Xây dựng nông thôn mới góp phần tăng cường gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân ở Vĩnh Phúc
(ĐCSVN) – Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Vĩnh Phúc đã góp phần quan trọng vào thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ tự quản ở cơ sở. Người dân là chủ thể trong quá trình thực hiện, từ đó, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận với nhân dân.
Diện mạo đổi thay
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và gần 8 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có chuyển biến rõ nét về chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu, có tính lan tỏa. Nhận thức của người dân, của cộng đồng đang có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, đã nhận thức rõ được lợi ích và tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM ở địa phương, quê hương mình.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Phúc, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đến nay nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tự nguyện hiện trên 1.000.000m2 đất và góp trên 350.000 ngày công lao động, gần 590 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Tiêu biểu như huyện Vĩnh Tường hiến 77.384m2 đất, đóng góp 5.678 ngày công, hàng tỷ đồng bằng tiền; huyện Bình Xuyên hiến 42.182 m2 đất; thị xã Phúc Yên hiến gần 3.500 m2 đất, đóng góp trên 5.000 ngày công; huyện Tam Dương hiến gần 59.000 m2 đất, đóng góp 65.000 ngày công… Qua đó đã góp phần đưa 2 huyện Yên Lạc và Bình Xuyên được công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra còn có Thành phố Vĩnh Yên và Thành phố Phúc Yên hiện đã hoàn thành hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét công nhận hoàn thành Chương trình xây dựng NTM. Hiện toàn tỉnh đã có 91/112 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, trong đó có 83 xã được công nhận đạt chuẩ, chiếm 74,1%n. Vĩnh Phúc là tỉnh đứng thứ ba toàn quốc trong xây dựng NTM.
Sau gần 8 năm thực hiện, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới lên đến trên gần 21.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ trên 183 tỷ đồng; ngân sách địa phương hỗ trợ trên 6.700 tỷ đồng; còn lại nguồn vốn từ các chương trình khác và người dân đóng góp. Nhờ thế, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực, tỷ trọng trồng trọt giảm, tỷ trọng chăn nuôi - thủy sản tăng. Đến nay, chăn nuôi của tỉnh thực sự trở thành ngành sản xuất chính.
Cùng với đó là các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung từng bước được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh đã xây dựng được 789 vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa với tổng diện tích gần 6.300 ha, gồm các loại cây trồng chủ yếu như bí đỏ, bí xanh, cà chua, dưa chuột, dưa hấu, dưa lê, khoai tây, ớt, su su, với sự tham gia của trên 76.000 hộ dân. Giá trị thu nhập từ trồng bí đỏ đạt 64 triệu đồng/ha/vụ, ớt đạt 110 triệu đồng/ha/vụ, dưa các loại đạt 143 triệu đồng/ha/vụ, cá biệt cà chua đạt 183 triệu đồng/ha/vụ, su su đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, đặc biệt phát triển đàn bò sữa (hiện toàn tỉnh có khoảng 8.733 con bò sữa, so với năm 2010 tăng 7.244 con) gắn với tiêu thụ sữa theo hợp đồng với các doanh nghiệp lớn. Các loại hình kinh tế tập thể và hình thức liên kết sản xuất được mở rộng.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để có được những kết quả trên phải kể đến vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, để từng hộ gia đình, từng người tự giác, chủ động thực hiện quyền làm chủ của mình, qua đó nâng cao nhận thức, tích cực đóng góp công sức, tiền của, vật liệu xây dựng, hiến đất để xây dựng NTM. Mỗi năm, toàn tỉnh có hàng nghìn tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành khen thưởng, biểu dương vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM. Nhiều cá nhân, hộ gia đình đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, nhiều người đã tự nguyện hiến phần lớn diện tích đất của gia đình để xây dựng các công trình công cộng dù đồng nghĩa với việc hàng năm một khoản thu nhập sẽ mất đi nhưng bù lại, con em họ được sử dụng những công trình khang trang, hiện đại vừa làm nơi sinh hoạt và học tập, vui chơi hằng ngày. Những công trình này cũng là nơi ghi dấu, sự hòa quyện giữa ý Đảng và lòng dân, được nhân dân hết lòng hết sức đóng góp công sức, vật chất.
Về đích đã khó, giữ càng phải nỗ lực hơn
Một trong những khó khăn nhất của tỉnh trong quá trình xây dựng NTM đó là cơ sở hạ tầng của các xã không đồng bộ, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, tỉnh Vĩnh Phúc xác định công tác huy động đóng góp của người dân phải xuất phát từ chính điều kiện kinh tế của từng thôn, từng xã và đòi hỏi chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương phải thực hiện tốt và linh hoạt công tác dân vận.
Xác định được như vậy, các cấp, các ngành của tỉnh tập trung làm cho người dân hiểu trong điều kiện nguồn ngân sách đầu tư của nhà nước, của tỉnh có giới hạn thì cần có sự chung tay đóng góp công sức, trí tuệ, tiền bạc, vật liệu xây dựng của chính nhân dân sở tại. Và qua thực tế triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy việc phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, được trực tiếp tham gia lựa chọn đầu điểm công trình, tổ chức công khai đóng góp, huy động nguồn lực, trực tiếp tham gia quản lý, giám sát, thi công các công trình hạ tầng thiết yếu đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi tại tất cả các xã trong tỉnh.
Ngoài ra để phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí về NTM, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung thực hiện tốt công tác tôn vinh, biểu dương những cá nhân, tập thể, hộ gia đình có nhiều thành tích trong xây dựng NTM nhằm động viên, khích lệ tinh thần nhân dân. Đồng thời đề cao vai trì làm chủ của nhân dân, qua đó tạo được sự đồng thuận của người dân. Đây cũng chính là nguồn lực quan trọng để tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều thành công sau 8 năm thực hiện xây dựng chương trình NTM.
Nói như thế không có nghĩa là Vĩnh Phúc đã hết khó khăn. Bởi hiện nay ở một số nơi công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc dẫn đến tiến độ một số dự án chậm triển khai thực hiện, nhất là các công trình xây dựng chợ, các thiết chế văn hóa xã, thôn; việc huy động nguồn lực cho xây dựng NTM ở một số xã còn ít trong khi lập dự toán công trình quy mô quá lớn, vượt khả năng cân đối vốn dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản…
Trong khi đó, tỉnh đã đưa ra lộ trình trong năm 2018 tiến hành xét, công nhận với 19 xã đã đạt 19/19 tiêu chí; xét, công nhận 14 xã đã đăng ký năm 2017, 2018; thẩm tra, đề nghị thẩm định, xét công nhận huyện, thành phố, đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và 1 huyện là Tam Đảo. Năm 2019 thẩm định, đề nghị công nhận huyện Lập Thạch đạt chuẩn NTM. Năm 2020 hoàn thiện hồ sơ thẩm định các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương và Sông Lô đạt chuẩn NTM.
Để về đích NTM đã rất khó, việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí còn khó gấp bội. Theo Quyết định số 372 của Thủ tướng Chính phủ về việc, sau 5 năm về đích NTM, các địa phương phải xét công nhận lại. Do đó, để thực hiện lộ trình đề ra và khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục đưa chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa, đề cao sự thống nhất giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong triển khai thực hiện. Tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, trong đó có quyết định về việc yêu cầu các xã không chạy theo thành tích, xây dựng NTM đến đâu chắc đến đó; chỉ công nhận các xã về đích NTM khi các xã này không nợ đọng xây dựng cơ bản…
Cùng với đó, tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; quyết liệt chỉ đạo, thực hiện các tiêu chí chưa đạt, trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí: Giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thu nhập, y tế, môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật…
Mặt khác, tập trung lập kế hoạch, lộ trình thanh toán nợ các công trình xây dựng NTM hàng năm. Đối với các huyện chưa đạt chuẩn NTM, tập trung thực hiện hoàn thành các tiêu chí: Văn hóa, giáo dục, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự tham gia tích cực của nhân dân…/.