành phố hay phường thì không nhất thiết phải xây dựng trạm y tế mà đến thành phố và thị xã khám chữa bệnh cho thuận lợi và chất lượng. Tiêu chí mềm thì tùy theo các điều kiện hoàn cảnh của địa phương có thể điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp và phát huy được tính chủ động, sáng tạo của địa phương chứ không để tất cả 19 tiêu chí đều là tiêu chí cứng.

ĐB Lại Xuân Môn nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất, tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng, như vậy phù hợp với đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Nông thôn mới phải tạo ra sinh kế mới, giá trị mới, con người mới và đời sống mới, dinh dưỡng mới. Phát huy được quyền chủ thể của nông dân, nếu phát huy được chủ thể của nông dân sẽ tạo ra động lực, nguồn lực để huy động toàn xã hội.

ĐB Lại Xuân Môn cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp phải đi bằng hai chân: Thứ nhất, tổ chức lại sản xuất, phải tích tụ ruộng đất, phải gắn với liên kết sản xuất và thị trường, thị trường sẽ quyết định đến vấn đề sản xuất, phải phá thế manh mún đầu tư và ứng dụng công nghệ và cơ giới hóa thuận lợi hơn. Liên kết ở đây không nhất thiết phải xóa bỏ hộ sản xuất nhỏ mà phải gắn chặt liên thông toàn diện, liên kết ngay, ngang và liên kết cả dọc. Liên kết ngang là nông dân với nông dân, liên kết dọc là nông dân với doanh nghiệp để tạo ra mắt xích trong sản xuất chuỗi.

Thứ hai, phải tập trung vào khoa học, công nghệ, tức là chân thứ hai phải tập trung vào khoa học, công nghệ. Nhà nước phải đầu tư tín dụng cho cơ sở nghiên cứu khoa học để khoa học thực sự dẫn dắt, là đầu tàu tạo ta các loại giống đồng nhất và chất lượng cao để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, bố trí lại nguồn lực vốn, tăng vốn đầu tư cho hai lĩnh vực này. Bởi vì, hai lĩnh vực này chính là trụ cột cho thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn./.

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN