Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng mới Trung tâm cấp cứu 115 tại Bình Chánh

Thứ Ba, 01/08/2023 16:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trung tâm cấp cứu 115 mới sẽ được xây dựng tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, cùng với việc hình thành hệ thống Trung tâm cấp cứu 115 tại 4 khu vực bao trọn TP.Hồ Chí Minh.

Trong tương lai gần, TP.Hồ Chí Minh xây dựng trụ sở Trung tâm cấp cứu 115 tại huyện Bình Chánh và phát triển mạng lưới cấp cứu tại 4 khu vực 
Kế hoạch này được nêu trong đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện (Trung tâm cấp cứu 115) theo hướng chuyên nghiệp tại TP.HCM từ nay đến năm 2030, vừa được Sở Y tế trình UBND TP.Hồ Chí Minh phê duyệt. 

Đây sẽ là Trung tâm chỉ huy cấp cứu 115 cho toàn TP.Hồ Chí Minh. Là nơi tiếp nhận và điều phối cuộc gọi cấp cứu, tổ chức cấp cứu, huấn luyện đào tạo, thực hành mô phỏng các tình huống cấp cứu cho học viên các khóa đào tạo cấp cứu viên ngoại viện của các trường thuộc khối ngành sức khỏe. 
 
Đồng thời cũng là nơi xây dựng hệ thống cung ứng, hậu cần (bảo trì, bảo dưỡng xe cứu thương, thiết bị y tế trên xe; khử khuẩn xe cứu thương; bổ sung thuốc, vật tư cấp cứu...) trong hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, trung tâm chỉ huy cấp cứu mới tại Bình Chánh có vốn đầu tư trung hạn là 300 tỉ đồng. Ngoài trung tâm này, TP.Hồ Chí Minh sẽ thiết lập mạng lưới 4 trung tâm cấp cứu khu vực ở quận 1, TP Thủ Đức, Gò Vấp và Cần Giờ.

Trong đó, Trung tâm cấp cứu khu vực quận 1 dự kiến đặt trong Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện khu vực trung tâm TP; các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch; các lễ hội lớn thu hút đông đảo khách du lịch tham quan trong và ngoài nước.

Trung tâm cấp cứu khu vực TP Thủ Đức dự kiến đặt tại khu trung tâm hành chính của TP Thủ Đức. Nhiệm vụ tiếp nhận cuộc gọi, điều phối cấp cứu ngoại viện cho khu vực, đồng thời còn là cơ sở dự phòng về hạ tầng công nghệ thông tin, an ninh mạng cho trụ sở chính khi có các tình huống khẩn cấp xảy ra.

Ngoài cấp cứu bằng đường bộ, đường sông, TP.Hồ Chí Minh sẽ phát triển Trung tâm cấp cứu bằng đường không đặt tại Bệnh viện Quân y 175 - Ảnh: DUYÊN PHAN 

Trung tâm cấp cứu khu vực Gò Vấp dự kiến đặt trong khuôn viên Bệnh viện Quân y 175 nhằm đảm trách việc cấp cứu ngoại viện của khu vực, đồng thời phát triển mô hình cấp cứu bằng đường hàng không.

Trung tâm cấp cứu khu vực Cần Giờ dự kiến đặt trong Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, có nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện khu vực huyện đảo Cần Giờ và phát triển mô hình cấp cứu đường thủy.

Theo Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh các hệ thống trung tâm cấp cứu này sẽ được xây dựng hình thành qua hai giai đoạn. Trong đó, từ 2023 - 2025 sẽ ưu tiên thành lập và triển khai hoạt động trung tâm cấp cứu tại khu vực Bình Chánh, Gò Vấp, Cần Giờ. 

Từ 2025 - 2030, thành lập và triển khai hoạt động trung tâm cấp cứu tại TP Thủ Đức, quận 1 và hoàn thiện trung tâm cấp cứu tại Cần Giờ.

Số cuộc gọi vào đầu số 115 tăng hằng năm

Sau 10 năm thành lập, Trung tâm cấp cứu 115 hiện có 171 nhân sự, trong đó có 35 bác sĩ, 14 y sĩ, 67 điều dưỡng, 19 tài xế, 36 nhân viên khác và đang quản lý 40 xe cứu thương. Ngoài ra, trung tâm còn có 39 trạm cấp cứu vệ tinh đóng tại các bệnh viện.

Theo thống kê, số cuộc gọi vào đầu số 115 tăng từ 7.905 cuộc gọi (năm 2014) lên 348.752 cuộc gọi (năm 2022), cao nhất 414.885 cuộc gọi (năm 2022).

Số ca xuất xe cấp cứu cũng tăng từ 6.996 ca (năm 2014) lên 31.138 ca (năm 2022) và cao nhất ở năm 2021 với 37.339 ca.

Mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh 115 cũng thực hiện số ca cấp cứu tăng dần từ 2.081 (năm 2014) đến 20.468 (năm 2012) ca.

Tuy vậy, Trung tâm cấp cứu 115 hiện gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, hệ thống tổng đài, nhân lực, phương tiện vận chuyển và năng lực dự phòng, cũng như khả năng chống chịu trước các tình huống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

 

Hoàng Lộc

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN