Xây dựng nhiều mô hình cho phụ nữ dân tộc Mông
(ĐCSVN.VN) – Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025. Bên cạnh việc chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa còn đặc biệt quan tâm xây dựng các mô hình hỗ trợ nâng cao đời sống tinh thần, nâng cao kiến thức, kỹ năng mọi mặt cho hội viên phụ nữ dân tộc Mông.
Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, công tác tập hợp, thu hút phụ nữ vùng đồng bào Mông tham gia tổ chức Hội ngày càng được Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa quan tâm đặc biệt. Theo đó, các cấp Hội đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đa dạng các hình thức tập hợp, thu hút hội viên đi vào chiều sâu, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình phù hợp như: Câu lạc bộ (CLB) “Chi hội kiểu mẫu 5 không, 3 sạch xây dựng Nông thôn mới”; “CLB Phụ nữ giảm nghèo”, CLB “Phòng, chống mua bán người tại cộng đồng”, “Tổ/nhóm phụ nữ tiết kiệm”…
Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa trao con giống cho THT chăn nuôi lợn nái đen sinh sản do phụ nữ làm chủ ở xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa. |
Các mô hình kinh tế ngày càng được nâng cao chất lượng và phát triển theo chiều sâu gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Trong năm, Hội LHPN tỉnh đã thành lập được lập 04 mô hình kinh tế tập thể (02 Hợp tác xã (HTX), 02 Tổ hợp tác), trong đó có 01 THT chăn nuôi lợn nái đen sinh sản do phụ nữ làm chủ ở xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, nâng tổng số mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ toàn tỉnh lên 329 mô hình (trong đó có 86 hợp tác xã, 86 tổ hợp tác và 157 tổ liên kết). Thông qua các mô hình phát triển kinh tế tập thể, bước đầu đã khắc phục được phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh cao; không những giúp hội viên, phụ nữ tự tin hòa nhập cộng đồng mà còn tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập một cách bền vững cho hội viên phụ nữ thông qua việc hỗ trợ tiếp cận và tham gia các loại hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.
Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa trao con giống cho THT chăn nuôi lợn nái đen sinh sản do phụ nữ làm chủ ở xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa. |
Bên cạnh việc chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ Thanh Hóa còn chú trọng quan tâm xây dựng các mô hình hỗ trợ nâng cao đời sống tinh thần, nâng cao kiến thức, kỹ năng mọi mặt cho hội viên phụ nữ dân tộc Mông. Các cấp Hội đã chỉ đạo 100% cơ sở Hội vùng đồng bào Mông xây dựng ít nhất 01 mô hình văn hóa, thể dục thể thao; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu VHVN, TDTT, các trò chơi giân gian, truyền thống cho hội viên phụ nữ dân tộc Mông nhân các dịp lễ, tết, các dịp kỷ niệm của quê hương, đất nước, của địa phương, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/110... Hiện nay, các mô hình VHVN, TDTT do các cấp Hội tổ chức đã và đang hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia như: bóng chuyền, đánh cù, ném co múa khèn, múa ô của dân tộc Mông.... Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo xây dựng thí điểm 3 mô hình CLB “Phụ nữ giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc Mông” tại 3 xã có đồng bào Mông sinh sống của 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông, giáo dục tinh thần đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa thăm mô hình hố rác tại hộ gia đình của HVPN xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa. |
Theo đó, Hội LHPN tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng 12 CLB “Phòng, chống mua bán người tại cộng đồng” với 600 hội viên phụ nữ tham gia (50 thành viên/mô hình), trong đó có 06 CLB tại vùng đồng bào Mông gồm: xã Trung Lý, Nhi Sơn, Quang Chiểu (huyện Mường Lát), xã Hiền Kiệt (huyện Quan Hóa), xã Tam Thanh, Na Mèo (huyện Quan Sơn). Thông qua sinh hoạt CLB, các thành viên được tập huấn, truyền thông nâng cao kiến thức phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm mua bán người, bảo vệ an ninh biên giới, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc..., góp phần bảo đảm trật tự, an ninh, quốc phòng tại các địa phương. Đặc biệt, việc thực hiện phong trào “Phụ nữ Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương như: CLB “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; mô hình “hàng rào xanh, bờ rào đẹp”, “di dời gia súc ra khỏi gầm nhà sàn”, “Hố rác tại hộ gia đình”... góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, mang lại những thay đổi tích cực về quang cảnh, diện mạo nông thôn mới ở Thanh Hóa.
Có thể khẳng định, những mô hình, sáng kiến của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa từng bước mang lại những kết quả thiết cho hội viên, đặc biệt là hội viên phụ nữ dân tộc Mông. Duy trì, nhân rộng, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình này nhằm thực hiện Kết luận số 684-KL/TU ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030./.